Gia đình chúng tôi sắp xây nhà mới dù nhà không lớn, trước mắt chỉ xây một lầu nhưng chúng tôi rất quan tâm đến phần khung nhà; đề nghị Nội Thất cho chúng tôi biết những gì cần quan tâm khi xây phần quan trọng đó của ngôi nhà?
Nguyễn Văn (Tiền Giang)
Về mặt kết cấu, một ngôi nhà gồm có các thành phần chính là: hệ kết cấu móng giúp ổn định cho toàn bộ ngôi nhà (nằm trong đất), cột nhà để truyền lực xuống móng, dầm (đà) dùng để kết nối và truyền lực xuống các đầu cột, bản sàn được đổ gối lên các hệ dầm tạo ra diện tích sàn phát triển theo chiều cao và nối giữa các sàn là cầu thang. Các thành phần đó còn gọi là hệ khung nhà. Khung nhà được hiểu là bao gồm toàn bộ hệ khung kết cấu bê tông cốt thép và hệ thống tường bao, tường ngăn chia của ngôi nhà, với các chủng loại vật liệu phổ biến như bêtông (cát + đá + xi măng), cốt thép, vữa (cát + xi măng) và gạch đất nung.
Các công việc chính khi thi công xây dựng cấu kiện phần khung nhà gồm: đan thép, ghép cốp-pha, đổ và đầm bê tông, chờ bê tông ngưng kết, rút cốp-pha, xây tường bằng gạch. Trong quá trình thi công giai đoạn này, gia chủ cần lưu ý với nhà thầu một số điểm chính như sau:
– Việc đan thép phải theo đúng chỉ định của bản vẽ kết cấu, đúng chủng loại và độ dài của các cấu kiện thép theo quy định. Tránh giẫm lên các kết cấu thép trong khi đan khiến xô lệch thép, làm giảm sức chịu tải. Khi tiến hành đổ bê tông, nên thả ván lên trên kết cấu để công nhân di chuyển, tránh làm xô lệch thép đan.
– Việc ghép cốp-pha cần thực hiện theo đúng quy chuẩn xây dựng, gỗ cốp-pha không được lựa chọn loại quá kém phẩm chất, khiến có thể bị bục vỡ trong quá trình đổ đầm bê tông. Các cốp-pha cần được kết nối thật chặt và gọn gàng.
– Hệ dàn giáo chống đỡ đảm bảo an toàn phải được dựng trên mặt đất chắc chắn, các tấm đế gối dùng để dựng dàn giáo phải bằng phẳng, để việc lắp dựng được chắc chắn, thăng bằng. Khi tầng đầu tiên của bộ dàn giáo được lắp đựng đạt yêu cầu mới lắp tầng tiếp theo. Tất cả những tầng tiếp theo không yêu cầu bằng phẳng hơn tầng 1. Đặt các kích chân trên dầm gỗ phẳng và điều chỉnh theo độ cao yêu cầu, lắp các thành phần của khung đứng vào kích chân. Sau đó đặt các giằng chéo góc qua các khung dàn giáo kế cận để liên kết thành một bộ hoàn chỉnh. Khi lắp dàn giáo lên nhiều tầng, để tránh lật đổ phải neo giữ dàn giáo theo quy cách cứ cách ba khung thì neo giữ một lần. Đặt lên tầng trên cùng sàn thao tác theo đúng khe nối, đảm bảo không xô lệch gây mất an toàn khi thao tác.
– Việc đổ đầm bê tông có thể thực hiện thủ công bằng máy trộn bê tông, ngoài ra cũng có thể thực hiện bằng xe trộn bê tông chuyên dụng (bê tông tươi), bơm bê tông bằng vòi bơm. Quá trình trộn cần lưu ý đúng tỷ lệ giữa cốt liệu và chất kết dính, sao cho hỗn hợp bê tông đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Khi đầm bê tông bằng máy rung phải đầm đều tay, không được bỏ sót bất kỳ vị trí nào của cấu kiện.
– Phải đảm bảo thời gian để cấu kiện bê tông đạt độ cứng cho phép thì mới rút cốp-pha, không nên vì tiến độ gấp gáp mà rút cốp-pha sớm, có thể gây ra tai nạn sập bê tông.
– Khi xây tường cần quan tâm sao cho tường được xây thẳng, mạch đều. Trong quá trình xây cần liên tục kiểm tra độ thẳng bằng quả dọi. Vữa xây cần trộn đúng tỷ lệ, đảm bảo độ kết dính và chống nước thẩm thấu qua. Khối xây phải vững chắc, thành một khối hoàn chỉnh, các viên gạch phải được gắn thật chặt với nhau, không còn khe hở hay có thể bong rời ra được. Trong khi xây, không được chèn nhiều gạch vỡ, gạch vụn, nhất là ở những bộ phận chịu sức nén nhiều, nếu chèn nhiều thì phải tăng vữa nhiều, khối xây sẽ yếu đi. Các viên gạch cần nhúng nước, rửa sạch bụi bặm, đất, cát trước khi xây để bảo đảm chúng bám chặt vào vữa và gắn chắc với nhau.
812 Quang Trung, P.8, Q. Gò Vấp, TP.HCM. ĐT: 0903927300
Website: http://www.thietketamda.com