Bộ sưu tập Phillips (The Phillips Collection) ở Washington, D.C. là nơi lưu giữ và trưng bày thường xuyên khoảng gần 3.000 tác phẩm của các họa sĩ Mỹ và châu Âu, chủ yếu tranh thời kỳ Ấn tượng và hiện đại. Được coi là bộ sưu tập tư nhân hàng đầu thế giới, bảo tàng The Phillips Collection còn là bảo tàng mỹ thuật hiện đại đầu tiên ở Mỹ, mở cửa đón khách tham quan từ năm 1921. Đặc biệt, trong sưu tập tác phẩm vô giá này có tranh của một họa sĩ Việt Nam.
Những người yêu thích nghệ thuật khi có dịp đến với thủ đô nước Mỹ thường đến các bảo tàng mỹ thuật thuộc hệ thống bảo tàng quốc gia Smithsonian, nhưng sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua bộ sưu tập Phillips được trưng bày tại một dinh thự cổ kính và tuyệt đẹp, xây dựng vào năm 1897 theo phong cách kiến trúc Tân cổ điển. Bên trong tòa nhà rộng hàng ngàn mét vuông trên đại lộ thứ 21 này là tác phẩm của những tên tuổi lớn của hội họa châu Âu như El Greco, Honoré Daumier, Gustave Courbet, Pierre Bonnard, Claude Monet, Paul Cézanne, Édouard Manet, Édouard Vuillard, Edgar Degas, Vincent van Gogh, Georges Braque, Jacques Villon, Paul Klee, Henri Matisse, Joan Miro, Pablo Picasso… Năm 1923, bộ sưu tập được bổ sung bức Bữa trưa trên thuyền của Pierre-Auguste Renoir, một trong vài tác phẩm được coi là đặc sắc nhất của bảo tàng. Các họa sĩ Mỹ có tác phẩm tại bảo tàng là Winslow Homer, James McNeill Whistler, Thomas Eakins, Maurice Prendergast, Augustus Vincent Tack, Albert Pinkham Ryder, Georgia O’Keeffe, Mark Rothko, Jacob Lawrence, Arthur Dove…
Bộ sưu tập Phillips được hình thành bởi đôi vợ chồng Duncan và Marjorie Acker Phillips. Ông Duncan Phillips (1886-1966) còn là người giữ một vai trò quan trọng trong việc giới thiệu các tác giả Mỹ với thế giới mỹ thuật hiện đại. Sinh ra ở Pittsburgh (bang Pennsylvania), Duncan Phillips là cháu ngoại của doanh nhân James H. Laughlin, chủ nhà băng và là người đồng sáng lập Công ty thép Jones and Laughlin. Năm 1895, Duncan Phillips cùng gia đình chuyển tới Washington, D.C. và tại đây ông đã cùng thân mẫu xây dựng một không gian mỹ thuật gia đình nhằm tưởng nhớ cha ông là Duncan Clinch Phillips (1838-1917), một triệu phú kinh doanh vật liệu kính xây dựng và chú ruột ông là James Laughlin Phillips (1884-1918). Đó là tiền đề của bộ sưu tập Phillips đồ sộ sau này.
Không nối nghiệp cha ông làm nghề kinh doanh, Duncan Phillips trở thành một nhà phê bình mỹ thuật và với sự hiểu biết của mình trong lĩnh vực này ông đã mở rộng bộ sưu tập gia đình hết sức ngoạn mục. Khi số tác phẩm đã lên đến 600 và trước nhu cầu ngày càng lớn của khách tham quan, gia đình ông phải chuyển đến sống nơi khác để dành trọn tòa nhà trên đại lộ thứ 21 làm bảo tàng. Với trợ thủ đắc lực là người bạn đời Marjorie Acker, ông phát triển bộ sưu tập gia đình theo hướng “một bảo tàng về nghệ thuật hiện đại và các cội nguồn của nó” với niềm tin mạnh mẽ rằng có một sự tiếp nối từ các nghệ sĩ hiện đại với các bậc tiền bối mà họ chịu ảnh hưởng. Chính từ quan điểm đó, ông đã sưu tầm tác phẩm của nhiều họa sĩ châu Âu mà vào thời bấy giờ còn bị chỉ trích ở Mỹ vì sự cách tân của họ, kể cả những bậc thầy như El Greco, Jean-Baptiste-Siméon Chardin, Francisco Goya và nhiều người khác. Không chỉ sưu tập tranh của những tác giả nổi tiếng, Duncan Phillips còn mua tác phẩm của những họa sĩ chưa được đánh giá đúng mức, thậm chí còn vô danh lúc bấy giờ như John Marin, Georgia O’Keeffe, Arthur Dove, Nicolas de Staël, Milton Avery, Betty Lane và Augustus Vincent Tack. Nhờ ông mà họ có cơ hội tiếp tục vẽ, để lại cho đời nhiều kiệt tác.
Con trai Duncan Phillips là Laughlin Phillips (1924-2010). Thời trẻ, khi Thế chiến II bùng nổ, Laughlin Phillips nhập ngũ rồi trở thành một nhà phân tích thông tin tình báo quân sự. Nhờ đó ông có dịp đến Sài Gòn và tại đây ông đã quen biết với một họa sĩ Việt Nam là Võ Lăng. Năm 1965, ông và một người bạn thời chiến tranh thành lập tạp chí Washingtonian. Năm 1966 Duncan Phillips qua đời, Laughlin Phillips nối tiếp sự nghiệp của cha, trở thành chủ tịch hội đồng quản trị bảo tàng và dành hết cuộc đời mình cho sự phát triển của bộ sưu tập Phillips. Khi bổ sung bộ sưu tập này, ông không quên người bạn họa sĩ Võ Lăng và đây là tên tuổi Việt Nam duy nhất có trong bảo tàng tư nhân danh giá này.
Họa sĩ Võ Lăng sinh năm 1921 tại Huế, là con thứ hai trong gia đình có bốn anh em trai. Ông là sinh viên khóa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội (khóa 1942-1945), từng đoạt giải thưởng lớn về mỹ thuật Đông Dương (Grand Prix du Salon Unique d’Indochine) năm 1943 và đoạt giải thưởng bạc của thành phố Paris. Năm 1949 ông sang định cư tại Pháp, sống ở đó cho đến khi qua đời năm 2005. Tranh ông từng được triển lãm tại Paris và khắp nước Pháp cũng như tại nhiều thành phố ở Mỹ, Nhật, Úc, Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hongkong, Malaysia và nhiều nước châu Phi. Là một trong số các họa sĩ sáng tác nhiều và liên tục nhất, trong suốt sáu thập niên cầm cọ Võ Lăng đã để lại một kho tàng khoảng 3.000 bức tranh, khá nhiều trong số đó hiện thuộc sưu tập của các bảo tàng và các sưu tập tư nhân danh tiếng, như sưu tập của nhà hoạt động sân khấu và điện ảnh lừng danh Otto Preminger và của các ngôi sao Hollywood như Gene Kelly, Fred Astaire, Burt Lancaster… Nhà Christie’s và nhà Sotheby’s từng đưa tranh Võ Lăng lên sàn đấu giá.
Có một sự kiện đáng nhớ là vào đầu năm 2014, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã được hiến tặng bảy tác phẩm do Võ Lăng sáng tác trong thập niên 1950. Những đứa con tinh thần của họa sĩ đã được trở về cố hương – “lá rụng về cội” như lời cụ bà Tri Cầm, người bạn đời của Võ Lăng phát biểu trong dịp này.
Bức Đôi bồ câu đưa thư được Võ Lăng tặng cho Laughlin Phillips năm 1967 với lời ghi sau bức tranh “Tặng bạn thân Laughlin Phillips, Washington ngày 15-11-1967. Đôi bồ câu nghỉ ngơi khi đưa thư đến tạp chí Washingtonian. Mong đôi chim bồ câu mang đến cho bạn Phillips của chúng tôi và toàn thế giới thông điệp về hòa bình và hạnh phúc”, Volang.