Nhà ở cổ truyền Việt – một sản phẩm sinh thái – lịch sử
Tổ chức không gian điển hình nhà ở Việt truyền thống: ngôi nhà + sân + vườn + ao, một cấu trúc sinh thái đặc trưng. Ngôi nhà chính bao gồm ba hoặc năm gian, nhiều khi thêm hai chái. Nhà là một không gian thống nhất, tạo điều kiện tối ưu cho không khí lưu thông, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng – ẩm. Hàng hiên và sân gạch là những nhân tố chuyển tiếp mềm, từ thiên nhiên vào nhà và ngược lại. Vườn không chỉ cung cấp rau quả, củi và vật liệu xây dựng; nó là phương tiện điều tiết khí hậu trong khuôn viên nhà. Ao là một phát minh kỳ lạ về mặt sinh thái của văn minh cư trú Việt: đào ao lấy đất đắp nền, lấy nơi thả bèo và thả cá, tắm giặt, thoát nước mưa, làm mát không khí.
Trong cấu tạo nhà ở Bắc Bộ và Nam Bộ có sự khác biệt: nhà ở phía Bắc có kết cấu bao che lưỡng tính, bởi nó phải vừa mở tối đa vào mùa hạ và lại vừa khép kín ở chừng mực có thể vào mùa đông. Trong khi đó, kết cấu bao che của nhà ở phía Nam lại mỏng manh, bổn phận của nó chỉ thuần túy che mưa chắn nắng và cản trở mắt nhìn của đồng loại.
Như vậy, không gian nhà Việt cổ truyền được triển khai theo sơ đồ khép. Cuộc sống cũng diễn ra theo sơ đồ khép. Đầu vào và đầu ra cùng một nơi. Mọi chất thải đều tiêu tan tại chỗ hoặc ngay trên cánh đồng làng. Kiến trúc hầu hết có nguồn gốc hữu cơ, không có móng, cũng tự xóa dấu vết. Thiên nhiên bị dùng cả ngàn vạn năm và trăm kiếp, ít bị suy xuyển.
Mô hình nhà ở cổ truyền ấy hầu như đã trôi tuột vào dĩ vãng, mới chỉ cách nay nửa thế kỷ.
Nhà ở hôm nay
Căn nhà ở hiện đại, tiện nghi tưởng như bội phần, lại đang đối mặt chính diện với những vấn đề sinh thái, những lo âu và tính toán sinh tử.
Thiên nhiên trong vòng một thế kỷ qua biến đổi một cách cơ bản. Tài nguyên cạn kiệt nhanh. Đất bị chiếm dụng tham lam và cảnh sắc thiên nhiên biến dạng. Các thông số cơ bản của khí hậu đã thay đổi. Sự cân bằng sinh thái đang bị phá vỡ.
Cơ thể những đô thị to nhỏ và những đô thị khổng lồ chiếm lĩnh vị trí từng có của không gian ở cổ truyền, tạo ra những hệ thống quan hệ không gian mới, những khái niệm tỷ lệ xích mới. Căn nhà ở – tổ ấm đánh mất vị trí, trở thành hạt nhân nhỏ bé, lọt thỏm trong những cơ thể đô thị siêu nhân – những cỗ máy mà bản thân con người không dễ bề chế ngự.
Ở thôn quê lan rộng nhanh mô hình nhà ống nhiều tầng, bưng bít khỏi trời đất. Cái quạt nan thay bằng cái quạt điện. Đến lúc nào đó, nó sẽ phải thay bằng cái máy điều hòa không khí.
Ở đô thị, dù là chung cư hay nhà chia lô, nhà ở đang trở thành những cái hộp khép kín, nhờ cậy chủ yếu vào các phương tiện máy móc hao tốn điện năng để tạo nên độ dễ chịu. Hội chứng “khách sạn 5 sao” đang lan sang nhà ở đô thị.
Các kiến trúc sư và những người làm nhà nói chung đang lãng quên dần hoặc không đoái hoài đến những ưu việt của thiên nhiên, những giải pháp và thủ pháp thông thường nhằm kéo thiên nhiên xích lại gần để tận hưởng nó. Họ thiết kế nhà ở mà quên mất địa chỉ của nó.
Thành ra, nhà ở lâm vào thế đối kháng toàn phần và quyết liệt với thiên nhiên. Song, càng đối kháng thì càng xuất hiện thêm những vấn đề phải chống trả. Thiên nhiên hóa thành con bạch tuộc trăm đầu.
Thời nay, xã hội và các cấu trúc dân cư phát triển theo sơ đồ mở. Ngược lại, ngôi nhà ở lại phát triển theo sơ đồ khép. Với căn nhà ở, sớm muộn rồi sẽ diễn ra cuộc khủng hoảng sinh thái.
Chúng ta bỏ ra hàng ngàn vạn tỉ để nhân tạo hóa tiện nghi sống. Vì sao chúng ta không bỏ ra một phần của số tiền siêu khổng lồ ấy cho việc thích ứng với thiên nhiên, sinh thái hóa nhà ở? Vì sao chúng ta không tiến hành cuộc vạn lý trường chinh để trở về với thiên nhiên? Chí ít, trong kiến trúc.
Nhà ở sinh thái – những ý tưởng
Xây dựng nhà ở sinh thái không chỉ phụ thuộc bởi các giải pháp kiến trúc và giải pháp kỹ thuật cho bản thân ngôi nhà, mà còn phụ thuộc nhiều hơn bởi những cục diện mang tính vĩ mô.
Trước hết, nhà ở sinh thái phụ thuộc vào thái độ của chúng ta đối với thiên nhiên.
Thái độ ứng xử với thiên nhiên về phương diện kiến trúc thể hiện ở những quan điểm mang tính chiến lược sau đây:
- Kiến trúc cộng sinh với thiên nhiên: Cần coi kiến trúc, hiểu theo nghĩa rộng, là tài nguyên thứ hai sau thiên nhiên; kiến trúc phải hòa đồng với thiên nhiên và cũng tồn tại bền vững với thiên nhiên, lấy sự thích ứng và ứng phó mềm làm phương châm trong ứng xử với thiên nhiên; đặt các hoạt động kiến trúc vào nhiệm vụ trọng đại là chữa trị và, ở mức độ có thể, hồi phục thiên nhiên.
- Kiến trúc giảm thiểu phí tổn năng lượng: Hạn chế tối đa việc sử dụng các phương tiện và thiết bị kỹ thuật tiêu tốn năng lượng điện, tận dụng tối đa các giải pháp và thủ pháp truyền thống trong tạo lập tiện nghi khí hậu; khai thác tối đa các nguồn năng lượng tự nhiên; hướng cuộc sống con người trở lại dần với các điều kiện tự nhiên.
- Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên: Sử dụng tài nguyên đất đai và sinh thái một cách dè xẻn, dành phần cho các thế hệ mai sau; hạn chế khai thác và cạn kiệt hóa các vật liệu và nguyên liệu tự nhiên; tăng cường khả năng tái sử dụng vật liệu; hạn chế tối đa việc “khai tử hóa” các vùng đất bởi sự biến chúng thành những bãi thải chất rắn, giết chết mọi sự sống.
Đồng thời, nhà ở sinh thái chỉ có thể mang tính khả thi khi các đô thị, các khu dân cư được cải tạo, được quy hoạch xây dựng theo những quan điểm và bài bản của kiến trúc sinh thái. Các hạt nhân nhà ở không thể nào cải thiện đáng kể các điều kiện tiện nghi khí hậu và tiện nghi sống trong một đô thị bị ô nhiễm, bị suy thoái về phương diện môi trường.
Trong quy hoạch các đô thị chúng ta thường chỉ chú trọng đến quy hoạch đất, quy hoạch đường và phố, hầu như không đả động đến quy hoạch thiên nhiên. Thiên nhiên được dành phần ở dạng những phần trăm diện tích đất không xây dựng, mà ít đoái hoài đến những tiềm năng về cảnh quan, về diện mạo hoặc về các phương diện khác.
Chúng ta xây dựng các kế hoạch và quy hoạch cải tạo, hiện đại hóa các đô thị, song trong những nội dung ấy ít thấy đề cập tới việc hồi phục quỹ thiên nhiên – cảnh quan.
Đã đến lúc chúng ta phải giương cao khẩu hiệu: “Về với và sống cùng với thiên nhiên”.
– Hướng ra và mở tối đa vào thiên nhiên.
– Sử dụng đất hết sức tiết kiệm, bằng mọi cách giữ lại nhiều đất không bị chiếm cứ bởi xây dựng. Hãy để cho đất thở.
– Không gian của ngôi nhà phải là không gian thống nhất, không bị chia xé vụn, tránh những diện tích thiếu ánh sáng tự nhiên và không khí ít lưu thông.
– Sử dụng nhiều các vật liệu có xuất xứ tự nhiên, đặc biệt vật liệu địa phương, vật liệu có khả năng thở.
– Kéo gần trời đất và thiên nhiên vào nhà, bằng việc thiết kế lôgia, bancông, hàng hiên, mái che; bằng việc bố trí cây xanh ở mọi nơi có thể; biến mái nhà thành vườn cây cỏ. Trồng cây cỏ, mở diện nước ở mọi nơi có thể.
– Tận dụng tối đa gió tự nhiên, kích thích sự lưu thông của không khí; tăng cường sử dụng ánh sáng tự nhiên.
– Hạn chế bằng mọi cách việc sử dụng các phương tiện và thiết bị tạo tiện nghi khí hậu và tiện nghi sống nhân tạo, vừa tiêu tốn điện năng, vừa làm cho con người giảm sự thích ứng với thiên nhiên.
– Ưu tiên tối đa cho việc sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên, như năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
– Kết hợp thông minh các chu trình mở và chu trình khép kín trong một căn nhà ở.
– Nhà ở sinh thái phải là nhà hô hấp.
Tóm lại, để tạo dựng nên mô hình nhà ở sinh thái, chúng ta cần làm ba việc:
– Ngoái nhìn lại dĩ vãng xây dựng để học hỏi.
– Thấu hiểu thiên nhiên để tôn trọng, để đến với nó và hạn chế mọi thách thức đối với nó.
– Không được ỷ lại vào máy móc và công nghệ. Con người, thông minh và tài giỏi đến mấy đi chăng nữa, vẫn là một sinh vật.
- Ảnh Hồ Xuân Bổn, Trọng Nhân