Đa số gia chủ hiện nay không còn xem phòng tắm, khu wc là “khu phụ” nữa. Một số chủ đầu tư còn xem phòng tắm như là nơi thư giãn bậc nhất, nơi thể hiện cá tính và sở thích riêng. Tuy nhiên, dù có nhiều tiện nghi và “phá cách” đến đâu thì phòng tắm hiện đại vẫn cần tuân thủ các nguyên tắc phong thủy trong mối quan hệ tổng thể với toàn nhà.
Việc xử lý cấu trúc toàn nhà từ không gian chính đến khu vệ sinh có thuận tiện, thoáng đãng hay không thì lại tùy thuộc quan niệm gia chủ. Có người đem tiêu chuẩn của… khách sạn để làm phòng tắm kiểu kín mít, tính chi li từng mét vuông mà không để ý đến đặc thù nhà tư nhân sẽ có cách sử dụng, dọn dẹp, bảo trì khác với khách sạn.
Các khía cạnh phong thủy khác như vị trí, quan hệ với phòng ốc chung quanh, nắng gió đầy đủ hay không… tưởng chừng đơn giản nhưng lại hay bị “bỏ quên” khi xử lý cụ thể. Trong phong thủy dù không gian lớn hay nhỏ, quan niệm về cân bằng luôn cần được hiểu và áp dụng đúng.
Cân bằng giữa chính – phụ, Âm – Dương
Trong các ý nghĩa văn hóa của phong thủy, ý nghĩa hữu dụng về môi trường luôn tiên quyết. Nhiều kinh nghiệm phong thủy khi xưa trong bố trí nhà cửa đều khá trùng khớp với vật lý kiến trúc thời nay, như cách mở cửa và xoay hướng nhà, làm hàng hiên và tấm che nắng nhưng không cản gió…
- Xem thêm: Âm – Dương của khu vệ sinh hiện đại
Trong đó có việc đặt khu vệ sinh về cuối hướng gió chủ đạo, che chắn vừa đủ, không quá gần nhà chính… giúp nơi ở thoáng đãng, sạch sẽ là kinh nghiệm mà nhiều nhà ở và resort hiện nay đang áp dụng, dĩ nhiên là ở mức độ kỹ thuật và thẩm mỹ cao hơn xưa.
Việc làm phòng tắm kiểu thoáng mở, nhiều hay ít, rộng hay hẹp tùy thuộc vào kích thước, không gian, nhu cầu của mỗi nhà. Không phải cứ làm phòng tắm thoáng mở tối đa là sẽ thoáng và sáng, vì không gian vệ sinh vẫn cần một sự riêng tư trong giới hạn về vật lý (tránh gió lùa, mưa tạt, nắng chói) lẫn cả về tâm lý (e ngại, cần kín đáo) nữa.
Cân bằng ở đây được hiểu là không thiên lệch, không quá trọng phần chính mà bỏ quên phần phụ, hay ngược lại, quá đề cao phòng tắm khiến không gian sinh hoạt khác bị ảnh hưởng.
Đa số trường hợp nhà ống có kiểu bố trí cầu thang nằm giữa, hai bên là khu vệ sinh và phòng ngủ sẽ đều bức bí trong khu vệ sinh bởi bị “kẹp” giữa. Mở cửa thông thoáng vào phòng ngủ thì bất tiện về mùi và bài trí vật dụng, còn mở vào cầu thang thì ngại tầm nhìn của người đi bên ngoài.
Giải pháp cân bằng ở đây là thiết kế khoảng thông thoáng cho vệ sinh (dù nhỏ) mở vào ô cầu thang, giếng trời sao cho đi bên ngoài trông vào không lộ liễu, mà dùng bên trong nhìn ra thấy đủ thoáng sáng.
Hiệu quả của kiểu giếng thông hơi bổ sung cho phòng tắm hay xuyên suốt cho cả nhà theo dạng Thiên Song (cửa mái có lam thông gió ngang để tránh mưa tạt) nhằm giúp thoát gió quẩn, thoát khí tù hãm, đọng ẩm trong nhà. Nguyên tắc xử lý cơ bản của vấn đề nhà ống bị thiếu nắng gió dẫn đến tình trạng Âm thịnh Dương suy là thiếu đâu thì mở đó!
Các chuyên gia thường khuyến cáo phòng vệ sinh nếu không thể mở trực tiếp mà phải mở gián tiếp (vào cầu thang, giếng trời hoặc hành lang) thì phải bố trí quạt hút gió cưỡng bức thổi vào hộp gen thông lên mái.
Còn việc lấy sáng có thể đa dạng hơn bởi dùng vật liệu như gạch kính, khung kính mờ và có thể mở ở nhiều bề mặt nhau. Nếu muốn che chắn tầm nhìn thì kết hợp rèm nhựa hoặc gỗ (không thấm nước) để đóng mở khi cần.
Cân bằng các lợi ích khác nhau
Hiện nay tồn tại hai quan niệm khác nhau về bố trí phòng tắm, chủ yếu là có nên làm thoải mái, hấp dẫn, thậm chí “khoe” phòng tắm như nét cá tính riêng… hay chỉ cần vừa đủ dùng và kín đáo theo kiểu truyền thống.
Về xử lý phong thủy, hai quan điểm trên thực ra chỉ là hai mặt cùng một vấn đề: giảm sự ảnh hưởng của phòng tắm đến các khu chức năng khác và tạo tiện nghi sao cho người dùng thoải mái trong điều kiện cụ thể. Vì thế, cân bằng các lợi ích vẫn tốt hơn là thiên lệch về một nhóm nào.
Phong thủy xác định nơi tắm rửa sử dụng nước nhiều, độ ẩm cao, nên thuộc những khu vực Hung theo phương vị mệnh trạch của gia chủ. Nguyên tắc Hung gặp Hung hóa Cát được áp dụng để bố trí phòng tắm theo các nhóm tuổi.
- Xem thêm: Hiểu Cát Hung để giảm Trực Xung
Hãy xem đấy như một dạng quy ước về phương vị để xác lập Cát Hung lúc phân khu chức năng, chứ không phải gọi phòng vệ sinh là Hung thì sẽ bị bỏ bê, làm sơ sài, xấu xí, tối tăm, chung đụng và ô nhiễm nặng nề như một thời các khu “nhà xí” ở quê và nơi công cộng hay gặp!
Nguyên tắc phong thủy đặt khu vệ sinh cơ bản vẫn là ngược với hướng hợp của gia chủ. Với một ngôi nhà mở cửa chính ra hướng hợp, khi đã bố trí phòng khách, phòng ngủ ở các vị trí hợp rồi thì đương nhiên các vị trí “xấu” còn lại sẽ dành cho vệ sinh, cho nhà kho, cho bếp… (Tọa Hung).
Điều này tương tự với một cơ thể sống: không có vùng nào là bị xem nhẹ hơn vùng nào, chỉ có sự phân chia sao cho hợp chức năng và vị trí, nói nôm na rằng: bàn ăn không thể cạnh bàn cầu, bởi nơi tiếp nạp năng lượng không thể trùng vị trí hay sát bên nơi tống khứ chất thải được!
Phong thủy gắn việc Tác Xí với hệ bài tiết, tiêu hóa của cơ thể, do đó nếu làm quá rộng sẽ tiêu hao năng lượng và thiếu kiểm soát về tiêu hóa, bài tiết, còn làm chật hẹp quá thì gây kìm hãm ức chế các chức năng đó trong “cơ thể” ngôi nhà. Sự gia tăng tiện nghi ở khoảng đệm dùng làm khu thay đồ, trang điểm hoặc hệ thống tủ quần áo giúp tạo cách biệt, giảm ảnh hưởng Hung của phòng vệ sinh đến những không gian khác.
Cách mở cửa sổ trong phòng tắm cũng là giải pháp giúp cân bằng, vì đó là những miệng tiếp khí – thoát khí chủ yếu khi cửa đi phải đóng kín, đồng thời cũng là những góc nhìn mở ra sự thư giãn cho người sử dụng.
Dĩ nhiên phòng tắm thuộc Âm, hướng nội nên dù có mở cửa cho thoáng hoặc thích “tắm giữa thiên nhiên” theo kiểu resort thì cũng cần chọn loại cửa lấy sáng và gió theo kiểu gián tiếp, tránh tia nhìn soi mói trực diện, tránh nắng gắt xuyên phòng hay gió thổi trực tiếp vào ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Một số loại cây như dương xỉ, trầu bà, sống đời, trường xuân… còn có chức năng khử mùi, lọc uế khí khá hữu hiệu nếu khéo dùng.
- Xem thêm: Tiện nghi đi cùng kết nối
Cân bằng khí nhờ chuyển tiếp
Khi hoàn thiện nội thất, vấn đề chọn vật liệu và trang thiết bị, phụ kiện cho phòng tắm cũng hay gây ra tranh cãi, nhất là vấn đề mâu thuẫn giữa kiểu dáng nội thất và cách thức hoàn thiện khu vệ sinh, ví dụ như nội thất cổ điển thì phòng tắm có nên hoàn thiện cổ điển hay không?
Vấn đề đồng bộ hay khác biệt thực ra cũng cần xử lý theo hướng cân bằng, bởi không phải cứ làm cổ điển toàn phần là tốt, hoặc làm hiện đại đến mức lạnh lẽo sẽ gây ra thiên lệch về Nội khí. Cho dù theo phong cách gì thì vẫn phải phân định rõ khu khô ráo và ướt át, tách bạch bàn cầu với chỗ tắm, cũng như khéo chuyển tiếp từ bên ngoài vào trong, từ khô sang ướt nhờ chất liệu lát sàn.
Cũng có thể dùng kính trong hoặc kính mờ làm vách ngăn (tùy vị trí) để phân biệt tương đối mà không quá bị chia cắt. Cách chiếu sáng gián tiếp, dịu nhẹ cho khu vực tắm và chiếu sáng tập trung cho khu lavabo cũng đem lại cảm nhận về cơ thể chuẩn xác hơn, cũng là cách chuyển tiếp khí hiệu quả, hơn là chỉ dùng một loại đèn, một kiểu chiếu sáng đơn điệu cho toàn phòng tắm.
Bên cạnh việc dùng gam màu thống nhất với toàn nhà như gạch ốp lát sàn và tường sẽ tạo cảm giác nhất quán, sạch sẽ và thoáng đãng. Nhưng cũng cần bổ sung các điểm nhấn (nổi bật khí) nhằm giúp phòng tắm trở nên ấn tượng hơn, hợp sở thích cá nhân hơn, thay vì mãi đóng khung trong một vẻ chung chung, vừa đủ.
Ví dụ một mảng gạch trần và bình gốm cho người mệnh Thổ, hay vài bức tranh rực rỡ sắc đỏ, nâu hay cam đối với người mệnh Hỏa. Người mệnh Mộc cần đưa thêm cây xanh vào, còn người mệnh Kim lại hợp hơn với các mảng tường trắng – đen nhấn mạnh, các chi tiết viền hoặc phụ kiện kim loại lấp lánh. Những dạng “nhấn nhá” đó chỉ mang tính bổ sung cho “phần cứng” của phòng tắm thêm tiện nghi, thoáng mát, dễ sử dụng và bảo trì.
Vì tính thư giãn trong phòng tắm liên quan đến thụ cảm của các giác quan, nên về thị giác, cần tránh bố trí lồi lõm phức tạp hay lạm dụng gương gây ảo giác và rối mắt. Về thính giác, những bản nhạc êm dịu, sự yên tĩnh cách biệt với các không gian ồn ào khác giúp xoa dịu tinh thần. Về khướu giác, sử dụng hương tinh dầu, những mùi thiên nhiên như cỏ cây, hoa lá trong phòng tắm sẽ tốt hơn cho sức khỏe.
Còn xúc giác thì cần được “nuông chiều” bởi quá trình thụ cảm khi đi lại, chạm vào những bề mặt đủ ấm áp, tránh trơn trượt và êm ái, cũng như hạn chế góc cạnh sắc nhọn. Việc giải quyết nhiều vấn đề ngỡ đối lập nhưng song hành đó giúp cân bằng giữa hình thức và chất lượng sử dụng không gian, sao cho đảm bảo tiện nghi và sạch gọn, cũng như gia tăng sinh khí cho nhà ở.
– Ảnh Xuân Trang