“Chiếc bàn bằng gỗ lim dày 6cm này vẫn bị nứt sau một lần bị va đập mạnh”, vừa chỉ cho chúng tôi thấy vết nứt khá dài trên mặt bàn làm việc của mình, ông Nguyễn Ngọc Quang, Tổng giám đốc Saigonmarble vừa nói: “Còn những chiếc bàn bằng composite hay đá nhân tạo thì cực bền trước mọi tác động va đập, tuyệt đối không thấm nước, chịu được tất cả các loại hóa chất. Đó là lý do vì sao tôi gắn bó, phát triển vật liệu nội thất này trong 20 năm qua”. Theo chân ông Nguyễn Ngọc Quang đi tham quan các sản phẩm tủ bếp, bồn tắm, lavabo và các thiết bị phòng tắm tại showroom của Saigonmarble ở khu đô thị Sala (quận 2), chúng tôi vừa nghe ông “tâm tình” về chặng đường nhiều kỷ niệm thú vị với một ngành mà ông càng làm càng đam mê.
Thời điểm cách đây 20 năm, có lẽ không nhiều người Việt Nam biết đến vật liệu composite, ông đã tìm thấy vật liệu này thế nào?
Composite vốn được ứng dụng rộng rãi trong chế tạo khoang tàu chiến, du thuyền, máy bay, xe lửa. Trước đây, việc ứng dụng composite và đá nhân tạo vào mảng nội thất chỉ phổ biến ở Mỹ, châu Âu và các nước phát triển khác. Còn tại Việt Nam, Saigonmarble là doanh nghiệp đầu tiên đưa vật liệu này vào sản xuất thiết bị nhà bếp, phòng tắm.
Tôi “gặp” composite từ cơ duyên một người anh họ đang sống ở Mỹ về Việt Nam làm việc. Anh thấy loại vật liệu này có tiềm năng trong ngành nội thất nên tư vấn cho tôi. Anh ấy cũng là người đưa đoàn kỹ sư người Mỹ về Việt Nam gặp tôi để chuyển giao công nghệ phát triển sản phẩm bằng vật liệu này. Thời điểm đó, tôi là một anh lính nghèo, chỉ quen với công việc làm công ăn lương. Thật may là tôi đã kịp nắm lấy thời cơ và chọn kinh doanh sản phẩm nội thất làm bằng composite và đá cẩm thạch nhân tạo (marble) là sự nghiệp để theo đuổi.
Vì sao ông tin rằng nội thất bằng composite sẽ phát triển tốt ở Việt Nam?
Thứ nhất, nội thất bằng composite đáp ứng tốt yêu cầu chất lượng với độ bền cao thông qua khả năng chống thấm tuyệt đối, không bị mối mọt xâm hại, hạn chế cháy và thân thiện với môi trường, độ bền màu cao. Công nghệ composite có độ cứng tương đương với kim loại nên có khả năng thích nghi tốt với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam nói chung và bốn mùa khắc nghiệt ở miền Bắc nói riêng. Vì vậy, chúng tôi luôn “ung dung” với thời hạn bảo hành sản phẩm đến năm năm vì thực tế, khách hàng hiếm khi phàn nàn về sản phẩm trong suốt thời gian bảo hành.
Thứ hai là khả năng uốn cong dễ dàng của loại vật liệu này, tạo điều kiện cho các nhà thiết kế sáng tạo ra những sản phẩm phong phú hình dạng, kích thước và phù hợp với những không gian sống hạn chế về diện tích. Thứ ba, bề mặt sản phẩm bằng composite có thể sáng bóng như ốp kiếng hoặc mịn như màu sơn mờ. Nếu khách hàng thích những vân giống gỗ thì chúng tôi có thể tạo vân trực tiếp bằng công nghệ phun màu trên khuôn hoặc ép nhiệt tấm laminate vân gỗ trên bề mặt.
Giai đoạn đầu phát triển của Saigonmarble chắc có nhiều thuận lợi, vì ông gần như là “độc hành” trên thị trường nội thất bằng composite?
Ngược lại, tôi đã trải qua giai đoạn đầu “trầy vi tróc vảy”, có những lúc khó khăn đến muốn bỏ nghề. Nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế chung, nhóm đồng hành phát triển doanh nghiệp bắt đầu tan rã, chỉ còn một mình tôi đối mặt với rất nhiều khó khăn về tài chính, công nhân, nhà máy… Tôi đã “vét” những đồng tiền cuối cùng để quyết tâm làm ra một chiếc lavabo bằng composite rất đẹp, nhưng sản phẩm bị thị trường “chê” vì lúc đó người ta chỉ biết đến sứ, gạch men chứ chưa biết đến composite…
Rồi ông đã thuyết phục thị trường thế nào, để sản phẩm của ông không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang cả Mỹ và Canada?
Nói thật, dù có muốn thuyết phục thị trường thì một người thiếu kinh nghiệm thương trường như tôi lúc đó cũng không biết gì về chiến lược marketing, phát triển thương hiệu… Cơ may đến khi một người Việt kiều đưa tôi bản vẽ rất thô sơ về bồn làm móng (nail) và đề nghị tôi làm. Sản phẩm bồn làm nail chúng tôi hoàn thành sau một tháng khiến người khách vô cùng hài lòng. Sau đó, tôi bắt đầu nhận những đơn hàng với số lượng lớn. Đến nay, thương hiệu Saigonmarble đã khá có tiếng trong cộng đồng người Việt ở Mỹ và Canada, chiếm gần 70% doanh thu của công ty.
Mỹ cũng là một thị trường hấp dẫn đối với sản phẩm trong ngành nail của Trung Quốc. Ông có e ngại sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc không?
Trong những năm kinh doanh, tôi hầu như không quan tâm đối thủ mà chỉ cố gắng làm sản phẩm của mình một cách tốt nhất. Dù sản phẩm của tôi có giá hơi cao nhưng khách hàng vẫn ưa chuộng vì tính thẩm mỹ và chất lượng sản phẩm. Các đại lý của chúng tôi ở nước ngoài cũng hiểu rõ rằng việc mua hàng Trung Quốc tuy giá rẻ hơn nhưng sẽ bị “hành” trong chuyện bảo hành về sau. Còn với thị trường trong nước, hầu hết khách hàng từng mua sản phẩm Saigonmarble đều trở thành bạn bè thân hữu của chúng tôi. Họ cũng trở thành kênh marketing hiệu quả nhất cho sản phẩm của chúng tôi trong 20 năm qua.
Có thể thấy sản phẩm bằng composite khá “bắt mắt”, nhưng giá cả có vẻ hơi cao so với người có thu nhập tầm trung…
Tôi hay nói vui rằng “Giá khẳng định chất lượng”, nếu xét trên chất lượng lâu bền của sản phẩm bằng composite thì chúng ta đang trả đúng giá cho một món đồ nội thất chất lượng. Hơn nữa, một chiếc tủ bếp hay tủ lavabo bằng composite với nét uốn lượn không thể làm bằng máy mà phải do chính tay các người thợ giỏi nghề thực hiện được. Chính vì vậy, với những người biết đánh giá đúng về sản phẩm nội thất, họ sẽ biết đầu tư đúng cho những sản phẩm vừa đẹp vừa tốt cho ngôi nhà của mình.
Có vẻ như ông khá lạc quan với sản phẩm và thị trường của nội thất composite?
Đúng vậy, tôi luôn tin rằng composite là vật liệu của tương lai. Vì khó có loại vật liệu nào đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của môi trường bằng loại vật liệu này. Tôi còn thấy phấn chấn hơn nữa vì sản phẩm này góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta.Thật hạnh phúc vì tôi đang thật sự mang lại giá trị cho cộng đồng. Nghề của tôi không chỉ tạo ra những sản phẩm nội thất đẹp, bền mà còn tạo ra một chuỗi giá trị cho người lao động. Vì một sản phẩm bồn làm nail là phương tiện để tạo công ăn việc làm cho nhiều người Việt sống ở nước ngoài.
Mặt khác, tôi nghĩ rằng người kinh doanh thành công không thể thiếu sự lạc quan và một chút lãng tử, phiêu bồng, nhất là trong những ngành liên quan đến thẩm mỹ như thiết kế, nội thất. Thêm vào đó là một niềm đam mê và sự kiên trì để có thể theo đuổi đến đích cuối cùng trên con đường mình lựa chọn.
Cảm ơn ông về những chia sẻ trên.
- Hình ảnh Terik Phạm và tư liệu của khách hàng
Xem thêm: