World Cup 2018 đang diễn ra tại nước Nga, hàng vạn cổ động viên các đội tuyển quốc gia tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh cùng người hâm mộ năm châu đã đến xứ sở của Lev Tolstoy dịp này. Tất nhiên họ sẽ không bỏ qua cơ hội thưởng thức các món ngon đặc trưng Nga tại các thành phố lớn như Moskva, Saint Petersburg và nhiều địa phương khác, nơi diễn ra các trận cầu then chốt của Giải bóng đá thế giới. Sau đây là một số món ăn Nga đã thành truyền thống sẵn sàng phục vụ thực khách tại thủ đô nước Nga trong mùa World Cup.
Nếu đã ngán các loại fastfood phương Tây cũng không thiếu ở Moskva, dân ghiền bóng đá và du khách có thể trải nghiệm các món Nga sau đây:
Bánh mì đen Borodinsky
Bánh mì đen đã được giới thiệu trong cuốn sách kinh điển của nghề làm bánh mì tại Nga: Kỹ thuật nướng bánh mì (Tekhnologiya Khlebopecheniya), xuất bản năm 1935, tác giả là kỹ sư công nghệ Lev Janovic Auerman, một nhân vật đã trở thành huyền thoại trong nghệ thuật ẩm thực Nga. Có thể nói công thức làm bánh mì bằng lúa mạch đen của Auerman đã làm thay đổi mãi mãi loại lương thực này tại Nga. Có một truyền thuyết cho rằng thứ bánh mì được nướng thành màu nâu sẫm như vậy là cách một góa phụ bày tỏ lòng thương tiếc người chồng của mình, một viên tướng Nga đã hy sinh trong trận ác chiến nổi tiếng Borodino giữa quân Nga và Pháp vào năm 1812 (trận Borodino được Lev Tolstoy mô tả chi tiết trong tiểu thuyết sử thi Chiến tranh và hòa bình), song thực tế là loại bánh mì này đã được khai sinh là nhờ công thức làm và nướng bánh mì của Auerman.
Được cải biên từ loại bánh mì ngọt, bột được ủ bằng mạch nha của vùng Baltic, bánh mì đen Borodinsky với công thức chế biến của Auerman được làm 100% lúa mạch đen và ủ bằng hoa hồi. Ngày nay công thức làm bánh mì đen kiểu Nga có thay đổi chút ít: 80% lúa mạch đen và 20% bột lúa mì, rau mùi thay cho hoa hồi để ủ bột. Khách du lịch có thể tìm mua bánh mì đen Borodinsky ở bất kỳ tiệm bánh nào ở Moskva song ngon nhất là bánh mì đen được bán tại các siêu thị Azbuka Vkusa.
Cháo kiều mạch, cháo yến mạch
Món ăn này gắn liền với một kỷ niệm thời Thế chiến II, khi mà các bếp ăn dã chiến của Hồng quân Xô Viết chỉ còn mỗi món cháo để cấp phát cho binh lính đang bị quân quốc xã Đức bao vây. Và trong những ngày kỷ niệm chiến thắng (5-9) tại Quảng trường Đỏ ở Moskva, hình ảnh các bếp ăn dã chiến với món cháo yến mạch được tái hiện. Du khách có thể trải nghiệm một món ăn bình dân không thể tìm ở bất kỳ nơi nào ngoài nước Nga và Ukraine. Cháo kiều mạch, yến mạch thường được ăn với sữa hay với nấm.
Salad Nga hay salad mimosa
Món salad trộn với trứng và cá ngừ đóng hộp này giờ phổ biến khắp thế giới, có thể tìm thấy ở nhiều nhà hàng không chuyên món ăn Nga. Về cấu tạo, đĩa salad Nga đúng điệu gồm có: một lớp cá làm nền, kế đó là một lớp khoai tây xắt miếng nhỏ, xốt mayonnaise, phô mai bào, cà rốt thái nhỏ, hành tây, lòng trắng trứng luộc xắt hạt lựu và trên cùng được tô điểm bằng lòng đỏ trứng luộc bóp vụn. Khi dọn ra bàn ăn, đĩa salad Nga trông đẹp như một đóa mimosa đang nở nên còn có tên là salad mimosa. Món salad Nga ngon nhất được cho là tại các nhà hàng thuộc hệ thống Anh em nhà Karavaev ở Moskva.
Thịt nướng xiên shashlyk
Từ shashlyk trong tiếng Nga có nguồn gốc từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ với nghĩa là “có thể xiên được” và người Cosaque ở bán đảo Crimea đã ăn món thịt nướng shashlyk từ đầu thế kỷ XVI. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, thịt nướng xiên mới du nhập vào Nga nhưng nhanh chóng lan tỏa rộng và đến những năm 1910 thì món shashlyk đã có trong thực đơn các nhà hàng tại St. Petersburg. Đến thập niên 1920, thịt nướng xiên là món ăn đường phố phổ biến khắp nước Nga. Ngày nay shashlyk là thức ăn nhanh thông dụng ở Nga và nhiều nước thuộc Liên Xô (cũ).
Như tên gọi, shashlyk là những miếng thịt (trước đây người Tatar và các dân tộc vùng Trung Á dùng thịt cừu, nay shashlyk được chế biến với thịt bò, thịt heo) được xiên vào que kim loại cùng với cà chua, hành tây, nấm, ớt chuông và được nướng trên lửa than. Mùa hè ở Moskva nói riêng và nước Nga nói chung, trên đường phố luôn có những lễ hội shashlyk nên không khó để thưởng thức món ăn này.
Cơm plov
Rất nhiều món ăn Nga được vay mượn từ ẩm thực các nước vùng Trung Á, trong đó có món cơm plov nay đã thành món ăn hằng ngày của người Nga. Với khoảng 10-12 triệu người ở các nước Trung Á di cư sang Nga sau ngày Liên Xô (cũ) tan rã, ẩm thực Trung Á đã hòa vào ẩm thực Nga ngày nay. Cơm plov được cho là đã có ở Uzbekistan khoảng từ thế kỷ thứ X hoặc thế kỷ XI. Ngày nay, có tới hơn 60 công thức chế biến cơm plov ở Uzbekistan, tuy nhiên về căn bản thì cơm plov được trộn với các loại thịt (cừu, bò, ngựa, gà, chim cút…) và các loại rau củ như hành tây, cà rốt… Nhiều nơi, gạo để nấu cơm plov được thay bằng lúa mì, kiều mạch, đậu xanh…
Tại Moskva, du khách có thể tìm cơm plov kiểu Uzbek tại chợ thực phẩm nổi tiếng Danilovsky hay tại chợ hải sản và thịt bò Tsukiji, những địa chỉ phục vụ món cơm này chất lượng nhất.
Mứt trái cây vareniye
Trong tiếng Nga, vareniye có nghĩa là mứt được làm từ các loại trái cây, nhưng vareniye khác với các loại jam (mứt – tiếng Anh) ở các nước phương Tây: trái cây để nguyên hay xắt miếng ngâm trong nước đường nên giữ được hương vị tinh khiết. Vareniye thông dụng khắp nước Nga cũng như ở nhiều quốc gia Đông Âu và vùng Baltic. Nhiều loại vareniye được chế biến với trái cây ngâm trong mật ong thay cho đường. Những lại trái cây thường được dùng làm vareniye là dâu tằm (còn gọi là phúc bồn tử hay trái mâm xôi), lê, dâu, anh đào (cherry)…, thậm chí cả trái thông non.
Các cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị sản phẩm nông nghiệp Lavka-Lavka ở Moskva đều có mứt vareniye, hoặc có thể mua món mứt đặc trưng Nga này tại các cửa hàng của người Armenia. Vareniye thường được dùng khi uống trà đen Gruzia.
Còn nhiều món ăn khác như gỏi cá sống kiểu Tartare (tartare fish), bánh bao nhân thịt khinkali (có xuất xứ từ vùng Kavkaz)… đang chờ đợi những thực khách đói ngấu sau khi xem những trận cầu sôi động…