Lâu nay những “chỉ định và chống chỉ định” về phong thủy cầu thang đôi khi làm rối trí người sử dụng; nào là đếm bậc sao cho rơi vào cung tốt, hay phải tránh cầu thang trôi tuột ra cửa chính khiến tài lộc ra theo, rồi đến gầm cầu thang mà làm phòng vệ sinh thì đàn ông trong nhà sa sút vì “âm thịnh dương suy”… Thế nhưng từ thực tế nhà cửa ở các nước phương Tây đã chứng minh sự phát triển và ổn định của họ bao thế kỷ nay không phụ thuộc vào mấy câu đếm bậc “sinh – lão – bệnh – tử”; cầu thang vẫn hướng ra cửa nếu như phải làm như vậy. Vấn đề ở đây là tổ chức không gian, chất liệu cầu thang như thế nào.
Vai trò phong thủy của cầu thang
Tìm trong mọi tài liệu về phong thủy truyền thống không hề thấy những “toa thuốc” chỉ dẫn về cầu thang, đơn giản bởi ngôi nhà Việt thuở xưa… chẳng mấy khi có lầu để làm cầu thang, còn nhà sàn hay nhà trong phố cổ thì cao lắm cũng chỉ có bậc cấp, thang gỗ hay tre gác từ dưới lên, đâu có cầu kỳ phức tạp như nhà lầu hay cao ốc thời hiện đại.
Trở lại chuyện xác định vai trò cầu thang để hiểu đúng vai trò của nó là trục giao thông theo chiều đứng, có thể kết hợp tạo sự thông thoáng và các điểm nhìn phong phú, thẩm mỹ cho nội thất. Cầu thang cũng như hành lang nếu không được thiết kế đúng quy cách sẽ ảnh hưởng đến dẫn gió vào nhà, đưa bụi bặm, tiếng động, tầm nhìn và tác động đến giao tiếp của các tầng nhà. Có thể nói, nếu cầu thang không được định vị chính xác sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc của toàn bộ ngôi nhà. Kiểu bố trí cầu thang nằm giữa, lên lầu tỏa ra hành lang các phòng trước sau (nhà ống) hay phòng vây chung quanh (biệt thự, nhà có chiều rộng) vẫn đạt hiệu quả nếu khéo sáng tạo, vì ít ra sẽ tiết kiệm diện tích, giảm việc đi xuyên phòng và có thể đảm bảo tính kết nối cũng như khoảng cách thoát hiểm tương đối đồng đều. Trong khi kiểu thang trong nhà lệch tầng không chỉ hoàn toàn là ưu điểm, bởi bên cạnh sự thay đổi phong phú về cao độ, về góc nhìn, có thể gây gián đoạn về không gian sử dụng. Chọn kiểu nhà nào (lệch tầng hay thẳng tầng) cần so sánh toàn diện các ưu – nhược, không chạy theo thời thượng hay cảm giác trang trí thuần túy.
Cầu thang vốn là nơi để di chuyển nên mọi trang trí trong ô cầu thang, từ các chi tiết, cấu kiện làm thang, cho đến mảng tường dọc thang, tranh ảnh và đèn trang trí… đều cần dựa trên tính an toàn, tiện dụng làm chính. Tranh chỉ nên treo tại các vị trí ổn định trong buồng thang, có khoảng lùi ngắm nhìn như chiếu nghỉ, chiếu tới, mang tính điểm xuyết nhẹ nhàng, giảm thiểu chi tiết rối mắt. Tính trang trí trong khu vực cầu thang còn thể hiện qua việc dùng những mảng nhấn tại điểm đến để giúp người di chuyển định hướng tốt hơn, nhờ vậy trục giao thông này trở nên hấp dẫn và tránh sự nhàm chán, trì trệ về dẫn truyền khí.
Một số gia chủ ngán ngại cầu thang xoắn tròn, cầu thang hở bậc hay cầu thang thay đổi theo tầng vì sợ các truyền tụng cho rằng không giữ trục xương sống, không hút tài lộc… Nhưng thực chất cầu thang vẫn chỉ là không gian giao thông, đặt ở đâu và đi theo kiểu nào là tùy thuộc phân cung tốt xấu các khu chức năng toàn nhà, định vị phong thủy cho cầu thang vẫn phải xếp hạng “ưu tiên” sau khi đã xác lập đúng hệ thống cửa, bếp núc, khu vệ sinh, các không gian cho chủ nhân như phòng ngủ, làm việc, tiếp khách, góc tâm linh và giếng trời. Một ngôi nhà chật mà cầu thang giăng ngang trông càng chật chội hơn. Ngược lại, nếu khéo làm cầu thang cho gọn, tận dụng gầm thang làm tủ kệ thì toàn không gian sẽ được thoáng đãng hơn. Việc dẫn hướng của cầu thang cũng cần được xem trọng, tránh những bố trí khiến cầu thang đi vòng vèo, hoặc biến cầu thang thành nơi trưng bày cầu kỳ. Mỗi đầu cầu thang đều cần có khoảng lùi nhỏ để làm nơi định hướng, giao điểm các luồng đi lại, nếu thiếu khoảng lùi này, có thể đặt chậu cảnh hoặc chuông gió mang tính báo hiệu để giảm va chạm. Gầm cầu thang là nơi gió quẩn và hứng bụi từ trên xuống, phía dưới thấp (mang tính âm) khó sử dụng, do vậy chỉ nên bố trí các tủ vật dụng, làm hồ cảnh hoặc kệ trang trí, tránh sinh hoạt dưới gầm thang, hay làm lối đi lại bị cầu thang cắt chéo qua không gian.
Nguyên tắc đếm bậc thang 4n + 1 (nghĩa là cầu thang đi từ dưới lên khi bước chân vào sàn nhà ở các bậc có số 5, 9, 13, 17, 21, 25… là tốt) về cơ bản trùng với nhịp sinh học (ứng với chu kỳ nhịp tim của con người, sau khi đi hết bốn ngăn sẽ chuyển sang chu kỳ tiếp theo) được đa số người sử dụng chấp nhận. Không nên quá phức tạp chuyện này trong khi điều thiết yếu hơn cả là độ chuẩn của mặt bậc phải tạo thoải mái cho bước chân, và nhất là phải hợp thể trạng của gia chủ, kích cỡ thang của “dân tây” không thể áp dụng cho người Việt, nhất là với người cao tuổi và có hạn chế về hình thể.
Chất liệu trước, kiểu dáng sau
Ngoại trừ những công trình đặc biệt còn thì cầu thang trong nhà ở không nhất thiết chạy theo kiểu dáng cầu kỳ phức tạp. Kiến trúc hiện đại, trong xu thế bền vững, tiết kiệm vật liệu và giảm tiêu tốn năng lượng hiện nay đề cao các thiết kế thực sự giản tiện, do đó chọn chất liệu cho cầu thang cần đảm bảo các nguyên tắc dẫn dắt, đồng bộ và có điểm nhấn.
Tính chất cầu thang gây ảnh hưởng và cũng chịu ảnh hưởng của không gian mà nó dẫn dắt và kết nối. Cụ thể, cầu thang trên tầng giữa các phòng ngủ thì mang tính Mộc nhiều hơn, tránh dùng chất liệu như sắt thép (Kim khắc Mộc, đem lại cảm giác nhà xưởng, ồn ào, thiếu tĩnh lặng). Trong khi cầu thang dẫn xuống phòng khách, nơi đón tiếp lại mang nhiều đặc tính Thổ và Hỏa, cần sự mở rộng đón tiếp, tạo nét bề thế trang trọng, dùng vật liệu đá hay gỗ chắc khỏe. Cho dù thiết kế kiểu gì thì cầu thang vẫn là một cấu kiện vát chéo trong nhà, một bề mặt thay đổi liên tục theo từng bước chân lên xuống, nếu làm không đúng chuẩn về nhân trắc và thiếu an toàn cho người sử dụng thì mọi chỉ định phong thủy đều trở nên vô nghĩa. Cầu thang cho người già yếu, người khuyết tật phải đặc biệt lưu ý tay vịn, chiều cao bậc thoải mái nhất trong phạm vi cho phép. Lan can tránh phức tạp rối mắt hoặc nhiều chi tiết sắc nhọn, tránh “tạo điều kiện” cho cầu thang thành nơi trẻ em dễ dàng nghịch ngợm, chơi đùa.
Là không gian đi lại, nên bề mặt vật liệu ốp lát bậc thang cần lưu tâm đến độ bền và mặt nhận sáng. Màu sắc tường thang hay giếng trời cạnh thang không phải từ dưới lên trên làm giống nhau là tốt. Những màu sáng, phản chiếu rõ (mang tính dương) nên bố trí ở vùng dưới thấp. Những màu tối hơn, âm tính hơn sẽ bố trí các tầng lầu để cân bằng lại với dương quang mạnh ở trên cao, giảm phản chiếu bức xạ chói chang.
Phần chiếu sáng nhân tạo cho cầu thang, đèn thông thường không đủ sáng nhất là cho từng bậc đi lại, đèn áp trần hay tường lại bị bóng của người đi lại che khuất, do đó hệ thống đèn theo bậc thang (như trong một số resort, công trình công cộng hiện đại) là hợp lý hơn, chiếu sáng đủ cho bước chân và tạo vệt sáng dẫn dắt đúng theo hướng của thang, tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Trong cải tạo nội thất, khi không thể thay đổi về cấu trúc thì có thể thay chất liệu sao cho phù hợp với không gian sử dụng sẽ giúp biến đổi rõ rệt trường khí. Nhưng có những cầu thang ốp lát bằng vật liệu đắt tiền hoặc kiên cố khó có thể thay đổi ngay được thì giải pháp phong thủy khắc phục là phủ lên bề mặt vật liệu đó một lớp vật liệu khác để giải trừ tác động xấu. Ví dụ bậc cầu thang biệt thự cổ điển ốp gỗ đi lại nghe cót két hoặc trơn trượt thì có thể trải thảm trên bề mặt. Hoặc tường dọc buồng thang đã lỡ ốp đá ốp gạch sần sùi thì có thể lăn sơn màu nhạt đè lên để giảm cảm giác tối và nặng. Việc đặt kế bên mảng chất liệu này bằng một chất liệu khác cũng giúp biến đổi cảm nhận theo chiều hướng có lợi hơn. Ví dụ như thay vì ốp đá granit đen toàn bộ, có thể dùng màu đá mặt bậc vẫn là đen nhưng màu đá đối bậc (mặt đứng của bậc thang) là màu sáng hơn để dễ phân biệt khi đi lại. Gặp những cầu thang “trôi tuột” ra cửa khi nhà không có chức năng mời khách lên từ ngoài thì có thể đặt chậu cây xanh trước miệng thang, gắn thêm bình phong bằng gỗ hay mảng tủ che chắn nhẹ nhàng mà không ảnh hưởng đến cấu trúc vốn có. Xu hướng hiện nay được ưa chuộng là sử dụng vật liệu gần gũi với thiên nhiên, trong đó Mộc (gỗ, tre, nhựa giả gỗ…) và Thổ (gốm, đá, sỏi…) dễ sử dụng cho cầu thang hơn cả, dĩ nhiên là cần đồng bộ với nội thất toàn nhà.
- Ảnh Xuân Trang