Trong cuộc sống nhiều áp lực nặng nề, nhiều người cho rằng có lẽ khó khăn nhất là giữ được bình tĩnh. Bình tĩnh ai cũng có, mà sao lại khó khăn khi giữ lấy nó?
Chuyện nhỏ, ra đường đông đúc, tham gia giao thông va quẹt nhau là bình thường, vấn đề khó là làm sao giữ được bình tĩnh khi một bên muốn gây hấn. Một bà mẹ dặn con, ra đường, có lỡ va quẹt dù mình đúng hay sai cũng nên mở miệng câu xin lỗi trước. Về lý thuyết, điều này hoàn toàn đúng. Nhưng liệu có ai giữ được bình tĩnh để mở miệng xin lỗi kẻ kia trong khi mình không có lỗi?
Phân tích theo tâm lý, kiểu như tất cả sự việc trên đời này đều… bình thường, thì đường đông, nếu có va quẹt là đương nhiên, không có gì đáng phải ầm ĩ và người ta cũng đâu cố ý va chạm với mình. Va quẹt chẳng phải là chuyện xấu xa, đáng xấu hổ, không vi phạm pháp luật… Thế nhưng, nếu có ẩu đả, sinh ra rầy rà thành có tội. Chỉ cần nghĩ nhiêu đó là lấy lại được bình tĩnh. Tuy nhiên, làm sao để có những suy nghĩ “bình tĩnh” lúc nước sôi lửa bỏng? Thật khó khăn.
Thử phân tích khía cạnh đôi lứa. Hai người yêu nhau, chuyện bình thường nếu tình yêu đó tan vỡ. Bởi vì trên đời này không có điều gì vĩnh viễn. Biết là vậy, nhưng mấy ai giữ được bình tĩnh khi chứng kiến một ngày có kẻ thứ ba chen vào chuyện tình cảm mấy năm trời chỉ có hai người? Có mấy ai hiểu được rằng, không ai là kẻ phản bội, một khi đối tác không còn cảm hứng từ người cũ, họ cần một cảm xúc mới hơn từ một người khác. Buông bỏ lúc này là cần thiết, không phải buông cho họ mà cho mình. Khi tình yêu đã hết, có níu kéo chỉ vô ích, mất thời gian và tổn hại sức khỏe, tinh thần. Nói lên được câu vậy, có người sẽ cho là người này lý trí mạnh mẽ quá, đôi khi chẳng biết tình yêu là gì. Tình yêu ghê gớm lắm, tiếng nói của con tim, tấm lòng, trí não, của một loại hóa chất nào đó mà chỉ có ở người này mà không thấy ở người kia… Nói trớt quớt như thế thì yêu đương giống như kiểu mì ăn liền?
Tuy nhiên, bình tĩnh nhận ra mới thấy, với tình cảm, các cụ nói cấm có sai “ép dầu, ép mỡ ai nỡ ép duyên”. Một khi người ta đã không thích rồi thì chẳng bao giờ thích nữa cả cho dù đối phương có tốt, đẹp đến đâu. Trên đời này chắc không ai trả lời được câu hỏi, tại sao lại yêu người này mà không yêu người kia cả.
Do vậy, nếu có bị tình phụ, bồ đá… vẫn phải chấp nhận và xem là bình thường để vượt qua, tìm một phương án khác tốt đẹp hơn cho mình. Một ngày nào đó nhìn lại, thấy kẻ kia cũng “xoàng” thôi mà sao hồi đó mình chết lên chết xuống vậy. Lại đâm trách mình quá lụy tình không nghĩ đến bản thân!
Vậy nên, bình tĩnh là cái trời cho mỗi người. Có người giữ bình tĩnh được nhưng có người không. Người khó kiềm chế phải tập ghê lắm và phải trải qua nhiều đau thương mới hiểu được thế nào là giá trị của “một sự nhịn, chín sự lành”. Câu xương máu của người xưa đấy!
Bình tĩnh để thấy mọi sự trên đời này đều bình thường. Người thương kẻ ghét mình là bình thường. Có người hại mình thì ắt sẽ có người khác giúp mình. Đóng cánh cửa này sẽ có cánh cửa khác mở ra. Bỏ một người mà mình yêu họ, hy sinh vì họ nhưng họ cứ nhẫn tâm với mình là điều tất yếu để có cuộc sống bình an.
Mới thấy, xem ra cuộc đời con người cần quá nhiều thứ “bình”: bình tĩnh, bình tâm, bình an… Nếu cần cũng nên “bình chân như vại” trước sự việc có “nước sôi lửa bỏng” đến đâu; phải thật sự “lạnh” mới giải quyết được vấn đề.
Có lẽ, tạo nên nếp nghĩ mọi thứ đều bình thường, khi tâm mình không an, lúc nào cũng lo lắng việc không đáng lo lắng mới là bất bình thường; để có một cuộc đời bình thường (nhưng không tầm thường) đâu có dễ, đôi khi phải trải nghiệm chán chê ê chề, đời lên xe, xuống ngựa, bão dông… mới nhận ra.