Bà xã tôi buông một câu như vậy sau khi bỏ tờ báo xuống. Tôi lạ quá, bởi ngày xưa nhà văn Nam Cao có viết một truyện “Cái mặt không chơi được”, loại tuổi đi học phổ thông ai cũng biết. Vậy mà bây giờ thiếu niên học phổ thông lại chẳng hiểu gì, ngơ ngác.
Sao lại cái mặt không chơi được? Thì lấy sách của Nam Cao đọc đi! Đừng có coi là chuyện ngày xưa! Nhưng nhìn mặt mà biết… không đọc sách thì cái tài của vợ tôi phải nói là… còn hơn Nam Cao! “Đâu, đâu, xem nào”.
Tôi lấy tờ báo trên tay cô ấy, chỉ thấy một lô hình cá nhân cỡ bằng nhau ngay trang nhất. À, cái này quá quen rồi. Sau mỗi lần hội nghị, đại hội đại biểu các ngành, dù là ngành be bé ở tỉnh, cũng in một trang hình các vị trúng cử ở đại hội vừa qua.
“Mà em chẳng cần xem báo. Hình ảnh ở ngay cơ quan đơn vị em. Từ đó mà suy đại ra thôi. Này nhé, sếp của em, mới chỉ lên trưởng phòng thôi, là đi họp suốt ngày! Chính các vị ấy là tác giả câu hát cải biên: “Hành quân xa đâu có gì gian khổ, xe máy lạnh đâu có đổ mồ hôi. Xách ca táp, hướng hội trường cùng nhau ta tiến bước. Đời chúng ta đâu có họp là ta cứ đi!”. Họp hành như thế, về nhà con cái thế nào còn chẳng biết, làm gì có thời gian để đọc.
- Xem thêm: Đọc sách sao khó vậy?
Còn thời gian quan hệ, thăm viếng, đám ma đám cưới, cà phê, nhậu tiệc tùng lễ lạt. Hỏi sức một con người bấy nhiêu thôi là đủ cật lực rồi, còn đâu cho việc nghiên cứu, học tập?
Bây giờ có kiểm điểm phần học thì sẽ chỉ có học… nghị quyết, học triển khai cái nọ cái kia. Chứ học chuyên môn chỉ dành cho các doanh nghiệp, cán bộ trẻ, các trung tâm đào tạo. Cán bộ bỏ ra mấy ngày nghe giảng, tập huấn.
Suốt cả đợt toàn chuyện đâu đâu, may lắm tìm được chút xíu kiến thức liên quan đến chuyên môn của mình. Thế thôi. Còn các vấn đề chính trị – xã hội – văn hóa sâu sắc thì đâu còn chỗ”.
Tôi nói: “Học sinh của anh cá biệt có “đứa” đọc ghê lắm. Sách ở đâu rẻ, chỗ nào có thể tìm sách hay. Các tác giả nào đặc sắc… đều biết hết…”. Cô ấy bật cười: “Đứa đó là “cá biệt” hả anh? Vậy còn số đông thông thường thì sao?”.
Rồi cô ấy nói: “Một hôm nào đó anh thử hỏi cả lớp sinh viên rằng ai đang đọc bất kỳ cuốn sách nào thì giơ tay, xem thử có bao nhiêu cánh tay giơ lên. Vậy các sinh viên đó đang đọc gì?
Một người thông thường thì “yêu sách” như thế nào? Họ chỉ đi làm, đi học, đọc trên mạng ngập đầu các bài kiểu “X. tốc váy kiểu Marylin Monroe”, “Cô Y. khoe eo và điệu với tóc ngắn”, “M. nồng nàn bên T.”, “Q. khoe nhà sang, xe xịn, bạn gái chân dài”.
Thì báo mạng ngập tràn những tin tức như vậy chứ có gì khác đâu. Ngoài cái đó ra thì toàn những tin giết người, giá tăng, tai nạn giao thông và đồ ăn bị xịt thuốc. Chứ có gì bổ béo cho tri thức con người đâu?
“Đầu vào” cho con người chẳng có gì hay, thì phải có “đầu ra” hợp với quy luật thôi. Tất cả đều chạy theo tiền, lấy thời gian đâu mà đầu tư vào những thứ vô hình dài lâu là kiến thức với phẩm hạnh?”.
Bà xã tôi kết luận: “Cho nên, em nhìn cái mặt là biết không đọc sách, cũng chẳng khó. Mấy tay quan chức của công sở em thì rõ rồi. Mình nắm “lịch làm việc” của họ trong tay nên biết họ chẳng có thể đọc lúc nào.
Nhiều ông bà còn lo trám cho đủ các loại bằng cấp tiêu chuẩn hóa cán bộ, làm luận án, khóa luận xào xáo chế biến, thuê thi hộ, mua bằng, chạy chức chạy quyền. Làm hết được chừng đó chuyện là “giỏi” lắm rồi, đọc sách lúc nào! Thanh niên trẻ tuổi lo học, với thi cử, rồi tìm việc làm, gay go lắm. Thành ra sách không có chỗ nào trong cuộc sống”.
- Xem thêm: Yêu sách
Mà người làm sách, viết sách cũng phải tìm ra thứ “bán ngay”. Thiên hạ vẫn đói sách hay. Rồi cô ấy hỏi tôi đã đọc tác phẩm của “nhà văn” X. chưa, và tự giải đáp: “Viết quá sâu vào lĩnh vực không phổ biến, thì chỉ cho dân chuyên môn đọc. Thiên hạ mua vì cái tên tác giả. Em chẳng đọc. Cái đó đem cho nước ngoài họ đọc. À mà thôi, đi tìm sách của cậu bé 10 tuổi đọc còn hay hơn!”.
Mặt thế nào là không đọc sách? Thì đó – bà xã tôi tóm tắt: “Mặt phờ phạc đánh nhau với giá cả, thịt bẩn. Mặt đầy… âm mưu”.
Đó, nhìn xem là nhận ra ngay!