Nhiều người đúc kết, sống một đời, bình yên là quan trọng nhất, là lúc tâm an nhất. Không có một tác động ngoại lực nào từ bên ngoài khiến mình hoang mang. Làm sao cho tâm an trong cõi ta bà nhiều sóng gió này? Mở mắt ra là đủ thứ chuyện muốn nổ não, bước chân ra đường hồi hộp như nghệ sĩ xiếc đi dây… Câu hỏi khó đây!
“Có một ngày khi ấy năm bốn mươi lăm tuổi, tôi chợt nhận ra lúc bình yên nhất là được nằm ngủ chung giường với mẹ ruột hay mẹ chồng” – một phụ nữ cho biết. Hãy chú ý chi tiết, chị hạnh phúc khi có hai người mẹ để yêu thương và được yêu thương. Chính việc ngủ chung giường, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đã cho thấy một sự gắn kết rồi. Không ai có thể ngủ cùng giường với người mà mình ác cảm, thậm chí nhẹ hơn là không thích.
Đi công tác hay du lịch, nếu không có điều kiện mỗi người một phòng thì trưởng đoàn luôn phải biết sắp xếp những người hợp tính cách ở cùng phòng. Giải quyết không được thì phải để các thành viên tự chọn “bắt cặp”. Mời cà phê hay chầu nhậu cũng phải nắm thông tin ai không hợp với ai; nếu không biết ý, mời những người luôn có quan điểm trái chiều, thường tranh cãi, hay đang giận nhau thì hỏng việc!
Nhiều người cho rằng, về mái nhà xưa là bình yên nhất, hiểu theo một nghĩa tích cực. Đứa con dù đã hai thứ tóc, trở về ngồi bên mẹ, nằm dài lười biếng trên salon, mẹ ngồi cạnh hỏi han, kể chuyện, con ngủ thiếp lúc nào trong giọng kể đều đều của mẹ. Đó là bình yên. Ngủ được giấc ngủ sâu còn bởi cái tâm an. Cảm giác như có người che chở, canh chừng cho mình giấc ngủ như ngày xưa còn nhỏ.
Một thanh niên xa mẹ cho biết, mọi thứ tự lo, từ cơm nước cho đến giấc ngủ, tối thức khuya cách mấy sáng cũng dậy sớm được để đi học, đi làm. Vậy mà mẹ vào thăm vài ngày, y như rằng, ngày nào mẹ cũng kêu dậy dù tối đó không thức khuya. Thì ra, anh cảm thấy bình yên khi có mẹ bên cạnh nên có giấc ngủ say. Trăn qua trở lại mãi không dậy nổi. Và người mẹ cũng quen việc gọi con dậy như gọi đò, như những ngày con còn bé!
Người mẹ đã già, mang nhiều chứng của người già, cả đêm thường khó ngủ. Mẹ ngủ một mình một phòng, giường rộng, ao ước có đứa con nào về ngủ cùng. Con về nằm bên, mẹ cảm thấy bình yên, giấc ngủ sâu, không thức dậy lục đục nửa đêm rồi ngồi mãi chờ đến sáng nữa. Con nằm bên cạnh mẹ, nhìn mẹ ngủ, thở khó, thỉnh thoảng cựa mình có thể vì đau nhức, con nghĩ đến những ngày xưa còn bé, cái thời mẹ nhanh nhẹn đi chân không chạm đất, việc luôn tay. Ngày con sinh em bé, mẹ thức thâu đêm với cháu, bồng cháu trên tay không cho cháu khóc để sản phụ ngủ đủ giấc, có sữa cho con bú. Không chợp mắt chút nào trong đêm, vậy mà, sáng ra, mẹ tỉnh khô, xách giỏ ra chợ, chọn mua thực phẩm ngon nhất, bổ dưỡng về nấu cho con ăn. Rồi tất bật cả ngày hết sản phụ lại đến em bé.
Ngắm mẹ bây giờ đã già, yếu đuối, mong manh con thấy thương mẹ quá! Nói thương vậy mà chỉ có việc qua ngủ với mẹ mỗi đêm đâu là chuyện dễ? Mẹ già thức giấc, thấy con thao láo đôi mắt, rồi ngồi dậy thu xếp đồ đạc về nhà sớm, mẹ cảm thấy áy náy vì mình mà con không ngủ được lại thêm lỡ việc của con. Mẹ chép miệng, đứa nào cũng đùm đề việc riêng.
Phải cái tâm thật bình yên, con người mới ăn được ngủ được. Ngồi trên đống tiền mà ngay ngáy trăm điều, quyền cao chức lớn mà suốt ngày lo cho cái “ghế” thì rõ ràng sơn hào hải vị, chả phụng nem công… không chắc đã ngon!
Có người nói thêm, an lạc mới là điều mong ước to lớn của con người. Thế là có câu phản biện, sao mà tham quá vậy, đã an rồi còn thêm lạc nữa, bình yên rồi còn muốn thêm vui vẻ. Người quan niệm an lạc mới nói, khi con người không ưu tư, không u sầu thì sẽ cảm nhận được thế nào là an lạc, là tìm thấy niềm vui trong sự bình an, thanh thản.
Dung hòa lại, mới thấy, con người chỉ cầu mong cho tâm được an, được lạc. Vấn đề là làm sao an lạc đây? Đơn giản quá, chuyện nhỏ thôi, hãy về bên mẹ, ngồi lại bên cha, tìm một chút bình yên, lùi một chút rồi “chiến đấu” tiếp. Một ngày nào đó, lại về bên mẹ, ngồi lại bên cha đền đáp cái ngày mình tìm đến trụ cột ấy, bây giờ chỉ mong có chút chỗ dựa là con cái để thanh thản, nhẹ nhàng.
Vậy mà khó lắm đó!