Cậu con lớn nhà tôi nói: “Ba vào nhìn cái tủ thuốc của má xem. Không những chật tủ, còn chất cao lên đến gần… trần nhà!”.
Còn bà xã tôi thì kể tội: “Nó cứ luôn mắc bệnh thu dọn. Hôm trước mình đi vắng, nó lén làm cuộc “cách mạng” dọn cái tủ thuốc, vứt đi một mớ. Lúc về, hỏi cái lọ ngâm cao hổ cốt ở đây đâu rồi, nó mới tá hỏa rằng “con thấy đen đen, bẩn bẩn nên đã… vứt đi rồi!”, thiệt tình, cả triệu bạc của mình, nhờ mãi mới mua được lạng cao thật!”.
Cậu con tôi lý sự cho má nó đỡ tiếc: “Không có cao thật đâu má! Lấy đâu ra lắm cọp thế, họ nấu xương chó xương mèo đó thôi”.
Đến hôm đi sinh hoạt cơ quan về, bà xã tôi lại nói: “Em nghe anh trưởng phòng nói có loại thực phẩm chức năng cho người huyết áp tim mạch tốt lắm. Để rồi đi mua về uống xem”.
Cậu con nhắc ngay: “Có phải cái bác ngày xưa phổ biến cho má uống loại lá đắng không, nhà chất đầy lá lẩu. Sau nghe báo phân tích trong lá đó có cả chất độc hại, nhà mình phải đem vứt đi cả bịch đó!”.
Rồi ông con trai bình luận: “Nhiều người trí thức hiểu biết thuộc loại cao cấp, vậy mà ai nói gì là tin sái cổ làm theo. U mê chẳng khác gì mấy ông bà thầy bói thầy cúng. Chỉ có nuôi béo mấy ông lang vườn và thầy Tàu quảng cáo từ Trung Quốc sang chữa bệnh”.
Bà xã tôi đáp lại: “Con nói thì đúng về hiện tượng, nhưng con có hiểu vì sao lại như thế? Các hành vi mê tín dị đoan có đất sống, là vì con người không làm chủ được tự nhiên, xã hội và bản thân mình. Họ phải tin vào năng lực siêu nhiên là thánh thần, ma quỷ. Đó là do không giải thích được nên đành trông cậy vào pháp thuật linh thiêng. Thế con có bao giờ hỏi: Vì sao má lại “tẩu hỏa nhập ma” như vậy? Là bởi vì má có bệnh, mà nền y học thì chẳng giúp gì cho má được bao nhiêu!”.
Cậu con cãi lại: “Nền y học ngày càng tiên tiến, bao nhiêu giải Nobel cho các phát minh…”. Má nó cướp lời: “Vậy mà họ đâu có chữa được bệnh? Này nhé: Ung thư? Chịu! HIV? Chịu! Tim mạch, tiểu đường? Chịu! Dạ dày cũng chịu nốt! Chỉ cầm cự suốt đời với thuốc rồi chết, không khỏi được. Mà còn hành hạ con người cho đến tận cùng, thiếu gì người vào ra bệnh viện, tốn kém hãi hùng, đau đớn mổ xẻ, rồi mới chết đi được”.
Trời! Các bạn có tin không, những lời nói đó là của một người sinh ra bác sĩ đấy! Là vì cậu con trai tôi đang học y khoa, vậy mà má nó nghĩ như vậy.
- Xem thêm: Đồ… “não cá vàng”
Bà xã tôi chứng minh việc bất lực của y tế, mà luận cứ của bả là: Chúng ta đang sống một cuộc sống bị… y khoa hóa!
Này nhé, cứ mở các tờ báo ra coi, thế nào cũng có vài trang sức khỏe cho đủ các loại thầy thuốc viết. Có nhiều bài giúp ích cho bạn đọc hiểu biết khoa học và giữ gìn sức khỏe.
Nhưng thỉnh thoảng cũng có ông do phải mềm hóa các kiến thức, cho dễ hiểu nên đã dùng từ ngữ uốn éo nói xa nói xôi, lắm lúc lại đâm ra khó hiểu hơn. Mà có vẻ… tán nhảm hơn, đọc rất khó chịu.
Rồi các ông ấy toàn đổ tội cho người bệnh theo kiểu: không đau mới lạ! Ý nói các vị đau ốm là phải rồi, là đáng đời các vị! Ai biểu các vị… ngu!
Đọc mà tức anh ách. Ung thư không có gì đáng sợ, chỉ cần phát hiện sớm. Đừng có nghe thầy này thầy nọ chạy khắp nơi, khi tới được chỗ đúng thì muộn rồi!
Các vị ấy không thấy đó là lỗi của ngành y tế, là bởi chính hệ thống y tế không phát hiện ra. Người bệnh đã đi khám khắp nơi không ai chữa được, họ mới chạy đến cả các thầy lang bịp, là vì họ cùng đường rồi.
Chứ ai chẳng muốn tìm được đúng thầy đúng thuốc. Các vị chẳng nói đó thôi: Phước chủ may thầy. Các vị cũng may rủi chứ có bảo đảm được gì đâu…
Thôi tôi phải ngừng, vì nếu cứ ghi âm đủ lời bà xã thì bức tranh sáng sủa của ngành y sẽ bị bả bôi đen mất.
Những luận điểm ấy chắc cậu con bác sĩ của tôi dư sức phản bác, nhưng nó không cãi, là vì sợ má nó… lên tăng xông, chẳng ích gì. Cứ để cho má nó xả stress.
Tôi lựa lúc có hai cha con với nhau, bèn an ủi: “Con ạ, má ngày càng điên nặng, đừng chấp bả!”. (Tôi sợ con mình bỏ học y khoa, vì có lúc nghe nó nói mê nghề công nghệ thông tin). Không ngờ cậu con tôi nói: “Má nói cũng có nhiều cái đúng đó ba. Y khoa đang bị lợi dụng. Ba không thấy người ta nói sao? Dịch cúm cũng là thổi phồng để bán thuốc. Các hãng dược khổng lồ của thế giới là nơi cung cấp tiền cho các nghiên cứu y khoa. Nếu chẳng may kết quả thí nghiệm lại bất lợi cho hãng dược thì họ đâu dám công bố. Họ bóp méo, che giấu để bán thuốc, để bảo vệ lợi ích kinh doanh, hy sinh lợi ích khách hàng. Họ y khoa hóa đời sống để bán thuốc…”.
- Xem thêm: Ném đá nhà vệ sinh?
Phải chăng vì vậy mà suốt ngày nghe đầy tai những bài PR cho thuốc? Nào là tin vui cho người bệnh tiểu đường, nào là từ nay không còn sợ mề đay mẩn ngứa…
Nhưng cuộc sống vẫn phải tiến lên. Cho nên nhà nào cũng có một đống thuốc, phải luôn luôn lọc bỏ những thuốc để lâu ngày… Đó là một thói quen của lối sống mới.