Cầu thang, chỉ là trục giao thông cho một công trình, có gì đâu để gọi là “sống cùng”, lại còn phải “xoay quanh”? Vậy mà ở ngôi nhà nhỏ này, ý tứ và mọi thứ dường như xoay quanh cái cầu thang và khi công trình hoàn thành thì cũng định hình luôn một đời sống xoay quanh nó.
Ngôi nhà nằm trong một con hẻm nhỏ, diện tích mặt bằng rất giới hạn: tổng cộng chỉ khoảng 35m², mở cửa ra thì ba nên bốn mặt đều là nhà của láng giềng. Nếu lựa chọn theo cách thông thường, cứ xây lên tầng và mở cửa vào phòng, không chừa các khoảng không thì chủ nhà chẳng còn chỗ để thở.
“Chúng tôi gợi ý một cái nhà mà ở đó mọi người có thể giao tiếp được với nhau giữa các tầng, xoay quanh cái cầu thang. Cầu thang vừa là trục lưu thông, vừa là không gian công cộng, sinh hoạt chung…, cũng là nơi cung cấp nguồn sáng tự nhiên cho những không gian còn lại… Do vậy phương án đề xuất là dành một phần diện tích đến 16m² cho cầu thang và khoảng thông tầng”. Tất nhiên, phải mất một thời gian dài để thuyết phục chủ đầu tư, bởi hình như mọi người đều nhận thấy việc dành gần một nửa tổng diện tích của ngôi nhà (16m2/35m²) cho khoảng thông tầng là phí phạm.
“Ai cũng muốn những không gian rộng, song nếu thu hẹp khoảng thông tầng thì các không gian còn lại cũng không rộng thêm được bao nhiêu; quan trọng là làm sao cho ngôi nhà trở nên rộng rãi trong cảm giác của mình: có không gian trong, ngoài, có giếng trời…” – Những lý lẽ của người thiết kế đã thuyết phục được chủ đầu tư. Nữ chủ nhân theo sát quá trình thi công và chị thay nhóm thiết kế quyết định nhiều việc. Chị là một người học về thiết kế thời trang, thích những không gian sạch sẽ, trong trẻo và dường như người ta cũng nhận ra điều ấy ở ngôi nhà này.
Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà là một khối tương phản với mặt tiền phía dưới tối màu để làm nổi lên cái vòm bằng nhựa polycarbonate phía trên. Các không gian bên trong đều xoay quanh cầu thang và khoảng thông tầng, chan hòa ánh sáng. Màu sắc và vật liệu toát lên vẻ thô mộc, nhẹ nhàng: gạch trần sơn trắng, cầu thang sắt với các bậc thang bằng gỗ…
Một chi tiết nhỏ nhưng thể hiện sự kỹ lưỡng của nhóm thiết kế, đó là việc lựa chọn vật liệu đá mài. Phải thực hiện đến 40 mẫu khác nhau. Họ thử nghiệm mỗi ngày, tự pha màu, trộn đá, mài… để có các lựa chọn ưng ý cho những hạng mục sàn, khối vệ sinh… sao cho khi phối lại thì tạo ra cảm giác có nhiều không gian khác nhau.
Nhà phố đô thị, đặc biệt là với những diện tích nhỏ, người ta hay có xu hướng tận dụng từng mét vuông cho các không gian chức năng cần thiết. Với chủ đầu tư ngôi nhà này, khi chấp nhận dành nhiều diện tích hơn cho khoảng thông tầng, ngôi nhà đã có một diện mạo khác, đồng thời đời sống bên trong nó cũng trở nên khác biệt, tương tác và giao lưu nhiều hơn.
Thiết kế: atelier.tho.A
26/5 quốc lộ 20, Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng
Phòng 09, lầu 1, 284-286 Nguyễn Công Trứ, P. Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM
ĐT: 0986878857 – 0974789040
Hình ảnh: Quang Trần
- Xem thêm: Giá trị của khoảng thông tầng