Dòng chảy của sơn mỹ thuật đã trải qua chiều dài lịch sử của kiến trúc châu Âu mà buổi bình minh là thời Phục hưng. Trong thời kỳ ấy, các nghệ nhân được giới vương quyền, quý tộc ủy thác và bảo trợ xây dựng những công trình đồ sộ, đó là những cung điện hoành tráng, trang trí sang trọng với màu sắc hài hòa.
Xưa kia, sự toàn bích của một công trình là kết quả tổng hợp từ kiến trúc, điêu khắc và hội họa, được định danh là nhóm nghệ thuật tĩnh trong các bộ môn nghệ thuật. Đối lập là nhóm nghệ thuật động gồm có âm nhạc, thi ca, múa và sau này có thêm điện ảnh được gọi là môn nghệ thuật thứ 7.
Khi tham khảo những công trình kiến trúc kỳ vĩ của châu Âu, chúng ta nhận thấy kiến trúc thời Phục hưng bắt nguồn từ Ý, mà Rome và Florence chính là cái nôi qua các công trình như Thánh đường Florence được khởi công xây dựng năm 1420, hay Vương cung Thánh đường Saint Peter (Vatican – 1506), từ đó lan rộng khắp châu Âu qua Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh, Nga…
Cũng dễ hiểu, vì trong thời kỳ này nước Ý đã đóng góp cho nhân loại không biết bao nhiêu nghệ nhân, kiến trúc sư lỗi lạc. Xuất chúng và tiên phong gầy dựng phong trào Phục hưng phải kể đến kiến trúc sư Filippo Brunelleschi (1377-1446) quê ở Florence. Sau đó, một người toàn năng vĩ đại là Leonardo da Vinci (1452-1519) thông thái nhiều bộ môn từ kiến trúc, hội họa đến điêu khắc, khoa học… Hơn hai thập niên sau lại xuất hiện một vĩ nhân đa tài khác là Michelangelo (1475-1564), người đã cống hiến suốt cuộc đời cho nghệ thuật với rất nhiều công trình kiến trúc hoành tráng.
Nhìn chung, kiến trúc Phục hưng là sự hồi sinh và phát triển của kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ đại, được xem là thời kỳ của những thành tựu về mỹ thuật mà đỉnh điểm là vào thế kỷ thứ XV và XVI.
Sau phong trào Phục hưng là Baroque, rồi đến phong trào Tân Cổ điển vào giữa thế kỷ thứ XVIII. Lúc đó người ta thường ứng dụng các kỹ thuật gọi là Faux Finishing để cải tạo và trùng tu các công trình của thời Phục hưng.
Kiến trúc Tân Cổ điển – Neo-Classical là sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, làm sống lại các hình ảnh của thời kỳ Phục hưng. Với mục đích tái tạo và trùng tu cho các công trình cổ nên người ta thường ứng dụng Faux Finishing vào phần hoàn thiện.
Faux Finishing, hay còn gọi là Faux Painting, là thuật ngữ dùng để mô tả cách hoàn thiện với một loạt các kỹ thuật Faux Techniques về trang trí. Chữ “Faux” bắt nguồn từ tiếng Pháp có nghĩa là “giả”, sao chép để tái tạo. Faux Techniques là những kỹ thuật như Frottage, Linen, Denim, Color Washing, Sponging, Strié… để tạo ra bề mặt hoàn thiện trông giống như da, như lụa, như đá, như gỗ…
Thuật ngữ Faux Finishing sau này được thay thế bằng Special Effects – sơn tạo hiệu ứng đặc biệt. Do nhu cầu làm mới cho công trình mang tính cách cổ điển nên người ta đã đặc chế các dòng sản phẩm tạo ra các hiệu ứng rất đặc biệt, chẳng hạn như Metal Effects để tạo bề mặt hoàn thiện như sắt rỉ, đồng lên teng, hay Venetian Plaster để làm ra những mảng tường đá hoa cương rất đẹp, hoặc sơn nhũ ánh kim để tạo ra bạc, ra vàng…
Đầu thập niên 1920 là thời kỳ hưng thịnh của kiến trúc Art Deco đã ảnh hưởng không chỉ vào kiến trúc mà cả nghệ thuật trang trí nội thất. Để đáp ứng cho khuynh hướng thiết kế này, ngành công nghiệp sơn lại ứng dụng Special Effects & Decorative Painting cho phù hợp.
Trong những năm gần đây, khi các khu vui chơi giải trí như Disney Land, Disney World, Universal Hollywood được xây cất, người ta phải đặc chế ra dòng sản phẩm thích ứng như Theme Paint hay WildFire để ứng dụng cho hiệu ứng phim trường.
Hiện nay, toàn bộ sơn mỹ thuật Modern Masters đã có mặt ở Việt Nam được đặc chế rất đặc biệt. Đơn cử như Venetian Plaster là đá hoa cương được nghiền nhuyễn để tạo ra những mảng tường rất lộng lẫy và sang trọng, trong khi một đại sảnh nếu được ốp toàn đá hoa cương sẽ phần nào mất đi tính thẩm mỹ vì để lộ ra các đường ron. Đó là lý do tại sao hầu hết đại sảnh của các casino ở Las Vegas thường sử dụng Venetian Plaster. Hay Metal Effects là những sản phẩm được đặc chế từ sự kết hợp nghệ thuật đồng hóa thời xưa với công nghệ hiện đại, nhằm tạo ra lớp hoàn thiện bị oxy hóa kim loại trông rất thật như sắt rỉ, đồng lên teng.
Từ nhiều năm qua, trong làng điện ảnh, phần lớn nghệ sĩ và giới trang trí rất thích áp dụng sơn mỹ thuật Modern Masters vào những tác phẩm mang tính sáng tạo. Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật khai thác rất hiệu quả các sản phẩm sơn mỹ thuật.
Khi nói về hiệu ứng hình ảnh trong phim trường, người ta thường kể đến sơn WildFire của Modern Masters. Đây là dòng sơn được Hollywood sử dụng nhiều nhất để tạo ra hình ảnh nham thạch, núi lửa đang phun, dòng suối nước nóng phụt chảy, khói bốc lên cao, hay những hình ảnh ghê rợn, ma quái, máu đổ thịt rơi, cũng như những hiệu ứng trong phim hoạt họa, animation, 3D. Đặc biệt hiệu ứng giữa ban ngày và ban đêm cho cùng một bức ảnh tại chính hiện trường của phim trường.
Có thể nói, hành trình sơn mỹ thuật đến Việt Nam bắt đầu vào hạ tuần tháng 9 năm 2009 tại hội trường Hội Kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh qua buổi tiếp đón gần 100 khách mời giao lưu với các đại diện dòng sơn mỹ thuật đến từ Hoa Kỳ.
Rồi tháng 7-2010, theo lời mời của Modern Masters chúng tôi lên đường qua Kuala Lumpur (Malaysia) tham dự Triển lãm Quốc tế Theme Park ngành giải trí. Tại đây, trong một buổi tiệc khoản đãi của Modern Masters, hai nhà phân phối của Singapore và Thái Lan đã hãnh diện chia sẻ với chúng tôi rằng: “Từ vài năm qua, chúng tôi đã nhiều lần đến Việt Nam để thực hiện các công trình như Khách sạn Sheraton, Park Hyatt…”. Mới nghe qua, chúng tôi rất lấy làm khó chịu, bởi đất nước chúng ta đâu thiếu những nghệ nhân tài giỏi để thực hiện các công việc ấy, duy chỉ tại chúng ta chưa có cơ hội tiếp cận những dòng sản phẩm sơn mỹ thuật này nên đã nhường sân chơi cho nghệ nhân của các nước khu vực thực hiện nhiều công trình ở nước ta.
Từ đó, ý tưởng mời các chuyên gia của Modern Masters từ Mỹ về tập huấn đã nhen nhúm trong tâm tưởng chúng tôi. Vào hạ tuần tháng 9-2010, Modern Masters đã cử ông Kelly King – Giám đốc Học viện và Đào tạo, về Việt Nam đảm nhận lớp tập huấn căn bản. Lớp học quy tụ gần 30 học viên trong đó có một số nghệ nhân, đặc biệt là Micheal Payne – lúc bấy giờ đã trên 70 tuổi và đã sống hơn 25 năm tại Việt Nam, từng thực hiện những công trình bằng dòng sơn mỹ thuật này cho nhiều dự án lúc ông còn cộng tác với Công ty AA. Đây là lớp tập huấn đầu tiên của Modern Masters tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khởi đầu cho một loạt các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… làm theo sau đó.
Rồi mùa thu năm 2011, một lần nữa ông Kelly King lại hướng dẫn lớp tập huấn trung cấp. Trở về Việt Nam lần này, ông không khỏi ngạc nhiên trước những thành quả mà chúng ta đạt được, qua các công trình do chính các kiến trúc sư và nghệ nhân Việt Nam xây dựng như Bà Nà Hills, VinPearl, Majestic… Đến nay lại có thêm Intercontinental DN, Novotel DN, JW Marriott, KS Morin Hue, Grand/MGM Ho Tram, Pullman SG, StarBucks… Cùng với đó là biết bao biệt thự, dinh thự, nhà hàng, trung tâm thương mại, các quán bar, club… đã sử dụng rất hiệu quả Sơn mỹ thuật.
Dù đã có nhiều dịp viếng thăm các thành phố đẹp như Rome, Paris, London, Prague, Budapest, Milano, Venice, Florence… nhưng phải nói trong chuyến đi Ý và Las Vegas gần đây chúng tôi mới có những chiêm nghiệm sâu sắc về dòng sơn mỹ thuật khi ngắm nhìn các lâu đài, thành quách, nhà thờ chánh tòa, Tòa thánh Vatican hay các bảo tàng nghệ thuật ở đó. Âu cũng là nhờ có cơ hội tiếp cận với dòng sơn mỹ thuật nên chúng tôi mới cảm nhận thấu đáo sự tinh tế của sản phẩm này, giúp cho cảm xúc được thăng hoa hơn.
- Trần Văn Châu