Đôi khi, một mối quan hệ tồi tệ có thể ảnh hưởng đến chúng ta giống như thuốc độc. Nó khiến chúng ta kiệt quệ, chán nản, thường xuyên rơi vào cảm giác mệt mỏi. Và đặc biệt trong hôn nhân, khi hai cá nhân chia sẻ với nhau gần như mọi vấn đề, sự việc, thì việc nhiễm độc có thể ảnh hưởng đến chúng ta nghiêm trọng và khủng khiếp hơn rất nhiều.
Robert Biswas – Diener, tiến sĩ tâm lý học, hiện giảng dạy tại Portland State University, cho rằng trong bất cứ mối quan hệ nào, song song với những cảm giác lâng lâng giống như điện giật, với sự hấp dẫn, sự quyến rũ, đam mê, cảm giác thư thái… thì bạn cũng sẽ nhận thấy những điều bất ổn, khiến bạn không hề thoải mái. Và trớ trêu thay, qua thời gian, sự tuyệt vời sẽ giảm xuống, còn những điểm khiến bạn không thoải mái và khó chịu sẽ ngày một lớn dần.
“Nếu trước khi bắt đầu, bạn nhận ra những điểm tồi tệ, thì qua thời gian, mọi thứ chỉ trở nên tệ hơn. Và dưới đây là bốn dấu hiệu chứng tỏ bạn đang thực sự bị đầu độc bởi những điều tồi tệ đó” – Robert Biswas – Diener chia sẻ trên Psychologytoday.com
Đánh mất bản thân
Theo Robert Biswas – Diener, dấu hiệu đầu tiên của một mối quan hệ độc hại là việc bạn đánh mất sự tự tin. Và điều tồi tệ là việc này thường cực kỳ khó nhận ra, bởi nó cứ âm thầm và lặng lẽ giống như những đợt sóng bào mòn bờ biển. Chỉ qua một thời gian chung sống, bạn mới cảm thấy điều ấy. Rằng dường như bạn đang làm sai mọi thứ và gần như lúc nào bạn cũng phải cố gắng chứng tỏ giá trị của mình với đối tác của bạn. Bạn trở nên nghiện ngập sự ghi nhận của cô/anh ấy. Bạn luôn cố gắng duy trì sự ghi nhận ấy nhiều hơn mỗi ngày, và nếu không được ghi nhận, bạn cảm thấy như đó là một thất bại.
Bạn thường xuyên ở trong trạng thái không thoải mái, luôn tự phán xét chính mình, cố gắng trở nên phù hợp hơn với người bạn đời của mình. Để rồi khi nhìn lại mình trong gương, bạn có thể không còn nhận ra chính mình nữa.
Bị ám ảnh bởi những điểm yếu
Ám ảnh bởi điểm yếu là một trong những dấu hiệu lớn nhất của một mối quan hệ có hại.
“Tất cả chúng ta đều không hoàn hảo, ai trong chúng ta cũng có điểm tốt và điểm xấu. Tuy nhiên, cách đối tác của bạn nhìn nhận mặt xấu của bạn sẽ nói lên rất nhiều điều. Bởi thông qua việc này, bạn sẽ nhận ra có một sự khác biệt rất lớn giữa một đối tác tốt và một đối tác tệ hại. Đối tác tốt sẽ chỉ ra điểm yếu của bạn theo một cách tích cực, khuyến khích bạn thay đổi để trưởng thành hơn, trong khi đối tác tệ sẽ xem đó như một điểm để tấn công và chế giễu bạn” – Robert Biswas – Diener lý giải.
Cụ thể hơn, trong một mối quan hệ thật sự lành mạnh, đối tác của bạn sẽ hiểu rằng mối quan hệ này sẽ giúp cả hai tự hoàn thiện, và vì thế họ chấp nhận con người thật sự của bạn. Họ sẽ yêu những điểm tốt, chấp nhận những điểm xấu bởi vì chúng ta đều là con người, cũng có những mặt không tốt và những gì không tốt vẫn có thể chấp nhận được trong một chừng mực nào đó. Bạn sẽ cảm thấy được yêu thương và được chấp nhận với chính con người mình. Cả hai đều hiểu rằng muốn thay đổi thì cần phải có thời gian, nên bạn không cảm thấy khổ sở vì cảm thấy bất lực trước những điểm yếu của mình hết lần này tới lần khác.
Còn trong một mối quan hệ có hại, bạn cảm thấy mình không được chấp nhận, đối tác của bạn khó chịu với những điểm yếu của bạn, và cô/anh ấy có thể chế giễu bạn, lên án, chỉ trích bạn, hay làm bạn xấu hổ hết lần này đến lần khác vì những điểm yếu đó.
Cả hai chơi bẩn với nhau
Có một thực tế trong các mối quan hệ hôn nhân là bất cứ cặp đôi nào cũng xảy ra mâu thuẫn, gây lộn, kể cả những cặp hạnh phúc nhất. Mâu thuẫn có thể xảy ra vì bất cứ lý do nào, dù lớn hay bé. Tuy nhiên, các cặp đôi hạnh phúc biết dùng những phương pháp, cách thức tích cực để giải quyết vấn đề, nhằm tiến tới việc hiểu nhau nhiều hơn.
Với các cặp có vấn đề, việc gây lộn thường chỉ để phân thắng thua. Họ dùng những xích mích như một cơ hội để dằn mặt người kia, dùng thủ đoạn chơi xấu, tranh thủ trút hết ra những tức giận và những chuyện để bụng bấy lâu.
Và gây lộn kiểu chơi xấu là một dấu hiệu cho thấy mức độ hận nhau trong mối quan hệ đã đến giới hạn chịu đựng. Gây lộn lúc này mang màu sắc hằn học và coi thường nhau, mỗi người đều chăm chăm muốn thắng và chứng tỏ là mình đúng thay vì cùng tìm cách giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Không cố gắng giải quyết tình hình
Điểm cuối cùng cho thấy bạn đang ở trong một mối quan hệ hôn nhân độc hại, đó là đối tác của bạn không thể hiện bất cứ dấu hiện nào cho thấy họ muốn giải quyết những rắc rối, mâu thuẫn của cả hai.
Vợ/chồng bạn thường phủ nhận trách nhiệm và thay vì cùng ngồi lại tìm ra giải pháp thì chỉ trích bạn và coi mọi chuyện là lỗi của bạn. Họ sẽ cố gắng khiến bạn trở thành vấn đề trong mối quan hệ. Nếu bạn không vui, đó là bởi bạn quá “nhạy cảm” hoặc “dễ xúc động” hoặc “vô lý”. Họ có thể nói xin lỗi, nhưng họ không thực sự nhận mình có lỗi và cho rằng nếu bạn có vấn đề gì với mối quan hệ này thì đó chỉ là vấn đề của bạn. Họ không muốn nói về chuyện ấy cũng như không muốn tìm cách giải quyết vấn đề.
“Phẩm chất quan trọng nhất cần tìm ở một người bạn đời, theo tôi, là việc người đó có sẵn sàng thay đổi và hành động để cải thiện mối quan hệ của cả hai hay không. Bởi những mối quan hệ độc hại vẫn có thể thay đổi nếu cả hai người đều thực tâm muốn làm gì đó để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, nếu đối tác của bạn từ chối thay đổi hay không có bất kỳ cố gắng nào để hiểu cảm xúc và nhu cầu của bạn, thì chẳng ai có thể giúp hàn gắn mối quan hệ này cả. Bạn nên nghiêm túc nghĩ đến chuyện chia tay, vì càng níu kéo, bạn sẽ càng đau khổ” – Robert Biswas – Diener kết luận.