Thời điểm cuối năm là lúc các hoạt động sửa chữa, trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp đón năm mới… diễn ra sôi động, với không ít âu lo lẫn kỳ vọng ở sự thay đổi dù ít hay nhiều có thể đem lại sinh khí mới cho góc sống của mỗi người, mỗi nhà. Đây cũng là lúc những nhà chuyên môn cần nhìn lại các dấu ấn bất an trong thời gian qua, từ thiên tai lũ lụt, biến đổi khí hậu, cho đến “nhân tai” do ngập nước kẹt xe, cả do sự bất cẩn khi xây dựng, sử dụng, bảo trì, vận hành công trình.
An lành từ cấu trúc
Một vị trí cư trú an lành mới nghe qua không dễ có, vì nằm ngoài tầm với của gia chủ nếu khu vực lân cận nhiều lộn xộn bất an, nếu hạ tầng xuống cấp hoặc an ninh kém. Nhưng từ một vị trí chưa tốt sẽ dẫn đến các tính toán cụ thể để việc xây mới hay sửa nhà, giúp gia chủ hoạch định một “chiến lược” cơ bản và lâu dài cho căn nhà. Nói cách khác là không thể “vô tư” thiết kế một mẫu nhà mở rộng không che chắn ở một nơi thiếu an ninh, hay làm nền nhà thấp và không có giải pháp xử lý nước ngập nếu đã biết rõ từ đầu là hạ tầng thoát nước toàn khu kém. “Sống chung với lũ” đã dần dần được hiểu theo nghĩa tích cực là không thể chống lại cơn thịnh nộ của thiên nhiên, mà cần chọn các giải pháp an toàn cho mình, cho cả cộng đồng từ mức độ vi mô cho đến tầm vĩ mô.
Có thể thấy ngôi nhà thời xưa khi xác định nằm trong vùng hay bị lũ lụt thì ông cha ta sẽ làm nhà sàn hoặc thậm chí nhà nổi, ít ra cũng phải đắp nền cao vượt đỉnh nước ngập. Hoặc kiểu nhà sàn bỏ trống tầng trệt của khá nhiều dân tộc suốt từ Bắc đến Nam là một dạng ứng xử rất khéo léo với điều kiện tự nhiên, giải quyết tốt nhiều vấn đề như tránh ngập nước, cao ráo thông thoáng, làm kho và không gian phụ trợ… Nhưng theo thời gian, kiểu nhà trệt bám mặt đường (ở vùng nông thôn và dọc các trục lộ lớn) đã dần thay thế nhà sàn vì những nhu cầu thực dụng nhất thời, đến nay nhà trệt – nhà ống – nhà bám lộ ngày càng bộc lộ rất nhiều bất cập, bất an, bất ổn. Kiểu nhà “chống chân” để thoáng tầng trệt cũng không hề là dạng thức xưa cũ mà thực ra rất hiện đại, văn minh, vì ngay cả ở Tây phương, trong vô số công trình nổi tiếng thế giới cũng đã làm dạng này khá hiệu quả và mang tính bền vững cao với môi trường thiên nhiên lẫn nhân văn.
Vì vậy, không ít nhà phố hiện nay tùy theo điều kiện cụ thể đã xử lý cấu trúc không gian theo cách “chống chân”, để thoáng tầng trệt làm garage, tiếp khách tạm, kinh doanh… nhằm đưa các chức năng sinh hoạt chính lên tầng trên. Cơ cấu nhà nhiệt đới với bao che (mái – tường) có nhiều lớp giúp công trình “thở” được tốt hơn, chống bức xạ và an toàn hơn cũng là giải pháp dần được ưa chuộng, định hình dần rõ nét một thế hệ gia chủ và nhà thiết kế hướng đến những giá trị bền vững, bản địa và hiện đại hơn.
An hòa khi sửa nhà
Trong phong thủy, việc chọn lựa vị trí sẽ dẫn đến bố trí không gian và kỹ thuật làm nhà tương ứng, sau đó đi vào bài trí nội thất. Tất cả đều cần phần “trí” của các bên liên quan như gia chủ, nhà chuyên môn, thầu chính, thầu phụ… để ngôi nhà tốt hơn trong điều kiện giới hạn. An hòa cho nơi cư ngụ vì thế phải thật cụ thể và có tầm nhìn lâu dài, tránh sa đà vào các hình thức thời thượng. Ngôi nhà an hòa là ngôi nhà có sự dung hòa các nhu cầu của gia chủ, giảm thiểu các xung đột do bất cập khi vận hành (như chật chội, nóng bức, thấm dột, bất tiện…). Khi ngôi nhà sau thời gian sử dụng trở nên cũ kỹ, thiếu diện tích và tiện ích thì các bất ổn về phong thủy cũng nảy sinh theo, mà người ta hay nói nôm na là “gia đạo bất an”. Do đó, việc sửa sang chỉnh trang nhà cửa cuối năm về cơ bản sẽ thay đổi nội khí bị trì trệ, và nếu sửa nhà đúng sẽ “thổi” luồng sinh khí mới vào nơi cư trú. Vấn đề là nên sửa ở chỗ nào, giữ gìn chỗ nào để không xáo trộn toàn bộ cấu trúc vốn có.
Các thành viên trong gia đình tùy theo lứa tuổi, giới tính, công việc, sinh hoạt… sẽ có sự biến chuyển chỗ ở theo thời gian. Dịp sửa nhà nên là cơ hội để sắp xếp lại không gian riêng – chung sao cho phù hợp, đưa cá tính và sự vui thích trang hoàng nhà cửa của các thành viên vào nội thất nhiều hơn, tạo sự gắn kết chặt chẽ các mối quan hệ trong gia đình, giúp gia đạo bình yên, hòa thuận hơn.
Khi sửa nhà, cần tìm hiểu, xác định các điểm nào là mấu chốt trong nhà để xử lý trước sau có thứ tự, tránh làm tràn lan sẽ gây bừa bộn mệt mỏi. Nguyên tắc phong thủy nên ưu tiên từ Môn, tức là xem xét toàn bộ hệ thống cửa và các lối ra vào nhà. Có nhà tuy mới xây nhưng phải vào ở cả năm gia chủ mới xác định rõ được cửa nào cần mở, cửa nào nên đóng (do phương hướng khí hậu, tác động ngoại cảnh…). Cửa nào dùng rèm loại gì cho phù hợp, màu và chất liệu cửa tương đồng Ngũ hành với đồ nội thất hay không. Chỉ cần giặt sạch hoặc thay đổi rèm (vốn tích tụ nhiều bụi bặm) là đã thấy không gian có đổi khác. Đặt thêm chậu cảnh, treo hoa trang trí trên khung, bệ cửa sổ cũng là một cách hữu hiệu thu hút tầm mắt và tạo sinh khí mới cho nội thất.
Tiếp theo là đến khu vực Táo (bếp núc) vốn bị “ô nhiễm” nhiều nhất trong cả năm bởi dầu mỡ, nước, khói, côn trùng, rác thải… Chỉnh trang khu Táo ngoài việc dọn vệ sinh, cần kiểm tra lại hệ thống kỹ thuật (hút khói, sàn nước, chậu rửa) để phát hiện kịp thời các rò rỉ và sự cố, cũng như “lập lại trật tự” hợp lý cho không gian bếp mà quá trình sử dụng đã biến chuyển. Một gian bếp cuối năm sáng sủa, sạch sẽ, hợp lý, ấm cúng luôn đem lại Sinh khí cho toàn nhà thay đổi triệt để hình ảnh một gian bếp cũ kỹ, bừa bộn như suy nghĩ lâu nay vốn coi bếp là khu phụ. An hòa nơi ăn ở cũng chính là thiết lập một hay nhiều không gian thuận tiện thoải mái cho ẩm thực, để từ bữa ăn gia đình đến lúc tề tựu bạn hữu đều thoải mái, ấm cúng và tiện nghi.
An tâm trong bài trí
Có nhiều mức độ sửa nhà, nhưng ít ra việc sửa nhà phải đem lại sự an tâm và do đó, yếu tố quan tâm cuối cùng – mà cũng lại là cơ bản nhất chính là những khu vực dành cho tâm linh và tâm thức nề nếp gia đình. Trước hết là bàn thờ và các không gian đoàn tụ – sinh hoạt chung, kế đến là nơi tiếp khách và phòng ăn, rồi đến các phòng ngủ. Có người xác định rõ, dù không làm gì thì cuối năm cũng phải chăm sóc bàn thờ, đánh bóng lư đồng… chính là nếp văn hóa đẹp của cư dân Việt vốn thiên về đời sống tâm linh, trọng tình nghĩa, tưởng nhớ tổ tiên. Nhiều gia đình hay sắm vật dụng mới dịp cuối năm nhưng thực ra trước khi sắm đồ mới cần kiểm tra, sắp xếp, bảo trì vật dụng cũ vốn có trước đã. Sau một năm sử dụng, gia chủ đã biết rõ vật nào hữu ích để định vị lại hợp lý hơn. Nguyên tắc trong phong thủy là nếu có thêm vào thì phải biết bớt ra để tạo cân bằng trước sau, âm dương, tránh làm chật chội chèn ép không gian.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy: chiếu sáng ban đêm hợp lý giúp gia tăng tâm lý an tâm. Việc bổ sung chiếu sáng cho bên ngoài nhà không chỉ làm rõ ràng dung mạo công trình, mà còn góp phần bảo vệ, tạo an toàn – thuận tiện cho người cư ngụ. Chiếu sáng ở các điểm tập trung người như tiền sảnh, bậc thềm giúp kích hoạt sinh khí, tạo điểm nhấn cho nhà. Chiếu sáng phần hàng rào không chỉ bảo vệ gia chủ mà còn giúp người qua đường thêm ánh sáng, đạo tặc bớt lộng hành. Những góc nhà – khuôn viên bị khuyết hoặc lồi thì cần bố trí đèn các bên để tránh bóng đổ lệch, giảm thiểu các góc Xung sát, va vấp với người sử dụng do bị che khuất bóng, bị thiếu sáng.
Như vậy, một chốn An cư sẽ không thể thiếu quá trình chỉnh trang, xác lập môi trường sống An lành về vị trí và cấu trúc, An hòa về công năng và tương tác, An tâm trong chi tiết và nội thất. Những giải pháp cụ thể tùy theo hoàn cảnh từng gia đình, với sự trợ giúp của nhà chuyên môn và sự đồng thuận của gia chủ sẽ giúp không gian sống sau một năm được sáng sủa, sạch sẽ, hợp lý, ấm cúng hơn.
- Ảnh Xuân Trang