Tình yêu thường là câu chuyện riêng của những cặp đôi, tuy nhiên hôn nhân lại là câu chuyện của ba gia đình. Bởi trong hôn nhân, các cặp vợ chồng không chỉ lặp lại những thói quen, quy tắc, suy nghĩ… được đúc kết từ cha mẹ mình, mà họ còn phải trải nghiệm thực tế, tự tạo ra quy tắc riêng cho gia đình mới.
Tuy nhiên, không phải những quy tắc nào cũng hữu dụng, có tính phổ quát, và không phải quy tắc nào các cặp đôi cũng có thể áp dụng cho cuộc hôn nhân của mình. Được các chuyên gia tâm lý nghiên cứu, đánh giá, dưới đây là ba quy tắc đặc biệt thú vị và hữu hiệu mà các cặp đôi nên thử áp dụng.
Quy tắc của thời gian, chúng ta ai rồi cũng sẽ thay đổi
Khi tiến hành nghiên cứu 1.500 cặp đôi ở Mỹ về các vấn đề trong hôn nhân, Mark Manson (blogger và tác giả sách) cùng nhóm cộng sự đã nhận ra rằng, bí quyết để một cặp đôi có thể ở cạnh nhau trong thời gian dài mà vẫn hạnh phúc, đó là xem hôn nhân như cách giúp chúng ta tự hoàn thiện bản thân.
Cụ thể, trong cuộc nghiên cứu, những cặp đôi có thời gian chung sống trên 20 năm đều nhận thấy quy tắc của thời gian, đó là người bạn đời của chúng ta, dù tốt, xấu, mập hay ốm thế nào, thì cũng sẽ bị thời gian làm cho thay đổi. Thậm chí nhiều người còn nói vui rằng, một ngày nào đó kể từ thời điểm cả hai kết hôn, chúng ta sẽ thức dậy và thấy bạn đời của mình là một người khác, hoàn toàn xa lạ so với phiên bản đầu tiên.
“Khi trải qua cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm, bạn sẽ nhận ra mình và bạn đời đã thay đổi rất nhiều. Không chỉ vẻ bề ngoài, mà còn là thay đổi về niềm tin, đường hướng chính trị, tôn giáo, phong cách sống… Và yếu tố quan trọng nhất giữ cho chúng ta còn tiếp tục ở bên nhau, đó là những thay đổi này mang tính tích cực” – Mark Manson chia sẻ.
Và để sự thay đổi trở nên tích cực, chúng ta phải thực sự xem trọng mối quan hệ của mình. Nói cách khác, bạn phải xem hôn nhân như cách để hoàn thiện mình. Bởi khi chúng ta cam kết với ai đó, chúng ta có thể biết hiện tại họ là ai, nhưng không thể biết người này sẽ là ai trong năm năm, mười năm và lâu hơn nữa. Vì thế, chúng ta phải không ngừng khuyến khích, kỳ vọng vào sự phát triển và hoàn thiện của cả hai.
Quy tắc của thông tin, đừng quá tin những người đang lo lắng
Thường xuyên tư vấn cho các cặp đôi, tiến sĩ tâm lý học Barbara Greenberg nhận thấy rằng, đa phần rắc rối của các cặp đôi thường phát sinh từ những người bên ngoài. Người bên ngoài, ở đây không phải là chuyện ngoại tình, người thứ ba, mà là những người như bạn thân, bố mẹ, anh chị… của cả hai, những người thường có lời nhận xét, đánh giá không tốt về người bạn đời của bạn.
Khi một người thân của bạn cảm thấy lo lắng vì một điều gì đó không ổn ở bạn đời của bạn, người này sẽ có xu hướng chia sẻ ngay với bạn. Đôi khi việc này không phải để tìm hướng giải quyết cho vấn đề, mà đơn giản chỉ để thông báo, chia sẻ sự lo lắng. Nhưng điều đó sẽ trở nên cực kỳ rắc rối khi bạn tin và bắt đầu cảm nhận được việc mình đang thực sự chọn sai đối tác, hay bạn đời của bạn nghe được và bắt đầu có khoảng cách với những người “nhiều chuyện” kia.
Tất nhiên, có người tốt bụng, góp ý chân thành, nhưng cũng có người thực sự xấu bụng. Với những người chân thành, họ thực ra không phải đang cố nói xấu bạn đời của bạn, mà chỉ quan tâm đến bạn và cố gắng cảnh báo bạn về những việc họ cho không ổn. Nhưng không phải ai cũng hiểu hết mọi việc, cũng không phải ai cũng có sự cân nhắc trước khi nói, vì thế đôi khi những thông tin kiểu này chỉ mang lại một kết quả, đó là tạo ra sự rạn nứt cho mối quan hệ.
Do đó, khi đón nhận những thông tin kiểu này, chúng ta chỉ nên xem như một bài kiểm tra. Kiểm tra xem chúng ta có thực sự hiểu đối tác của mình không? Có thực sự quý những điểm mạnh, bỏ qua những điểm yếu cho họ không? Có tin tưởng vào sự thay đổi của họ, hay có nên xem xét kỹ lập luận, đánh giá của người góp ý hay không?… Hãy cứ xem rằng những người truyền đạt thông tin ấy đều muốn tốt cho bạn, điều bạn cần làm là lắng nghe và xử lý.
Quy tắc của cơn giận, đừng biến ai đó thành những chiếc gương
Christine L. Carter, tiến sĩ tâm lý học, gần đây chia sẻ một trải nghiệm không mấy tự hào với người bạn đời của cô. Trong một bữa ăn tối, khi con gái của Christine L. Carter bắt đầu muốn bỏ dở bữa ăn để đi chơi với đám bạn, chồng cô đã ép con gái ăn hết và cho con về trễ hơn một tiếng so với giờ quy định của gia đình. Christine L. Carter sau đó đã nổi giận, cãi vã và chỉ trích chồng vì hành động tự ý phá bỏ quy tắc trong gia đình mà cả hai đặt ra từ trước, dù chồng cô đã thừa nhận sai lầm và hứa sẽ không tái phạm.
“Về cơ bản, tất nhiên là tôi đúng (Christine L. Carter hóm hỉnh), tuy nhiên thực sự tôi không nên nổi giận. Bởi tôi nổi giận không phải vì chồng mình phá luật, mà tôi đang nổi giận với chính mình” – Christine L. Carter chia sẻ trên trang Psychology Today. Cô gọi đó là việc chúng ta thường vô tình đánh giá bản thân thông qua người khác. Bởi cô thực ra mới chính là người thường xuyên lên các kế hoạch cho mình, tỉ mỉ và chi tiết, nhưng rốt cuộc lại không mấy khi làm theo chúng. Và bởi thật khó để chúng ta nhìn thấy những thất bại của bản thân, thật khó để tự trừng phạt, tỏ thái độ với mình, nên chúng ta thường dùng người khác – ở đây là bạn đời – như một tấm gương, một cái bao cát để trút giận, khi họ mắc những lỗi tương tự.
“Khi bạn nhận ra điều gì, bạn đã sở hữu điều đó. Khi tôi thất vọng với việc chồng mình không làm theo kế hoạch, tôi thực ra đã thất vọng với chính mình. Bởi chúng ta thường tìm cách thỏa mãn những suy nghĩ, ham muốn và cảm xúc khó chấp nhận bằng cách gán cho người khác, nên sai lầm của người khác là thứ dễ thấy nhất trên đời. Tất nhiên, cả hai chúng tôi đều sai. Cả hành động phá rào của anh ấy và cả cơn giận vô cớ của tôi” – Christine L. Carter kết luận.
- Tổng hợp