Việc ba hay bốn thế hệ chung sống dưới một mái nhà khá phổ biến trong truyền thống Á Đông trước đây. Thời hiện đại dù có nhiều biến động về cơ cấu gia đình nhưng vị trí, vai trò của người cao tuổi dưới mái ấm vẫn không hề sút giảm, đặc biệt ở giai đoạn con cháu cần sự trợ giúp của ông bà – cha mẹ và khi mà khả năng về kinh tế của người trẻ chưa đủ vững vàng để ra riêng triệt để. Trong điều kiện sống như thế, cần lưu ý đến cách tổ chức, bài trí không gian sống cho người cao tuổi sao cho hợp với môi sinh, tập quán và phong thủy.
Thường thì ở các bản vẽ thiết kế nhà, “phòng người già”, “phòng ông bà” được bố trí ở tầng trệt hay lửng, diện tích vừa phải, có phòng vệ sinh riêng hoặc chung, nội thất đơn giản… Và nếu đó chỉ là phòng dự trù, không ít chủ nhà có lập luận giống nhau, rằng: ông bà yếu rồi, làm phòng dự trù để lâu lâu các cụ ghé chơi, ở dăm bữa rồi đi, nhu cầu các cụ không cầu kỳ… Nhưng trong thực tế những phòng dự trù như thế thiếu sự đầu tư cả về giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần. Điều này đi ngược với tiêu chí quan trọng cơ bản của khoa học phong thủy: tạo dựng một chốn bình an trong điều kiện có thể của mỗi nhà, cho mọi thế hệ.
Từ thực tế chưa phù hợp…
Phần đông người cao tuổi hay lắc đầu khi được hỏi về việc có thích sống ở chung cư không: gần đất xa trời rồi, lên cao làm gì cho chóng mặt! Nhưng cơ bản là do cấu trúc căn hộ và tiện ích công cộng ở các chung cư có nhiều điểm chưa phù hợp tâm sinh lý người cao tuổi. Bị choáng ngợp, cảm thấy ngột ngạt giữa những khối nhà hộp cao tầng, ít yếu tố thiên nhiên, thiếu sự giao tiếp xóm giềng, thiếu góc tâm linh trong căn hộ; và khu chung cư càng cao cấp thì càng vắng cảnh cà phê đầu hẻm của các cụ ông hay sinh hoạt tán gẫu chợ chiều của mấy cụ bà. Trong khi đó “bọn trẻ” thì mải xoay vòng đi làm – đi học suốt ngày, tối về lại vùi đầu trên mạng. Cô đơn trong ngay căn hộ cao cấp là điều thường thấy. Thậm chí có cụ đã hồi hương về quê để gần nơi cảnh xưa lối cũ, an hưởng tuổi già trong nếp nhà có điều kiện vật chất không bằng thị thành, thà để “bà chăm ông” tốt hơn, chứ không làm phiền con trẻ đang hối hả mưu sinh. Ngay cả các nước Tây phương với tư duy rất rạch ròi, ít sống chung thế hệ, khi xây dựng các trung tâm dưỡng lão cũng đặt yếu tố thiên nhiên và giao tiếp xã hội lên hàng đầu. Và như thế, có lẽ không gian cho người cao tuổi thời hiện đại nơi đô thị đông đúc cần có sự tiếp thu tinh thần của nếp nhà truyền thống trong điều kiện đất chật người đông, để định vị, điều chỉnh cho hợp lý hợp tình.
…đến các định vị phong thủy cần có
Trong thực tế, người già và trẻ em, do hạn chế về thể trạng, luôn cần một trường khí ổn định và an hòa, đảm bảo cân bằng âm – dương và hợp phép dưỡng sinh hơn so với lớp thanh niên hay trung niên. Do đặc thù trường khí tĩnh, thiên về âm tính của người cao tuổi, tránh kết hợp chỗ ngủ của các cụ với chốn sinh hoạt gia đình sôi động, và tránh đặt kề bên các lối giao thông đối ngoại hoặc trục cầu thang lên xuống ồn ào. Do vậy trong nhà phố, phòng người già nên đặt ở phía sau nhà, giảm thiểu các ngoại khí xung sát như gió lùa, luồng người đi lại. Người già vốn khó khăn về di chuyển nên chỉ có thể bố trí phòng ở tầng trệt hay tầng lửng, đồng thời chú ý giảm thiểu bậc cấp thang lên xuống. Như vậy có thể định vị một số giải pháp cụ thể như sau:
Nếu nhà rộng (ngang hơn 6m) hoặc biệt thự, nhà vườn, thì phòng người già có thể đặt song song, kề cận với khu bếp ăn phía sau, nhưng không mở cửa vào bếp mà nên mở ra một không gian đệm. Nếu có hàng hiên tiếp cận khoảng thiên nhiên thì rất tốt cho nhu cầu thư giãn của người cao tuổi, lại giảm được mưa tạt – nắng gắt vào phòng.
Đối với người già vẫn còn làm việc (nghiên cứu, sưu tập, chơi cây kiểng…) cần tạo các góc làm việc cùng với nghỉ ngơi thoáng, sáng, vì đó chính là nguồn khí động bổ sung cho khí tĩnh. Nếu phòng được đặt gần thư phòng, không gian tâm linh hoặc có chỗ tiếp đón bạn bè thì càng cần thiết cho quá trình giao tiếp của các cụ, giúp giảm bớt cô đơn, tạo sự vui vẻ đề huề.
Trong trường hợp nhà phố hẹp (dưới 4m) lại dài (khoảng trên 17m) thì có thể hoán đổi vị trí giữa bếp và phòng người già đi cùng sân sau và giếng trời. Khi đó phần bếp và phòng ăn ở khoảng giữa nhà có thể kết hợp với thiên tỉnh (giếng trời) là nơi dương khí khá thịnh, như cách bố trí thường thấy ở nhà ống Hội An. Mặt khác, không phải đi qua phòng người già mới xuống được bếp ăn phía sau, tránh tình trạng có hành lang hun hút, lãng phí diện tích và dễ gặp gió lùa.
Nếu nhà có thiết kế đưa bếp trên lầu hoặc tầng lửng thì phòng người già bố trí ở tầng trệt gần thiên nhiên (sân sau hay sân giữa) khá phù hợp. Tuy vậy cách bố trí này gây bất tiện cho bữa ăn hằng ngày của các cụ, nếu không có người giúp việc thì có thể bố trí một khoảng bếp ăn nhỏ bên cạnh phòng của các cụ.
Với những ngôi nhà có lắp đặt thang máy thì phòng người già có thể đặt tại tầng bất kỳ, miễn tiện lợi. Tuy nhiên, về mặt phong thủy thì luôn cần kết nối tốt không gian người cao tuổi với không gian tâm linh (bàn thờ, góc thiền…) và ít nhất có được một mặt tiếp xúc với thiên nhiên, tránh tù túng, ẩm thấp.
Thủy pháp và nội thất
Thủy tụ tất khí tụ – đối với phòng người già, yếu tố Thủy trong không gian chia thành hai mảng là thủy cảnh (trang trí với nước, cây cảnh) và thủy dụng (nước trong sinh hoạt). Nơi sinh hoạt nghỉ ngơi của người già cần được bố trí kế cận khoảng cây cỏ thiên nhiên, nhất là bể cá non bộ hoặc hồ phun. Nghệ thuật non bộ, ngoạn thạch (xếp đặt thưởng lãm đá và nước) dựa trên sự hài hòa âm dương – tĩnh động – ngũ hành, là sở thích của đa số người cao tuổi. Dù ít dù nhiều, trong ngôi nhà phố chật hẹp rất nên thu xếp vị trí cho thủy cảnh, kết hợp điều hòa trường khí cho cả nhà.
Thủy dụng cho phòng người già có những đặc thù, nhất là cần lưu tâm về độ an toàn. Phòng tắm và vệ sinh cho các cụ không nên làm rộng quá, trống trải lạnh lẽo và lại thiếu các điểm tựa bên tường. Nhất thiết phải gắn đầy đủ các thanh nắm gỗ hoặc inox để người già vịn khi sử dụng. Phòng vệ sinh dù riêng hay chung phải tiếp cận được từ phía ngoài để con cháu có thể dọn dẹp và trông nom khi hữu sự, nhưng cũng phải kín gió và liên hệ trực tiếp với chỗ ngủ, đừng khiến các cụ phải di chuyển nhiều rất bất lợi. Sàn luôn khô ráo với vật liệu ốp lát chống trơn trượt. Tránh dùng gương soi hay kính nhiều dễ gây phản chiếu chói mắt, ảo giác.
Nội thất không gian phòng người già cần đơn giản, dễ xử lý và bảo trì, tránh ngóc ngách phức tạp không cần thiết. Hệ thống đèn chiếu sáng cũng vậy, ưu tiên công năng, các loại đèn chùm, đèn rọi ánh sáng gắt, đèn hắt nhiều tầng nấc… nên cân nhắc kỹ khi sử dụng vì có thể không phù hợp với tâm sinh lý và thị giác của người cao tuổi, phức tạp cho quá trình sử dụng, lại lãng phí.
Về ngũ hành, đặc trưng không gian người cao tuổi (có thể đi cùng không gian tâm linh) là yếu tố Thổ nổi trội, Thủy Hỏa tương giao, giảm Kim tăng Mộc, bớt đi tính máy móc công nghiệp, thêm vào yếu tố cây cỏ, gỗ đá. Không nên chỉ bó hẹp giữa mấy bức tường, không gian này rất cần kết nối tự nhiên, đóng mở chủ động phòng khi trái gió trở trời, hạn chế những bài trí kiểu “lên bờ xuống ruộng” để an toàn hơn cho các cụ. Chất liệu hoàn thiện chủ yếu nên là gỗ, thuộc Mộc, liên quan đến tính chất che chở, chăm sóc, thân thiện. Ngoài ra, các bề mặt mềm mại, nhựa, mây… cũng khá phù hợp với tính Mộc.
Xu hướng thiết kế mở hiện nay luôn giảm bớt sự bó hẹp trong phạm vi một căn phòng. Yếu tố liên thông, co giãn theo sinh hoạt dẫn đến bỏ bớt các vách ngăn cứng, cũng là tinh thần kết nối khí của truyền thống Đông phương trong ngôi nhà xưa. Dĩ nhiên, điều kiện tiện nghi hiện đại luôn giúp cho phòng riêng của mọi thế hệ được tiện dụng hơn, thỏa sức bày biện hơn. Nhưng tiện nghi cao vẫn cần tuân theo quy luật tâm sinh lý của người cao tuổi và không ảnh hưởng sinh hoạt của cả gia đình.
Ít mà tinh, chính là để chăm chút tốt hơn cho không gian của đấng sinh thành, cũng là để “cho những ai đang còn mẹ”(*) có thể tạo dựng được một khoảng không gian hài hòa, ấm áp, kết nối tốt các thế hệ trong tổ ấm của mình.
(*) Ý văn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết thành bài hát Bông hồng cài áo. (Viết nhân mùa Vu Lan)
- Ảnh Xuân Trang