? Nhà tôi sắp xây mới vào đầu năm 2016, từ hai căn chiều rộng 4m ghép lại; tôi muốn tìm hiểu cách xử lý cột về mặt phong thủy sao cho không vướng giữa nhà, và cách đóng trần sao cho che dầm mà không thấp nhà và lãng phí quá, nhờ quý báo giải đáp giúp.
Lâm Vũ Khánh, đường số 9, cư xá Bình Thới, quận 11, TP.HCM
Do trường khí mọi ngôi nhà được hình thành và phát triển từ các thành phần cơ bản thường được gọi là phần khung xương, nên cần quan tâm yếu tố này từ khi mới hình thành ý tưởng ban đầu. Song có khi những yếu tố nhỏ như một vách ngăn hợp lý, một cây cột khéo che giấu… cũng có thể giúp nhà đẹp và an lành hơn về mặt sử dụng. Những góc nhỏ này có thể lúc mới xây không nhìn thấy, lúc vào ở mới nhận ra.
Kết cấu ngôi nhà Việt Nam đều dựa vào bộ khung dù là xây dựng kiểu truyền thống (nhà khung gỗ) hay kiểu hiện đại (khung bê tông). Kết cấu này phù hợp với các đặc điểm địa chất, kỹ thuật và không gian sử dụng, đồng thời cũng đòi hỏi việc bố trí nội – ngoại thất của ngôi nhà cần lưu ý đến bộ khung đó, tránh để những chi tiết kết cấu ảnh hưởng đến trường khí chung.
Trước tiên là hệ thống cột. Chẳng ai muốn có một cây cột nằm ngay giữa nhà, nhưng tình trạng này vẫn có thể xảy ra trong thiết kế, nhất là đối với nhà có chiều ngang rộng. Những ngôi nhà có kiến trúc thuộc địa (còn gọi là “nhà Tây”) có rất nhiều cột nhưng cột không bao giờ nằm giữa nhà mà luôn “giãn biên” một cách cân đối, hoặc lẫn vào tường, hoặc kết hợp vách hay vòm trang trí. Khi xây nhà mới, gia chủ cần lưu tâm xem có cây cột nào gây “nghẽn mạch” trong nhà mình để khắc phục ngay từ giai đoạn thiết kế, bằng cách cho cột “trốn” vào tường, bo tròn cột hoặc thay vì làm một cột thì lại tách ra làm hai để có thể bố trí lối đi ở giữa, kết hợp cột làm tủ trang trí… Nếu mua nhà xây sẵn đã có cột án ngữ mà sửa lại thì biện pháp khắc phục chủ yếu là dùng đồ nội thất để “xóa” cột như tạo các vách ngăn lửng, hoặc làm tủ bọc cột vào trong.
Cột thường đi cùng với đà (dầm) hình thành nên bộ khung, thậm chí những đà phụ tạo nên nhiều ô chia cắt bên dưới sàn mà nếu không khéo xử lý sẽ tạo nên những vùng không gian bị tù đọng khí xấu (bụi, mạng nhện…) do các dầm chia ô và giao nhau tạo ra, gây cảm giác “lơ lửng” bất an trên đầu người sử dụng.
Những vị trí như cửa ra vào, hộp che cửa cuốn hay đà viền trên gác lửng cũng là những tiểu tiết gây khó chịu trong quá trình sử dụng nếu không khéo xử lý ngay từ phần thiết kế và xây thô. Ví dụ như nhà có tầng lửng thì phần dầm đà ngoài mép lửng nên lật lên trên để phía dưới đi vào không bị cảm giác vướng và không gian tiếp khách không bị “đè” xuống. Không phải vô cớ mà các khách sạn, văn phòng thường chọn giải pháp đóng trần toàn bộ để vừa tránh các tác động của dầm đà vừa dễ dàng tạo nên vẻ đẹp nội thất, tiện đi hệ thống kỹ thuật trên trần. Tuy nhiên trong điều kiện khí hậu Việt Nam, cộng với tập quán sinh hoạt và khả năng đầu tư của người dân thì không phải gia đình nào cũng muốn đóng trần toàn bộ. Do đó, gia chủ nên đề xuất tính toán hợp lý từ “phần cứng” ngay từ đầu để các nhà chuyên môn “chạy dầm đà” sao cho gọn và khéo vẫn tốt hơn.