Tháng 7-2014 nhà thờ giáo xứ Ka Đơn ở Đơn Dương (Lâm Đồng) được khánh thành sau gần năm năm thiết kế và xây dựng. Đầu tháng 12 này tôi có dịp ghé thăm, với thật nhiều ấn tượng và ngỡ ngàng trước một không gian phục vụ tôn giáo và cộng đồng mang tên “Sự trở lại của hồn địa” (Return of genius loci) – nguồn cảm hứng chính tạo tác nên công trình.
Tôi từng chiêm ngắm nhà thờ Ronchamp ở Vosges uốn mềm như tấm vải Đức Mẹ đang che chở bầy con chiên, nhỏ nhắn mà lồng lộng trên một ngọn đồi. Tôi cũng từng hằng ngày ngang qua nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nơi gạch trần dung dị hòa cùng phố xá kề bên, chẳng hề ngăn cách. Không hề có ý so sánh với công trình tôn giáo ở Đơn Dương, tôi chỉ bất chợt nhận ra rằng những điều dung dị, chân thực, gần gũi với tâm nguyện đều sẽ như thế đó.
Ở nhà thờ Ka Đơn, dàn khung thép lợp mái và làm cột thật đơn giản, không nhiều giao cắt khối dáng, chỉ nhấn một chút đầu hồi lấy sáng và thoát khí, cùng vẩy nhẹ góc mái hàng hiên. Đủ cho bóng đổ dịch chuyển vòng quanh mà không xuyên thấu, đủ cho tình người dưới mái nhà Chúa được ấm áp chở che và giao hòa giữa khí thiêng đồi núi. Còn nhiều ngạc nhiên nữa cho những ai vốn quen thấy nhà thờ phải lên bậc, vào vòm, vươn cao, choáng ngợp – như lời một kiến trúc sư người Đức từng đến đây: “Có những nơi nhà làm rất cao nhưng thành ra lại thấp, còn ở Ka Đơn tôi thấy nhà làm thấp mà vẫn lồng lộng cao!”.
Cái “cao” ở đây thể hiện tinh thần văn hóa Việt: nhà cao cửa rộng, nhưng không là cao tầng cao bậc mà là nền thoải cao ráo, lòng nhà cao thoáng. Còn cửa nẻo thực chất là những bức lam gỗ thẳng chạy liên tục chung quanh, đủ rộng để đón gió ngăn nắng, đủ kín để trang nghiêm, quây quần. Nhà thờ, nhà xứ cùng với nhà trưng bày văn hóa Churu bên cạnh đều thật khiêm cung, ẩn giữa cỏ hoa, thấp hơn những ngọn thông nhỏ, xoài ra tĩnh tại, an nhiên. Gian thánh nằm ngay giữa chứ không xuôi dọc như cấu trúc nhà thờ quen thuộc, để người bước vào thấy ngay thánh giá trên cao. Lối vào ngang này gợi nhắc cấu trúc nhà truyền thống của người Kinh lẫn người Churu, K’Ho: chào đón ở gian giữa, trang trọng, gần gũi, không hun hút xa xăm. Toàn bộ khuôn viên nhà thờ không có rào bao ngăn trở, tầm mắt được phóng chiếu ra mọi phía.
Lời linh mục Nguyễn Đức Ngọc: “Khi đôi bạn học kiến trúc – người quê Hà Nội, người gốc Lâm Đồng ấy – đề nghị được tu sửa, hoặc làm mới ngôi nhà thờ đã quá cũ ở đây, tôi đã có niềm tin về những người trẻ với tài năng và tấm lòng thiện nguyện sẽ làm được điều mà chúng tôi ấp ủ bấy nay. Giấc mơ của chúng tôi là một chốn nguyện cầu vùi vào núi đồi nên thơ này, duy chỉ tháp chuông mảnh dẻ như ngọn thông vươn lên cùng thánh giá. Nhà thờ to lớn đến đâu cũng có thể xây được, nhưng có sản phẩm nhân tạo nào vượt qua được giá trị bao la của tự nhiên?”.
Nhiệm vụ thiết kế thật sáng rõ. Như thấy mái nhà dài, mái nhà truyền thống người Churu thấp thoáng gợi, thong thả kể, kể những câu chuyện đời thường trong nếp nhà của các anh em dân tộc sống trên dải đất phía nam sông Đa Nhim. Khi tôi hỏi linh mục Ngọc vì sao tất cả ghế trong nhà nguyện đều không có lưng dựa, câu trả lời thật giản dị: “Vì bà con người Churu ai cũng có gùi sau lưng, làm ghế dựa sẽ vướng víu. Và hơn nữa, không gian thánh lễ được quan niệm là phòng sinh hoạt đa năng, những băng ghế nhẹ nhàng sẽ dễ sắp xếp mà không tốn nhiều công sức, thời gian di chuyển”. Và từ đó tôi hiểu tiếp ra những lý do đơn giản mà không dễ thấy ở các công trình tôn giáo tương tự: Ka Đơn chẳng bậc thềm, chẳng cầu thang, chẳng tiền sảnh, chẳng cột trụ hoành tráng. Bởi những vuông đá vạt cỏ này đủ xanh đủ ấm để nâng đỡ dịu nhẹ bao đôi chân trần đi về từ nương rẫy. Nghe như văng vẳng tiếng hát của Y Moan: “…đôi chân trần cha đi lượm từng hạt thóc cho con…”.
Nhiều giáo dân nói rằng nhà thờ Ka Đơn giống một túp lều lớn. Quả đúng vậy, lều nghỉ chân giữa cao nguyên, đơn sơ nhưng không tạm bợ, vững chãi đường hoàng, cứng cáp sáng rõ. Ngoài chức năng che mưa nắng quen thuộc, phần mái hiên sà xuống thấp cũng là dụng công: hãy cúi thấp một chút để sửa soạn minh tâm trước khi hành lễ, xin một bước thảnh thơi vào hiên để rũ bỏ lo toan đời thường, hòa mình trong những thánh ca màu nhiệm. Mái hiên dài bao quanh này khi cần mở rộng đủ cho 700 người tập trung, đồng thời là nơi hằng ngày cho trẻ em dân tộc học hành, chơi đùa không ngại mưa nắng.
Mùa Giáng sinh về, bao người sẽ dự thánh lễ an lành tại các nhà thờ khắp chốn. Riêng tôi, trở về từ Ka Đơn, tôi biết mình đã mê đắm một không gian đẫm tình người nghĩa đất, một chốn an hòa bên núi đồi.
Nhà thờ Ka Đơn làm lễ Cung hiến thánh đường ngày 13-7-2014
- Ảnh Xuân Trang