Tôi chuẩn bị xây nhà mới kết hợp làm văn phòng của công ty gia đình nên phải có tầng hầm để xe cho khách; xin hỏi Nội Thất chung quanh vấn đề chống thấm cho tầng hầm vì đã có nhiều trường hợp tầng hầm bị thấm, sửa chữa rất phức tạp.
Trần Đình (TP. Đà Nẵng)
Có hai loại hầm để xe: hầm cạn – còn được gọi là “bán hầm” – và hầm sâu; cả hai loại hầm khi thi công đều hết sức quan trọng, cần được xử lý chống thấm triệt để nhằm đảm bảo tuổi thọ cho kết cấu và tính bền vững của công trình. Do hầm nằm ngầm dưới đất, chịu tác động của các mạch nước ngầm, thủy triều… nên cần phải có giải pháp chống thấm tối ưu cùng sự lựa chọn vật liệu phù hợp.
Trước khi chống thấm
- Trong khi đổ bê tông sàn hầm phải trộn thêm hóa chất chống thấm với tỷ lệ theo hướng dẫn của nhà sản xuất chất chống thấm nhằm xử lý bước chống thấm cơ bản cho bê tông nền.
- Đối với tầng hầm mới, khi thi công phần móng nối với tường hầm nên dùng băng cản nước PVC hay cao su cài xung quanh nhằm ngăn chặn được các mạch nước ngầm thấm qua.
- Đối với các cổ ống nước, dùng joăng chương nở quấn xung quanh các cổ ống nhằm bảo vệ cổ ống đồng thời ngăn chặn nước rò rỉ chung quanh.
- Sau khi đổ sàn bê tông cốt thép, cần loại bỏ sạch tạp chất trên bề mặt; đánh và thổi sạch bụi, đục tẩy các vị trí lồi lõm. Bề mặt sàn phải bằng phẳng, cứng, sạch, nếu bị rỗ cần phải sửa chữa; nếu có các vết nứt lớn phải được trám lại bằng vữa sửa chữa có phụ gia.
- Kiểm tra kỹ khu vực cần xử lý, nếu có hiện tượng rò rỉ, ngấm nước từ bên ngoài tại một số vị trí thì phải xử lý cục bộ trước bằng vật liệu đông cứng tức thời hoặc keo liệu trám bít, sau đó mới có thể tiến hành xử lý toàn bộ bề mặt bằng các vật liệu chuyên dụng khác.
Biện pháp chống thấm có ba phương án thi công:
a) Màng chống thấm dạng khò nhiệt
- Màng chống thấm Petro (Ý), màng chống thấm Bitum, Glasdan Danosa (Tây Ban Nha)…
- Có tính đàn hồi rất cao và chịu được nhiệt độ khắc nghiệt. Khi thi công loại màng này, cần phải làm vệ sinh công nghiệp (bằng máy) toàn bộ bề mặt cần chống thấm, không để dính vữa yếu, dầu mỡ hoặc các tạp chất khác, sau đó khò nóng bề mặt thi công bằng đèn khò. Màng chống thấm sẽ nóng chảy bám chặt vào bề mặt sàn bê tông và chân tường bao quanh.
- Biên độ chồng mí giữa mỗi lần tiếp giáp là 50mm.
- Trát một lớp bê tông lưới thép dày 3 – 4cm lên toàn bộ bề mặt thành và đáy hầm nhằm bảo vệ bề mặt màng chống thấm, tăng hiệu quả và kéo dài thời gian bền vững của công trình.
b) Màng chống thấm dạng nguội tự dính
- Như Boscoseal 16 (Ý), Self – Danmuros (Tây Ban Nha), Self – Ashesive (Úc)… có thể gỡ ra được.
- Khi thi công cần vệ sinh công nghiệp toàn bộ bề mặt cần chống thấm sao cho cứng, sạch, khô, không còn dính vữa yếu, dầu mỡ hoặc các tạp chất khác.
- Dán màng chống thấm lên toàn bộ bề mặt cần xử lý với biên độ chồng mí giữa các lần tiếp giáp là 70 – 100mm.
- Trát một lớp bê tông lưới thép 3 – 4cm lên toàn bộ bề mặt thành và đáy hầm.
c) Màng hỗn hợp hai thành phần
- (như Boscocem Slurry) có gốc xi măng và polyme với các ưu điểm như bề mặt dùng sản phẩm này có thể ốp lát được, bảo vệ bê tông khỏi carbonat và các chất ô nhiễm, có khả năng bám dính vào bề mặt ướt, thích hợp khi thi công trong lòng hầm chật chội, thiếu không khí và khó thao tác.
- Khi thi công phải vệ sinh công nghiệp toàn bộ khu vực cần xử lý, do vật liệu đạt hiệu quả kết dính tốt trên bề mặt ẩm nên trước khi thi công cần phun ẩm bề mặt xử lý chống thấm. Dùng chổi nhựa hay bàn chải to bản quét hỗn hợp đều trên bề mặt. Thi công hai lớp cách nhau từ 2-4 giờ, quét lớp thứ hai theo chiều vuông góc với lớp thứ nhất. Thi công vật liệu này không quá phức tạp nhưng hiệu quả cao trong thời gian dài, an toàn đối với sức khỏe của người thi công và người sử dụng.
812 Quang Trung, P.8, Q. Gò Vấp, TP.HCM – ĐT : 0903927300