Ngày 26-5-2019, trong phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật thế kỷ 20 và đương đại tại nhà Christie’s ở Hong Kong, đã nổi lên gương mặt một nhà sưu tập người Mỹ gốc Việt: tiến sĩ Phạm Tuấn, chủ nhân 17 tác phẩm mỹ thuật Việt Nam đã được bán với nhiều mức giá kỷ lục, trong đó có bức Khỏa thân – tranh sơn dầu, khổ của Lê Phổ đã được gõ búa với giá 1.398.179 USD, gấp đôi giá ước tính ban đầu.
Đây là kỷ lục mới đối với giá tranh của Lê Phổ: trước đó, bức Đời sống gia đình của ông đã được bán với giá 1.172.080 USD tại nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong ngày 2-4-2017.
Ngoài bức Khỏa thân, một số tranh khác của Lê Phổ trong sưu tập của Phạm Tuấn cũng đã được bán trong phiên đấu giá nói trên, như Tắm biển, một tranh khỏa thân khác được bán với giá 507.440 USD; Tĩnh vật với hoa trái: 175.972 USD; Nghề thêu và Bố cục: cùng giá 127.980 USD; Hai cô gái trong vườn hoa: 119.981 USD; Thiếu phụ với hoa sen: 111.982 USD…
Nhiều tác phẩm của các tác giả cùng thời, cùng sang Pháp sống và sáng tác với Lê Phổ cũng được bán dịp này, như Mẹ và bé của Lê Thị Lựu: 207.967 USD; Giấc ngủ của Mai Trung Thứ: 319.950 USD; Quan đại thần của Vũ Cao Đàm: 239.962 USD; đặc biệt là bức tượng Người đàn bà quỳ của Vũ Cao Đàm mà Phạm Tuấn rất yêu thích đã được bán với giá đáng kể: 287.995 USD dù chỉ là một tượng đất nung cỡ nhỏ, chiều cao và chiều ngang chỉ khoảng 30cm.
Bức tượng của Vũ Cao Đàm đã được bác sĩ Phạm Tuấn mua trong phiên đấu giá ngày 4-4-2004 tại nhà Sotheby’s ở Singapore trong khi bức Khỏa thân lại được ông mua vào một dịp rất tình cờ vào thập niên 1990: “Ngay lúc đi ngang qua một gallery ở miền Nam bang Florida, tôi chợt nhìn thấy bức tranh với chữ ký bằng tiếng Hoa, bên trên là cái tên Lê Phổ”.
- Xem thêm: Quyển sách đời người
Nhà sưu tập đã không do dự khi mua bức tranh nhưng lúc đó ông hoàn toàn không hay biết Lê Phổ là một nhà danh họa người Việt. “Đó là bức tranh đầu tiên trong sưu tập các tác phẩm Việt Nam của tôi; và nó khởi đầu cho một hành trình riêng tư đã gắn tôi với nơi chốn mình sinh ra đời”, Phạm Tuấn giải thích thêm về cơ duyên có được một tác phẩm quý giá.
Phạm Tuấn sang Mỹ cùng gia đình sau năm 1975, khi mới 13 tuổi. Từ Florida, ông chuyển đến California, nơi ông đã gặp gỡ và kết hôn với một thiếu nữ xinh đẹp người Việt.
Đến năm 1992, Phạm Tuấn thành lập Phamatech – một công ty cũng là phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học tại San Diego.
Sau những giờ làm công việc chuyên môn thì sưu tập tác phẩm mỹ thuật Việt Nam với Phạm Tuấn là một chuyến du hành có ý nghĩa về mặt giáo dục và cảm xúc, như ông mô tả: “Mỹ thuật Việt thực sự là lịch sử và văn hóa. Nó kể cho bạn một câu chuyện mà bạn chưa từng biết trước đó. Rất nhiều họa sĩ Việt Nam thế kỷ 20 sinh trưởng tại quê hương nhưng đã rời Việt Nam sang Pháp tạo dựng sự nghiệp ở đó. Tôi cũng làm điều tương tự. Trong tôi luôn có một phần của Việt Nam và một phần của Hoa Kỳ, sự kết hợp hai nền văn hóa này tương tự như những gì tôi nhìn thấy ở một số tác phẩm của các họa sĩ mà tôi sưu tập. Đó là lý do tôi yêu thích chuyến du hành (sưu tập tác phẩm) này đến thế”.
Một ví dụ tiêu biểu của “sự kết hợp văn hóa” mà Phạm Tuấn nói đến chính là tác phẩm Khỏa thân của Lê Phổ, được nhà danh họa vẽ năm 1931 tại Hà Nội, sáu năm trước ngày ông sang Pháp lập nghiệp và mất tại Paris ngày 12-12-2001 ở tuổi 94.
Theo ông Dexter How, phụ trách lĩnh vực mỹ thuật Đông Nam Á của nhà Christie’s ở Singapore thì bức Khỏa thân “hấp dẫn ở chỗ miêu tả một phụ nữ châu Âu thay vì một phụ nữ Việt Nam”.
Bởi vào thập niên 1930, các truyền thống Nho giáo còn ảnh hưởng mạnh trong xã hội Việt Nam không cho phép vẽ người nữ khỏa thân, nên Lê Phổ đã phải tìm cách khác để sáng tác một đề tài cấm kỵ lúc bây giờ.
Điều đó còn cho thấy tranh khỏa thân cực kỳ hiếm thời kỳ đó và càng khó tìm trên thị trường, nên việc bức Khỏa thân đạt được mức giá kỷ lục cũng dễ hiểu.
Sau hơn 30 năm “du hành vào lĩnh vực sưu tập mỹ thuật”, ông Phạm Tuấn đã sở hữu một trong những bộ sưu tập “đình đám” nhất về mỹ thuật Việt Nam, với tác phẩm của những bậc thầy xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu.
Tác phẩm của họ là những câu chuyện kể về tình cảm gia đình, tình bằng hữu và cuộc sống thường nhật của người Việt; đơn cử như bức tranh lụa khổ lớn Gia đình ngư dân vô cùng quý hiếm trong sáng tác của Lương Xuân Nhị, mô tả các thành viên trong một gia đình ngư dân miền biển đang quây quần bên nhau trong chiếc thuyền thúng, mà theo lời nhà sưu tập Phạm Tuấn: “Đây là những gì tôi học được về nơi tôi lớn lên, thế nên khi ngắm nhìn những bức tranh như thế này, tôi cảm thấy gắn kết với người trong tranh”.
Bức Gia đình ngư dân được bán với giá khá cao: 599.585 USD cũng là kỷ lục giá tranh của Lương Xuân Nhị, trong khi bức Thiếu nữ Việt của Trần Văn Cẩn được bán với giá 143.977 USD, còn bức Chơi ô ăn quan tác phẩm huyền thoại của Nguyễn Phan Chánh có giá gõ búa 446.010 USD.
Và lần đầu tiên Tô Ngọc Vân lập kỷ lục với bức Vỡ mộng: 1.167.816 USD; điều này nhắc nhớ một vụ tai tiếng cũng tại nhà Christie’s Hong Kong vào ngày 28-5-2017, khi mà một tranh chép ngớ ngẩn từ bức Em bé ăn xin của họa sĩ Tây Ban Nha thế kỷ 17 Bartolomé Esteban Murillo ở Bảo tàng Louvre ở Paris, được gắn cho cái tên mới Mơ về ngày mai và ký tên Tô Ngọc Vân!
Người đứng sau vụ việc này chính là “chuyên gia” Jean François Hubert, cũng là kẻ đã đạo diễn vụ triển lãm tranh giả “Các tác phẩm đưa về từ châu Âu” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tháng 7-2016.
Trở lại với nhà sưu tập Phạm Tuấn; thật đáng tiếc khi ông cho biết: “Chuyến du hành của tôi đã hoàn tất, và đây là lúc để người nào đó khởi đầu chuyến du hành của chính anh/cô ấy”.
Sau 17 tác phẩm đã được bán hết ngày 26-5, đến tháng 9-2019 sẽ có thêm 16 tác phẩm khác cũng thuộc sưu tập của Phạm Tuấn tiếp tục lên sàn đấu giá Christie’s Hong Kong. Lúc đó người ta sẽ được biết thêm nhiều kiệt tác khác của các nhà danh họa Việt Nam.