Khi ta già đi, thảm cảnh không chỉ là sức yếu, bệnh tật sau nhiều năm vật lộn để tồn tại, vắt sức làm lụng kiếm tiền hay đam mê nghề nghiệp, sở thích cá nhân, lo cho gia đình… mà còn là, ta biến thành… đứa trẻ.
Sao nói thế? Biết tất cả cuộc đời – người già là một bồ trí khôn, kinh nghiệm, một bậc tài danh đáng kính chưa biết chừng, có khi giàu có nữa. Vậy mà gọi là đứa trẻ ư? Nếu muốn thống kê ra, hoặc nghe nhận xét, thì chính xác nhất hãy hỏi con cháu.
Ông bà hơi tí thì sợ. Sợ ra đường, sợ kẻ cướp, sợ tai nạn. Ối thế mà xưa họ đã từng ra trận, cầm súng canh gác những cung đường dưới bom đạn. Từng gánh gồng đi thâu đêm tản cư sơ tán, từng cứu chữa người bị thương. Hay đơn giản chỉ hằng ngày dậy sớm ra đồng nắng chang chang, ăn uống đạm bạc. Bây giờ bỗng sợ cả nắng cả gió. Sợ bệnh tật. Chẳng dám đương đầu. Đau yếu là rên rẩm. Nói dai, chuyện gì cũng nhắc mãi. Thậm chí có người xưa đi Nam về Bắc, nay sợ đi du lịch, sợ ra khỏi nhà.
Vô lý hết sức là những bậc cha mẹ ông bà già hay hờn dỗi với con cháu, có người giận dỗi bỏ cả bữa ăn. Không kể những người bất hạnh bị cư xử tệ hoặc cảnh đói nghèo dồn vào chân tường. Cũng không kể những số phận người già không được phép già, khi hoàn cảnh vẫn phải nuôi cháu mồ côi, cha mẹ bỏ nhau hay làm ăn xa xứ. Họ phải chân cứng đá mềm, “không được già”.
Còn lại số đông theo quy luật và truyền thống, nay sống bên con cháu. Họ phải tập… vâng lời sau cả một đời “ra quyết định”, “hét ra lửa”, “làm ông bà chủ”. Nhiều đứa con cố gắng làm những điều tốt cho cha mẹ, nó có hiếu, nhưng ông bà lại không chịu. Trẻ và già nghĩ không giống nhau nên ngay cả những việc tốt hẳn hoi cũng gây ra bực bội. Con bảo ăn cái này tốt cho sức khỏe, cha mẹ lại chê. Nghe thiên hạ đồn thuốc này thần diệu, thuốc kia hiếm hoi. Mua cho bằng được tốn cả đống tiền, quý hóa lắm ngâm ngâm sắc sắc phơi phơi, trong khi con nó lẩm bẩm “lại nghe đồn bậy xúi dại truyền thông bẩn, suốt ngày chỉ bị lừa, xưa làm nên cơ nghiệp giỏi giang mà sao nay yếu ớt dễ tin”.
Thế chẳng phải trẻ con thì là gì? Ghê hơn bước nữa, “đứa trẻ già” này có khi như dở người, cười khóc vu vơ, nói trước quên sau, con nó vừa cho ăn cẩn thận, có khách đến chào cụ hỏi ăn cơm chưa ạ là… lắc đầu bảo chưa. Bực mình quá, cụ nói thế khiến người ta tưởng con cháu ngược đãi bỏ đói cha mẹ già. Giá mà là… trẻ con thật, có khi bị đòn. Nhưng giờ, ai mà dám.
Kể đến đây có quý vị sẽ kêu lên, gì mà hù dữ vậy, nhìn đời ghê quá vậy? Sao không thấy người già sống vui, sống khỏe, sống có ích tích cực giữa xã hội văn minh. Già – và kể cả cái chết – chỉ là một tất yếu của cuộc sống, sợ hãi cũng chẳng được, phải sống tích cực lên. Thưa là đúng ạ, nhưng nhiều người già vẫn không biết mình đang… trẻ dần để có thể tập thay đổi thích nghi với nó để tránh những bi kịch cho mình và gia đình, xã hội.
Thế nên nhớ nhé, lúc trẻ con sợ cha mẹ, lúc về già phải biết nghe con, điều chỉnh mình cho phù hợp. Xưa đã có câu, trẻ cậy cha già cậy con, nghe thì ai cũng bảo biết rồi. Nhưng lại… hay quên.
Còn con cháu thì phải biết người già khổ kiểu già, vì thế vị tha như xưa kia còn bé mình chướng cha mẹ cũng đã chìu mình nhiều rồi…