Anh bạn ra Bắc về xuýt xoa: Ở ngoài Hà Nội chỉ cần đi một cuốc xe ôm thôi, cũng được “tóm tắt tình hình thời sự” từ… ông Trump cho tới Biển Đông, hay những vụ án, phiên tòa. Nếu đi taxi thì còn ở trình độ cao hơn. Ngồi xe máy lạnh, không nghe nhạc bolero mà toàn bình luận. Dân trí ta cao thật.
Mỗi khi có kẻ đi ẩu, “tạt đầu” ôtô thì thời sự chuyển ngay sang bình luận về thói đi liều đi ẩu của dân chúng. Xem cái clip chưa? Một “phụ nữ Việt Nam anh hùng” dừng xe máy ngang xương giữa đường chắn ngay mũi ôtô một ông Tây để… nghe điện thoại. Ông Tây bóp còi, bà ta coi như không có chuyện gì xảy ra. Không thể chịu đựng mãi, ông Tây xuống xe, kéo đuôi xe máy lui vào, bà kia vẫn hiên ngang đứng tiếp. Trời ơi, con lạy các mẹ, tinh tướng quá, không coi cả tính mạng mình ra gì.
“Đâu có, bà ấy chỉ coi đường phố, coi luật lệ và coi luôn ôtô không ra gì. Xe phải tránh bà ấy, đó là… nghĩa vụ của xe”.
Rồi anh lái xe bắt đầu kể về chuyện “bất bình đẳng” giữa Grab, Uber, các chính sách thuế và chiết khấu. Ai đời taxi là vận tải công cộng mà bị cấm đường tùm lum. Còn “ông Uber” vì không có biển hiệu gì, xe tư nhân mà, cứ thế chạy khắp. Thế là thế nào?
Từ chuyện ấy kéo theo “tình hình các BOT giao thông”. Xong rồi chuyện tham nhũng, phiên tòa… Cứ như là một “trang Phây di động” trên đường. Từ Phây trên mạng xã hội, các clip trên YouTube, đủ thứ tin, nhiều chuyện nghe là biết bịa đặt trắng trợn nhưng dân ta cứ thế hồn nhiên lưu truyền.
Biết làm sao được, khi mà cả thế giới còn đang khốn đốn vì tin giả – Fake News. Các nhà báo có khi còn vướng phải. Đó, vừa đăng tin ông A, ông B bị bắt, mai lại đính chính cả loạt. Trang này vừa nói đã bắt ông C, trang kia lại có người đưa lên Phây, vừa một bữa… nhậu với ông ấy. Trang nào? Nhao nhao tìm. Rút xuống rồi. Rút rồi. Chẳng biết đâu mà lần.
Làm sao chống tin giả? Làm sao phân biệt được cái gì là ý kiến cá nhân, cái gì là sự thật? Bây giờ mới “lòi ra” là, phải có nhà báo và báo chí chuyên nghiệp. Bởi bây giờ vấn đề không phải là anh tin cái gì, mà là anh phải tin vào ai? “Ai” ở đây chính là báo chí chính thống, là báo chí và nhà báo chuyên nghiệp.
Lại có người cãi: Nhưng báo chí chính thống họ có nói hết những gì chúng tôi muốn biết đâu? Tin tức của họ chung chung nhạt nhẽo, chẳng đụng đến ai.
Vậy là “có lý do” để lùng sục mọi “thể loại tin tức” nhiễu loạn. Ít ra ta cũng phải khôn ngoan, nghe đồn một tin động trời thì phải kiểm tra ngay xem các báo chính thống có nói đến không? Báo ta, báo nước ngoài, phải tìm những tờ báo lớn mà kiểm tra tin tức. Nếu không thấy nói gì, tức là tin đồn mà thôi. Đó mới là sự “khôn ngoan thời (đại) mạng”.
Nếu không cẩn thận, đầu ta đầy ắp tin nhảm, đầy ắp các loại cảm nghĩ của những người khác nhau, ta sẽ là những người… bị bệnh đầu tiên.
Chẳng vậy mà thời đại này người ta đi học thiền ào ào đó sao. Nói trắng ra là học… “tống cổ” ý nghĩ ra khỏi đầu cho tâm trí được lành mạnh. Học thiền, đi chùa cho chán chê, nhưng mở miệng ra là kêu sự hỗn loạn căng thẳng đô thị… (cái gì cũng biết tinh thông cả), vậy mà cứ… lao vào tin tức, để cho đầu đầy ắp thật giả.
Rồi coi chúng như… “sản phẩm dịch vụ” hầu chuyện khách hàng. Mà có vô số khách hàng coi đó như một món… khoái khẩu. Có khác nào đang tự đầu độc chính mình?
Bàn cãi chán, bên nói phải tinh thông, “có kiến thức chém gió”, bên kia nói thôi lo làm ăn, kệ những gì làm cho mình mệt, mất tiền thuốc đó nha…