Chuyến khám phá Rừng Đen của chúng tôi bắt đầu từ Baden-Baden, thành phố nhỏ nhưng nổi tiếng vương giả của nước Đức. Dân số chỉ 5 vạn người nhưng Baden-Baden có đến 250 khu tắm suối nước nóng và những sòng bạc cực kỳ lộng lẫy. Đã vậy, chiều nào ở quảng trường trung tâm cũng diễn ra buổi hòa nhạc ngoài trời. Nhiều thành viên suýt nữa thì quên mất mục đích chính của chuyến đi là vùng Rừng Đen huyền bí đã được dùng làm bối cảnh cho câu chuyện cổ tích Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn của anh em nhà Grimm.
Vùng đất của những kẻ nổi loạn
Sáng hôm sau, xe rời thành phố chưa bao lâu mọi người đã thấy những dãy núi cao trải dài trước mặt. Hai bên đường cỏ mọc xanh tươi, không được ai cắt tỉa nhưng do cùng một chủng loại nên cỏ cao đồng đều, tạo thành tấm thảm xanh mượt rộng mênh mông chạy lên trên cả những sườn núi. Xa xa rải rác vài ngôi nhà gỗ lợp ngói đỏ nổi bật giữa đồi, cạnh đó là đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ. Theo cung đường quanh co như rắn lượn, xe lần leo dốc tiến vào vùng núi Rừng Ðen. Rừng Ðen nằm trên dãy núi dài ở tỉnh bang Baden-Wurtemberg miền Tây Nam Cộng hòa Liên Bang Ðức, dưới chân dãy núi là con sông Rhine.
Do các ngọn núi được bao phủ bởi một loại cây họ tùng bách (pines) có lá màu xanh sậm, sắc lá này tương phản với màu xanh non của đồng cỏ bên dưới nên dân gian mới gọi là Rừng Ðen. Dưới những sườn núi thấp thì rừng lá sẫm màu còn nằm xen kẽ giữa đồng cỏ, nhưng khi lên cao đồng cỏ dần bị thay thế hoàn toàn bởi rừng đen rậm rạp. Thảm thực vật lúc này hầu như chỉ còn một loại cây lá kim cổ thụ, lớp cây già phủ chằng chịt lên những cây non trông âm u huyền bí. Đi bộ men theo con đường núi ngoằn ngoèo, thỉnh thoảng thấy có xóm nhỏ vài ba ngôi nhà nằm cạnh dòng suối. Cư dân ở đây sống bằng nghề chăn nuôi và chế tác gỗ. Sống biệt lập trong rừng sâu, dân địa phương làm ra nhiều món thủ công rất tinh xảo. Sản phẩm nổi tiếng từ xưa là đồng hồ gỗ “cúc cu”, loại đồng hồ có con chim đứng trong lồng, cứ mỗi giờ một lần lại mở cửa sổ và kêu những tiếng “cúc cu” vui tai. Ngoài ra, họ còn bán những chiếc nón nhọn rộng vành nhiều màu sắc rất đẹp.
Rừng Đen hình chữ nhật, dài 200km, rộng 60km. Ngọn núi cao nhất mang tên Feldberg có độ cao 1.493 mét. Ngày xưa những kẻ phản loạn hay phạm pháp thường ẩn trốn vào đây để chờ thời hay sống nốt quãng đời còn lại. Tiếp theo, các tu sĩ tìm đến giáo hóa và xây dựng tu viện. Rồi những nhà quý tộc cũng tới cư ngụ từ thế kỷ XI. Ngay sau đó, các thung lũng trong cả vùng liên tục phát triển thương mại nhờ nằm cạnh Thụy Sĩ và vùng Alsace nước Pháp. Các lâu đài, thị trấn làng nghề thủ công bắt đầu mọc lên.
Ngày nay Rừng Đen là nơi lý tưởng dành cho những ai yêu thích hoạt động ngoài trời như trekking, đi xe đạp trên triền núi, chơi golf, lặn nước… Đặc biệt, ở đây có những suối nước nóng, với những tính chất làm lành vết thương nổi tiếng từ thời La Mã. Trong vùng giờ có bảo tàng viện ngoài trời Vogtsbauernhofe mô tả cuộc sống của nông dân tại đây vào thế kỷ XVI và XVII, bảo tàng rất thú vị vì cho du khách hình dung cụ thể được người xưa làm thế nào để tạo dựng một trại chăn nuôi hay một xưởng thủ công. Ở làng Furtwangen còn có nhà bảo tàng trưng bày tất cả các loại đồng hồ Ðức và lịch sử của sản phẩm này cũng như cách chế tạo đồng hồ.
Xuyên qua vùng núi rừng nên thơ, xe tiến vào Freiburg nằm ở bìa phía tây của khu Rừng Ðen, đây cũng là thành phố cực Tây Nam của Ðức. Thành phố nằm trong thung lũng xanh tươi có con sông Dreisam chảy qua và dãy núi Schlossberg bao quanh. Freiburg có nghĩa “thành phố tự do” (là một thị trấn bán buôn không thuế) được thành lập từ thế kỷ XII bởi một quận chúa xinh đẹp. Nằm trên đường giao thương giữa Ðịa Trung Hải với vùng Bắc Hải và giữa hai con sông huyết mạch Âu châu là sông Rhine và sông Danube, thành phố Freiburg nổi tiếng phồn thịnh với nhiều khu phố cổ, nhà thờ xưa và là nơi có khí hậu ấm áp nhất nước Ðức.
Ngọn thác miền biên giới
Ngày hôm sau chúng tôi đi về phía đông nam tới biên giới Đức – Thụy Sĩ để ngắm thác trên sông Rhine. Ðoạn đường từ Freiburg đến biên giới Thụy Sĩ quanh co uốn lượn dọc những dòng suối trong veo chảy men theo chân đồi. Nối tiếp những con đường sông nước cỏ cây hoang dại, rậm rạp là những xóm nhà ngói đỏ tường vàng rêu phong cổ kính. Ðến biên giới, xe dừng lại trên con đường bên phải có hai ngôi nhà treo cờ của hai nước. Mấy người lính canh bước ra nhìn vào xe rồi gật đầu cho cả đoàn đi vào đất Thụy Sĩ.
Qua khỏi trạm kiểm soát chừng vài phút, mọi người đến với Schaffhausen – thành phố ngàn năm tuổi bên sông Rhine. Đoạn sông này đặc biệt nhiều ghềnh đá nên không có tàu thuyền lưu thông. Schaffhausen không lớn nhưng là thủ phủ của tỉnh cùng tên nên có nhiều công trình xây dựng ấn tượng. Xe chạy ngang qua khu vực có nhiều kiến trúc từ thời Phục Hưng với mặt tiền trang trí hoa văn, hình tượng mỹ thuật sang trọng. Tuy nhiên, phần lớn trong hàng chục ngàn du khách đổ đến Schaffhausen mỗi ngày không phải để ngắm phố cổ mà để xem thác sông Rhine nằm ở phía nam thành phố. Sông Rhine chảy đến đây thì bị một dãy đá ngầm chặn ngang và dòng nước vượt qua dãy đá đổ xuống trở thành thác nước ầm ầm tung bọt. Dòng sông bị chặn, đổi dòng chảy về hướng nam. Thác Rhine là thác lớn nhất Âu châu với chiều ngang rộng 150 mét và cao 23 mét.
Theo chương trình, chúng tôi sẽ ngắm thác và ăn trưa ở nhà hàng cách thác khoảng 500 mét. Nhà hàng bán cả vé du thuyền ra đảo và nhiều tour tham quan khác như thăm những lâu đài trong vùng. Đoàn băng qua một cây cầu để xuống nhà hàng, nhìn dưới sông thấy rõ từng đàn cá lội mặc dù nước chảy xiết. Từ nhà hàng nhìn lên hướng bắc thấy toàn cảnh thác nước liên tục đổ nước trắng xóa rất hùng vĩ. Phía bắc thác nước có một cây cầu cổ xây bằng gạch đỏ bắc ngang dòng sông cũng có đông du khách đến chụp ảnh. Ðứng trên cầu nhìn dòng nước lũ ầm ầm đổ xuống cảm giác cũng thật rợn ngợp.
Giữa dòng thác là một hòn đảo nhỏ nhô lên cao, trên chóp đá có cắm cây cờ Thụy Sĩ nền đỏ chữ thập trắng. Nhìn kỹ thấy nhiều bóng người rất nhỏ đứng gần hòn đá chóp đảo. Đang thắc mắc không biết làm sao những người này tới đó được thì chợt thấy dưới bờ nước sát đảo một chiếc thuyền nhỏ đang đậu. Hóa ra có thuyền máy đưa du khách lên đảo nhỏ xíu tìm cảm giác mạnh, ở đây nước chảy rất xiết, nếu sẩy chân một cái thì… Ngắm thác xong, mọi người qua cầu trở lên bờ và lần theo những con đường mòn lên trên triền núi. Trên một độ cao vừa phải, chính quyền thành phố đã dày công tạo dựng một vườn hoa rộng thênh thang với rất nhiều hoa đẹp, nhiều du khách chơi thác xong thì vào đó picnic ăn trưa.