Hình như ngày càng có nhiều người nóng nảy hơn bao giờ hết. Ra đường kẹt xe, đi đứng như “côn đồ” tranh giành từng xăng ti mét, thần kinh nào chịu nổi.
Người phụ nữ ở trong nhà bận rộn, mệt nhọc, đối mặt với thói hư tật xấu của chồng của con (đặc biệt là tính bừa bộn, hoặc không chịu về ăn cơm đã được nấu nướng ngon lành) cho nên hay nóng nảy. Nhiều người nói: “Không thể nào bình tĩnh nổi ở một thời đại náo loạn như hiện nay”. Có người còn nói: “Cứ ca ngợi đất nước hết chiến tranh và xứ sở ổn định! Nghe đúng quá. Nhưng là một xã hội ổn định của những người muốn… phát điên! Khó khăn, phân hóa, môi trường, sự suy vi của đạo đức xã hội, không chắc chắn ở ngày mai…
Tất cả đều là những nguyên nhân quan trọng. Vậy mà có nhà nghiên cứu, chuyên gia xã hội lại nói: “Hết thảy việc đó giữ vai trò rất quan hệ. Tuy nhiên mỗi ngày tôi càng tin chắc rằng nguyên nhân của tính nóng nảy không phải phụ thuộc hoàn toàn các yếu tố đó, mà phải tìm nguyên nhân ấy trong địa hạt cá nhân nhiều hơn”. Nhà nghiên cứu ấy nói câu này vào giữa thế kỷ trước, được trích ra từ chương sách đã ố vàng, vậy mà vẫn còn nhiều tính thời sự.
Nhà nghiên cứu này đã làm một thí nghiệm. Ông đưa cho một đứa trẻ xem sáu tấm hình cô gái, mỗi loại hai tấm, gồm một tấm đẹp một tấm xấu và hỏi xem tấm nào đẹp hơn. Rất ít khi đứa bé chọn lầm. Vậy đứa bé có một khiếu thẩm mỹ chắc chắn. Nhiều ý niệm hoàn thiện tồn tại trong trí não đứa trẻ rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn là trong trí não người lớn. (Làm ta liên tưởng tới lời của thi sĩ Lamartine: Con người là một thiên thần bị đày xuống trần vẫn hằng nhớ nhung chốn thiên đình). Hình như trẻ con đến từ một thế giới khác trong đó cái gì cũng rất đẹp, rất tốt và rất thật!
- Xem thêm: Quản lý cơn giận
Thế nên có vị phụ huynh nói ở trong nhà, ai tốt nhất, lành mạnh, trong sáng nhất, ấy là đứa trẻ! Và nhà nghiên cứu nói: “Chúng ta cần khám phá ra một nguyên tắc cốt yếu về việc giáo dục trẻ em. Dạy chúng biết cách cư xử không phải chỉ là để tập cho chúng nên hành động thế nào mà cần là bảo chúng nên lắng nghe tiếng nói trong thâm tâm, chú ý đến những lời khuyên khôn ngoan và hữu ích của tiếng nói ấy” (Maurice Tieche).
Từ những quan sát như thế, nhà nghiên cứu cho rằng tính nóng nảy còn là vì lý do khi ta nghĩ, làm, hoặc bị tác động bởi những điều trái với lý tưởng bên trong của ta, sẽ gây nên một vết thương cho thần kinh hệ, rồi phản ánh ra thành sự buồn thảm, xung đột. Khi hệ thần kinh bị quá tải, chúng ta sẽ căng thẳng, nổi cáu, nhưng các nhà thiền học lại có câu: đời thay đổi khi ta thay đổi. Và chính chúng ta – bản thân mỗi người quyết định.
Nhiều đàn ông hay cáu, tính nóng nảy do ý thức gia trưởng, chúng ta đã thấy trong gia đình hàng thế kỷ. Và phụ nữ luôn đóng vai dịu dàng. Nhờ đức tính đó mà họ chịu đựng “nhận đau khổ mà gửi vào im lặng” hoặc có người cho rằng đó là sự hy sinh cần thiết, làm cân bằng bầu không khí gia đình.
Nhưng bây giờ nóng tính không còn là “sở hữu” của đàn ông. Nhiều bà tính nóng như lửa. Đôi khi người ta nể sợ – nhất là khi đó lại là một bà sếp hay một bà quán xuyết quyết định mọi việc trong nhà. Khi bà lên cơn la lối, tất cả im lặng hoặc lánh đi cho xong. Mọi việc trở nên tăm tắp đâu vào đấy, điều này giúp cho tính nóng của bà được duy trì, vì nó có hiệu quả nhanh chóng tức thời.
Nhưng nhiều khi cơn nóng giận đem lại hiệu quả ngược. Sau đó là nỗi ân hận và sa sút sức khỏe (người nóng giận nào có sung sướng gì).
- Xem thêm: Khía cạnh tích cực của cơn giận dữ
Không ai có thể sáng suốt trong cơn nóng giận, “lên cơn điên”. Sau đó có thể xin lỗi. Nhưng thật hại thay, nội dung câu nói lâu ngày người ta có thể quên đi, nhưng cái cách nói thì sẽ được ghi nhớ mãi (thí dụ ánh mắt quắc lên, miệng lưỡi tuôn ra lời thô lỗ, chứng tỏ không có tình cảm gì…). Vì thế, khó có gì hoàn toàn gỡ lại được sự nóng nảy. Bây giờ có rất nhiều người tìm đến thiền để làm cho tâm trí được bình an. Mà thiền là gì – có nhiều cách giải thích lắm, nhưng suy cho cùng, đều là tự tìm về cái bên trong của mỗi người – vốn là bình an.
Có thể luyện tập được để thay đổi, nếu thấy mình thực sự cần thay đổi.