Trong bài toán tạo tiểu vùng khí hậu, chủ nhân đã dựa vào mặt hồ 18ha để xây cất cả khu resort, sử dụng nguồn nước khoáng hút lên từ độ sâu 150m cho nhiều hồ bơi trong nhà và ngoài trời, những hạng mục này đã kết hợp cùng mặt nước hồ tỏa hơi mát, giải nhiệt cho toàn bộ quần thể.
“Nắng Sơn Tây – mây Ba Vì”, câu thành ngữ truyền đời của người xứ Đoài hẳn nhiên đã gói gọn cả một trời nắng lửa Sơn Tây trong những ngày hè. Có sống lâu giữa đất đá ong trong suốt mấy tháng 4, 5 Âm lịch mới thấu hiểu thế nào là không khí như bị nung chảy rung rinh trước mắt, lá cây lặng ngắt và những bóng râm hiếm hoi cũng chỉ là nơi tạm trú chân chứ chẳng mấy mang lại chút hơi mát mẻ nào.
Vậy mà đầu óc tài hoa những kiến trúc sư đã linh động tạo ra cho toàn bộ khu nhà cổ của khu du lịch Tản Đà này một phương cách làm mát dịu từng phạm vi cục bộ, còn trên tổng thể, đành rằng không thể chống chọi lại cả bầu trời nắng như muốn ụp xuống mặt đất, song cũng duy trì được một tiểu khí hậu khá dễ chịu hơn so với bên ngoài. Những căn nhà sàn lớn dùng làm chức năng lễ tân hay nhà hàng, rặng nhãn um tùm và các lối đi chìm trong cây lá… vừa nhẹ nhàng, vừa giản dị mà rất hiệu quả. Nhất là khi đó là những căn nhà cổ vốn chỉ có thể mát âm nếu được lợp ngói âm dương hoặc nép dưới tán cây rậm rạp nào đó, còn tại khu du lịch này, nhà lợp ngói lá nem, xung quanh chỉ có vài cây thông, rặng nhãn che chở.
Tách ra khỏi quần thể chung, Xóm nhà cổ – tên gọi của khu nhà gỗ biệt lập chuyên dùng để khách lưu trú tại Tản Đà resort được dựng theo phong cách cổ xưa của một làng quê Bắc Bộ. Con đường lát gạch nghiêng có hàng giậu thấp, vườn rau lang và giếng thơi tưng bừng những đốm nắng xuyên qua giàn cây – Khung cảnh bên ngoài nhắc nhớ tới những ngôi làng trù phú mà yên tĩnh, có thầy đồ dạy học, có phú ông chứa gạo trong bồ – Và kế tiếp nhau là những ngôi nhà gỗ 3, 5, 7 gian được phục hồi gần như nguyên trạng… Một chút ngộ nghĩnh khi bản thân những ngôi nhà đó được gắn tấm biển “Nhà ông đồ”; “Nhà trung lưu”… như lời giới thiệu rõ ràng về quy mô và hình thái sinh hoạt trong nhà.
Cũng bộ tràng kỷ kê gian giữa, cũng hai bộ phản chạm trổ hai bên, tất cả không gian sinh hoạt đều được phân chia ước lệ bởi cột và vì kèo phía trên, song đương nhiên chủ nhân của khu resort đã sửa chữa sao cho phù hợp với chức năng nghỉ ngơi của khách hàng. Bài toán được giải quyết đơn giản bằng hệ tường gạch xây ngăn cách không gian, kết hợp với phương thức cửa gỗ có song tiện truyền thống. Nhằm tránh cái nóng gay gắt ngoài trời, bản thân mái ngói chưa đủ tạo mát, ở đây những cánh cửa lùa mặt tiền được liên thông với cửa sổ ngách và cửa chái, chúng tạo thành luồng hút gió khiến căn nhà lúc nào cũng thoáng, khác hẳn bầu không khí mát âm nhưng hơi ngột ngạt của nhà gỗ truyền thống vốn kín và ít lưu thông không khí.
Trong phòng ngủ đặt tại nơi vốn là chái nhà, bài toán tiện nghi được giải quyết đơn giản bằng máy lạnh, song vẫn tạo sự thông thoáng bằng cửa sổ trổ thủng vách bên hồi và khuôn cửa xây tròn nối ra gian chính. Bản thân khuôn cửa tròn này dường như không nằm trong hình thái kiến trúc Việt cổ, nhưng đặt vào đây có vẻ khá hợp lý bởi một chút chi tiết trang trí: Đèn lụa trên trần, đàn nguyệt và bình hoa khô bên vách… Tất nhiên các vật dụng của thời hiện đại như TV, tủ lạnh… cũng được giấu phía sau tầm nhìn, khuất sau khuôn cửa tròn để bối cảnh cổ kính chung không bị pha trộn quá nhiều. Nhà tắm cũng vậy, được sắp đặt trong phòng ngủ, xây dựng bằng vật liệu hiện đại, tiện nghi, song vẫn mang phảng phất hơi hướm hoài cổ ở bồn tắm gỗ sồi. Trong nhà phú ông, thiên nhiên còn tràn vào tận phòng tắm bởi cửa sổ trổ thẳng từ sàn nhìn ra vườn cây um tùm bên hông. Màu xanh của cây, của rau xanh được bài trí khéo léo nhằm hạ nhiệt không gian oi bức bên ngoài. Những nhánh rau lang trồng trong chậu bonsai ở gian chính, chúng thay thế cho hoa tươi mà vẫn khiến khách thích thú bởi vẻ tươi mát quê mùa và chất phác.
Trong bài toán tạo tiểu vùng khí hậu, theo đúng truyền thống dân gian, chủ nhân đã dựa vào mặt hồ 18ha để xây cất cả khu resort, đồng thời bên cạnh những công trình nhà cửa còn đầu tư khá nhiều vào bể bơi trong nhà và ngoài trời. Sử dụng nguồn nước khoáng hút lên từ độ sâu 150m, những hạng mục này đã kết hợp cùng mặt nước hồ tỏa hơi mát cho toàn bộ quần thể và giải nhiệt cho những vị khách đã vượt qua một quãng đường dài tới xứ nắng Sơn Tây.
- Ảnh Thái A