Từ TP. Kon Tum, chúng tôi theo hướng biên giới Tây Nam để đến với rừng quốc gia Chư Mom Ray trên địa bàn hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Cung đường đẹp nên chỉ chừng 30 phút xe đã đến thị trấn Sa Thầy khá sầm uất, và chỉ đi thêm 8km theo tỉnh lộ 675a đã bắt đầu thấy núi rừng Tây Nguyên trước mắt, với ngọn Chư Mom Ray hùng vĩ mà chiều hôm trước ở Kon Tum, chúng tôi đã được ngắm đỉnh núi này ẩn sau khói sương huyền ảo.
Tọa lạc ngay cổng vào rừng quốc gia Chư Mom Ray là nhà lưới nhân giống lan rừng, nơi đã nhân giống thành công khoảng 120 loài lan rừng, với những loài rất quý hiếm như dã hạc, hoàng phi hạc, long tu lào. Hệ sinh thái bao quanh chân núi gồm 12 kiểu rừng (theo thuật ngữ lâm sinh), đặc biệt là đồng cỏ Ia Bốc diện tích 16.772km2 – một thung lũng đẹp với nguồn nước khoáng mặn thường thu hút các loài thú bộ móng guốc đến uống nước vào những đêm trăng.
Mùa này Sa Thầy nắng gió, hanh hao nhưng đi trong rừng khó thấy ánh nắng mặt trời chiếu xuống. Dưới tán rừng mênh mông, rợp bóng cây cối, không khí mát lạnh. Chim hót líu lo, rộn ràng trên những thân bằng lăng trắng, bằng lăng tím… Địa hình núi đồi xô lệch nơi đây tạo nên những thác nước cao trên 100m như thác Nàng Tiên, thác Bảy Tầng… Những thác nước và những dòng suối nhỏ trong rừng làm nên đầu nguồn sông Sa Thầy. Hệ thống núi non ở đây ngoài đỉnh Chư Mom Ray cao 1.773m, có đỉnh Ngọc Win cao 1.480m, đỉnh Chư Đô 1.145m và nhiều ngọn núi khác thấp hơn.
- Xem thêm: Cung đường chinh phục thác Hang Cọp
Ngồi xe hơn một tiếng, chúng tôi bỗng lạc vào một tòa tháp lồ ô tại khu vực Ya Mô, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Hai bên đường, những thân lồ ô “nghiêng đầu” chụm vào nhau thành hình chóp nón. Lồ ô bạt ngàn, đu đưa theo gió như mời gọi du khách đến thăm rừng. Toàn bộ rừng quốc gia Chư Mom Ray có 17.000ha lồ ô, riêng ở Ya Mô có khoảng 2.000ha. Xe tiếp tục băng qua con đường mòn, đến cách thác Bảy Tầng 700m mọi người phải xuống đi bộ trên hai con đường dẫn vào thác đã được kiểm lâm phát quang, một ngả men theo suối cho những ai thích mạo hiểm và một lối mòn dưới tán rừng cho những nhóm đi du lịch gia đình có trẻ nhỏ. Đường đi dưới tán rừng khá trơn trượt nên đoàn chúng tôi chậm rãi bước men theo dòng suối róc rách như tiếng hát reo, hòa với tiếng lá khô xào xạc.
Không gian trong lành, tĩnh lặng tạo cảm giác nhẹ tênh, thư thái. Lối đi vượt dốc lên mãi, những người ít kinh nghiệm và vội vã thường hay phải dừng chân nghỉ từng quãng ngắn, cũng là lúc ngước nhìn tán cây trên cao đến mỏi cổ, thoáng thấy chút ánh nắng le lói đậu trên lá bằng lăng, đinh hương… Thỉnh thoảng từ trên cao vọng xuống tiếng chim hồng hoàng tìm bạn, và âm thanh mơ hồ từ những chú sóc chuyền cành. Đoạn đường dù ngắn nhưng đủ để thử sức dẻo dai của mỗi người. Những tảng đá nguyên sơ đồ sộ bên phải lối đi thường là nơi dừng chân sớm cho những du khách chưa đủ quyết tâm chinh phục.
- Xem thêm: Vào thăm làng Bahnar ở Gia Lai
Mất khoảng nửa giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến được với tầng thứ nhất của thác, nơi dòng nước đổ xuống tạo thành những bọt tuyết trắng xóa, để cảm nhận sự thanh sạch của núi rừng. Lên đến tầng thứ bảy cảnh vật còn tuyệt vời hơn gấp nhiều lần. Dòng nước trắng xóa đổ từ trên cao xuống dưới ánh mặt trời thành một ánh bạc lung linh. Những dòng chảy hiền hòa bên dưới in bóng cây cỏ, hoa lá, bầu trời, trông như một thế giới dưới nước, trong trẻo và thanh bình đến lạ. Thác Bảy Tầng còn có tên thác Khỉ, bởi mỗi khi vắng người là đàn khỉ có đến hàng trăm con lại kéo ra nô đùa. Còn với du khách, không gì thú vị hơn sau khi vượt dốc, được ngả lưng tựa vào những tảng đá, thả đôi chân mệt mỏi cho dòng nước mơn man và ngắm nhìn không gian kỳ vĩ của đại ngàn Tây Nguyên.