Đầu tháng 12-2018, bước vào mùa Giáng sinh ở Paris, chúng tôi chọn điểm đến là Bảo tàng Louvre để tham quan một lần nữa.
Lý do là vì không gian trưng bày của bảo tàng quá rộng nên trong chuyến tham quan hai năm trước, do bận rộn công việc nên không có thời gian để đi hết các nơi trưng bày của bảo tàng.
Bảo tàng Louvre nằm bên bờ sông Seine; vì thế, có nhiều con đường dẫn đến. Sáng sớm, không khí hơi se lạnh, chúng tôi đi sớm để đến Vườn hoa Tuileries tản bộ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu vườn đang trong mùa lá rụng vào những ngày cuối thu.
Dưới những hàng cây lá đỏ còn thưa thớt, trên mặt đất là những lớp lá vàng phủ kín khắp nơi. Những cặp tình nhân đang chụp những tấm hình ghi lại thời điểm khoảnh khắc cuối mùa.
Bảo tàng nghệ thuật Louvre ở bên cạnh vườn hoa. Chúng tôi đi bộ đến Kim tự tháp được cấu tạo bằng pha lê trong suốt; đó là biểu tượng của bảo tàng để tiếp nối với dòng người đang xếp hàng mua vé vào tham quan. Giá vé ở đây là 15 euro/người.
Phải nói rằng Bảo tàng Louvre có một thiết kế độc đáo nhất trong số các bảo tàng trên thế giới. Tất cả cơ sở vật chất và hệ thống phục vụ đều được xây dựng dưới lòng đất! Sau khi qua cửa đón tiếp và nhận một tấm bản đồ hướng dẫn, cuộc “khám phá” có thể bắt đầu!
Do tất cả các hiện vật đều được trưng bày trên một diện tích quá rộng; gần 15.000m2, do đó chúng tôi phải theo sơ đồ của Museum Map để theo đó mà thực hiện cuộc “hành trình” của mình.
Từ sảnh ngoài, một không gian choáng ngợp đầy màu sắc bởi trên mái trần là bức tranh khổng lồ rất ấn tượng với khách tham quan.
Theo sơ đồ của Museum Map thì tất cả các hiện vật ở bảo tàng được quy hoạch sắp xếp theo tám nhóm chính:
- Khu vực trưng bày phương Đông cổ đại dành cho nền văn minh cổ của các nước Trung và Cận Đông từ 8.000 năm trước Công nguyên cho tới kỷ nguyên Hồi giáo.
- Khu vực trưng bày Ai Cập cổ đại giới thiệu chứng tích về các nền văn minh nối tiếp ở hai bờ sông Nile, từ tiền sử cho tới thời kỳ Cơ đốc giáo.
- Khu vực trưng bày Hy Lạp, La Mã cổ đại dành cho các tác phẩm của ba nền văn minh: Hy Lạp, La Mã và Etruria. Các hiện vật trải dài từ Hy Lạp, Ý và khu vực Địa Trung Hải với niên đại từ thời kỳ Đồ đá mới cho đến thế kỷ IV.
- Khu vực trưng bày Nghệ thuật Hồi giáo bao gồm các hiện vật lấy cảm hứng từ Hồi giáo, trải dài 1.300 năm lịch sử, trên cả ba châu lục.
- Khu vực hội họa: Khu vực trưng bày Hội họa giới thiệu tất cả các trường phái hội họa phương Tây từ thế kỷ XIII cho tới năm 1848.
- Khu vực trưng bày Điêu khắc dành cho các tác phẩm điêu khắc Trung cổ, Phục hưng và hiện đại.
- Khu vực trưng bày Nghệ thuật họa hình gồm những tác phẩm vẽ trên giấy, tranh phấn màu, tiểu họa, những bản in khắc, in thạch bản… và cả các bản viết tay, các tác phẩm chất liệu gỗ, da..
- Khu vực Nghệ thuật trang trí: Khu vực trưng bày Nghệ thuật trang trí gồm các đồ vật từ Trung cổ cho tới nửa đầu thế kỷ XIX. Bộ sưu tập gồm các hiện vật đa dạng: đồ trang sức, thảm, đồng hồ… với các chất liệu đồng, ngà voi, gỗ, kim loại quý…
Ngoài tám bộ sưu tập chính, bảo tàng còn một khu trưng bày lịch sử của chính cung điện và một bộ sưu tập nghệ thuật châu Á, Phi, Mỹ và châu Đại Dương. Khu này ở tầng dưới cùng là khu cuối, do bảo tàng quá rộng nên ít người đi đến khu vực này.
Đặc biệt, do phần lớn công chúng đến đây đều tìm đến ba tác phẩm vô cùng nổi tiếng: tượng điêu khắc mỹ nhân cụt tay Venus de Milos; tượng Nữ thần Chiến thắng Nike không đầu cụt tay và bức họa La Joconde hay còn gọi là Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci với nụ cười huyền bí, nên trên các bức tường dọc theo các lối đi, đều có sơ đồ chỉ đường đến đó.
Tại ba nơi này, dòng người vào tham quan vào ra không ngớt. Tất cả đều muốn có một bức hình lưu niệm bên cạnh những kiệt tác bất hủ.
Phải nói rằng lượng người tham quan bảo tàng dịp cuối tuần quá đông nên chúng tôi rất khó khăn mới có được một bức ảnh chụp
Được biết, xung quanh bức họa nàng Mona Lisa là một câu chuyện ly kỳ vẫn còn được các hướng dẫn viên du lịch nhiều nước thuyết minh cho khách: năm 1911, bức tranh đã bị đánh cắp và phải hai năm sau mới tìm lại được.
Tháng 8 năm đó, một thanh niên tên là Peruggia 30 tuổi đột nhập vào Bảo tàng Louvre qua một cửa nhỏ bên phía sông Seine. Anh ta biết rất rõ nơi này vì năm trước đã từng tham gia vào việc lắp đặt các tấm kính bảo vệ vây quanh bức tranh.
Peruggia đã biết bức tranh được gắn lên tường chắc chắn như thế nào. Chỉ trong một phút, anh ta đã tháo được bức tranh và trốn vào một cầu thang.
Ở đây, Peruggia tháo tranh ra khỏi khung, quấn vào trong chiếc áo blouse của thợ sơn và bình thản đi ra ngoài.
Qua điều tra khám xét hiện trường, cảnh sát phát hiện được dấu vết vân tay trên một tấm kính bảo vệ bức tranh. Đó chính là vân tay của kẻ trộm.
Điều gây ngạc nhiên là cảnh sát lại không khai thác dấu vết này trong khi họ có đầy đủ hồ sơ và dấu vân tay của Peruggia.
Lúc đó, cảnh sát cho rằng thủ phạm vụ đánh cắp phải là nhiều người và chuyển hướng điều tra nhắm vào các băng đảng quốc tế, những kẻ chuyên buôn bán lậu các văn hóa phẩm đánh cắp.
Thậm chí, đã có lúc cảnh sát nghi ngờ thủ phạm là nhà thơ Guillaume Apollinaire bởi trước đó ông đã cho một kẻ chuyên lừa đảo ở nhờ. Kẻ này là người Bỉ, vào năm 1907, đã từng ăn cắp một số bức tượng nhỏ trong Bảo tàng Louvre.
Trong vòng hai năm, Peruggia đã giấu nàng Mona Lisa trong căn hộ ở quận 10 Paris. Sau đó, nhân vật này viết thư chào bán bức tranh cho các cửa hàng bán đồ cổ người Ý, viện lẽ bức tranh này là của người Ý; do vậy, nó phải quay trở lại nước Ý!
Đến tháng 12-1913, một người mua bán đồ cổ ở Ý nói với Peruggia hãy mang bức tranh tới Firenze để xem xét.
Ông đã đi cùng viên giám đốc một bảo tàng của thành phố tới khách sạn để gặp Peruggia, sau khi khảo sát, họ xác định đây là bức tranh thật đã bị đánh cắp!
Bức tranh được thu hồi một cách nhẹ nhàng. Peruggia bị bắt giữ, trước tòa anh ta nói rằng đã lấy trộm bức tranh vì lòng yêu nước!
Các chuyên gia tâm thần nhận định đó là một công nhân, suy nghĩ đơn giản, nông cạn. Do vậy, anh ta chỉ bị xử phạt 1 năm và 15 ngày tù, sau đó mức án được giảm xuống còn 7 tháng.
Bảo tàng Louvre đã tồn tại và phát triển trong suốt nhiều thế kỷ. Những thăng trầm lịch sử đã gây dựng cho bảo tàng một bề dày văn hóa tuyệt vời.
Những tác phẩm nghệ thuật từ hội họa, điêu khắc đến nhiều các loại hình đa dạng khác đều là những kiệt tác vô giá được lưu giữ hết sức cẩn thận.
Năm 2003, Bảo tàng Louvre trở thành bối cảnh chính của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Mật mã Da Vinci (The Da Vinci Code).
Khi sách được dịch sang các thứ tiếng và nhất là khi tiểu thuyết được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh thì hằng năm, Bảo tàng Louvre lại đón thêm một lượng lớn du khách đến từ Nhật Bản, Tây Ban Nha, Nga, Ý… và cả Pháp.
Họ đến Bảo tàng Louvre có khi chỉ để được tận mắt thấy Kim tự tháp kính; tranh Mona Lisa hay chỉ là bức tượng thần Vệ nữ Milo…