Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại, họa sĩ Nam Sơn được biết đến với tư cách người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với họa sĩ Victor Tardieu. Sinh năm 1890, mất năm 1973, ngoài sự nghiệp giảng dạy mỹ thuật Nam Sơn đã để lại cho đời nhiều tác phẩm hội họa, một trong số đó được đưa lên sàn đấu giá của Công ty Aguttes ở Paris ngày 26-3-2018.
Bức Thôn nữ Bắc kỳ (Paysannes du Tonkin) ở trong số hơn 20 tranh lụa của họa sĩ Nam Sơn mà theo thông tin từ Công ty đấu giá Aguttes, Thôn nữ Bắc kỳ có thể được ông vẽ khoảng năm 1935, từng xuất hiện tại hội chợ Salon de la SADEAI tổ chức ở Hà Nội năm 1936. SADEAI là viết tắt của Société Annamite d’Encouragement à l’Art et à l’Industrie (Hội An-Nam Khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ), được Victor Tardieu thành lập năm 1934, trực thuộc Trường Mỹ thuật Đông Dương, nhằm quảng bá mỹ thuật và công nghiệp tại Việt Nam. Sau đó Thôn nữ Bắc kỳ được một nhà sưu tập tư nhân gửi sang Pháp dự đấu giá. Nói về vẻ đẹp của tác phẩm, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi – cháu ngoại họa sĩ Nam Sơn mô tả: “Toàn thể bức tranh chủ yếu là sắc màu xanh lá cây chuyển sang lam ngọc, mềm mại, đa dạng và trong trẻo, vẽ ba thôn nữ miền Kinh Bắc. Người đứng trước là nhân vật chính, nhỏ tuổi nhất, vai gánh buồng chuối được diễn tả một cách tinh tế. Gương mặt xinh xắn, tóc vấn như một chiếc vương miện cài trên đầu. Cô mặc chiếc áo cộc trắng, cổ áo để lộ ra mảnh yếm đào. Một chiếc quần dài màu đen được cột bằng dải lụa xanh. Một dây bùa trừ tà đeo ở cổ, như một điểm trang. Đằng sau là hai phụ nữ lớn tuổi hơn. Đó là mùa đông, trời lạnh nên họ mặc áo tơi, buộc khăn mỏ quạ, tông xanh nhấn mạnh thêm vẻ lạnh giá của không gian. Cả ba đều có dáng dấp truyền thống tượng trưng và quen thuộc của người nông thôn miền Bắc Việt Nam”.
Trong tạp chí France-Illustration (Họa báo Pháp) số 190, xuất bản năm 1949, đặc biệt về Đông Dương phần “Mỹ thuật tại Đông Dương”, tác giả Pierre Gourou cho biết Salon 1936 của SADEAI được tổ chức tại phố Tràng Thi, Hà Nội từ 3-12 đến 31-12-1936, đạt được thành công rực rỡ về tranh lụa và sơn mài. Nam Sơn đã đem tới hội chợ bốn tranh lụa, một trong số bốn bức đó là Thôn nữ Bắc kỳ, khổ 65 x 52,5cm. Năm 1927, họa sĩ đã vẽ bức về chợ, được coi là bức tranh lụa đầu tiên của hội họa Việt Nam hiện đại.
Trong tập san Đông Dương Kinh tế Cục (Bulletin de l’Agence économique de l’Indochine) số tháng 3-1932, cho biết thêm chi tiết về chiếc khung nguyên thủy (hiện vẫn được giữa nguyên vẹn khi tranh được đưa ra đấu giá) của nhà sản xuất khung Tam Thọ vốn nổi tiếng với nghề đóng khung tranh và phương pháp bồi tranh lụa theo kỹ thuật làm hồ dán cổ truyền. Họa sĩ Nam Sơn thường đặt khung ở đây và còn gửi con gái lớn của mình đến học kỹ thuật bồi tranh danh tiếng ấy. Tập san Đông Dương Kinh tế Cục còn ca ngợi tác phẩm của Nam Sơn “vì những phẩm chất quý hiếm của tâm hồn và phong cách sáng tạo của nó”.
Được biết Thôn nữ Bắc kỳ có giá khởi điểm 35.000 euro (khoảng trên 43.000 USD). Đây là cơ hội tốt cho các nhà sưu tập người Việt để có thể sở hữu được một bức tranh quý hiếm của một bậc thầy hội họa Việt Nam.