Bà xã tôi vốn là một nhà báo. Điều này rất “khó chịu” vì bả mắc bệnh nghề nghiệp: hay hỏi và chuyện gì cũng lật đi lật lại, “nói ngược”, nhiều khi vợ chồng tranh luận. Ảnh hưởng ngay tới đứa con. Nó cũng hay lý sự.
Một hôm cô ấy cầm tờ báo chỉ cho tôi: “Anh đọc bài bày đi. Giống anh lắm đó”. Sao giống tôi được nhỉ, khi cái bài cô ấy chỉ, lại là lời phát biểu của một ông bộ trưởng ở mãi bên Tàu.
Tôi đọc mãi chỉ thấy ông ta nói những câu chỉ đạo chung chung, nào là con người trong xã hội luôn có quyền được biết thông tin kịp thời, do đó nhà báo phải cung cấp chính xác, phải tuyên truyền chủ trương chính sách vân vân… “y như bên ta, có gì đặc biệt đâu.
Nói thế này thì… anh cũng nói được”. Tôi càu nhàu. Lập tức cô ấy chỉ ngay vào mấy chữ tôi không để ý: “Đây này, nhà báo chỉ tuyên truyền chính sách và cung cấp thông tin chính thống về sự kiện!
Anh không thấy là ông ta đòi nhà báo phải nói chính thống thôi, nói theo lãnh đạo thôi, trong khi đó thông tin chính thống là thứ các nguồn tin, cơ quan, họ nói cho nhà báo những gì hợp với chủ trương của họ.
Vậy là một chiều, không có phản biện. Mà nhà báo là phải tiếp cận thông tin nhiều chiều, phản ánh toàn vẹn sự kiện cho người đọc biết.
Anh không thấy giống anh sao? Anh cũng luôn bắt con anh lúc nào cũng phải “chính thống” theo ý anh. Hễ nó bình luận, nói ngược là anh cho rằng “con cái bây giờ phức tạp. Nó không trong sáng như tuổi mình ngày xưa”.
- Xem thêm: Trả lời trong… khủng hoảng truyền thông
Thằng con tôi nói: “Ông thầy bị trò tạt axit… cũng đáng đời!”. Thế có chết không, trong khi cả xã hội đang sôi lên phê phán sự suy tàn của đạo đức, các trang báo đầy lời bình luận về quan hệ thầy trò, và pháp luật đang ra tay trừng trị. Thế mà nó dám nói câu xanh rờn. Sao dám ăn nói thế?.
Nó nói: “Ừ thì đành rằng cái thằng học trò mất dạy (mà nó mất dạy thế, nền giáo dục có tội không?), nhưng thử hỏi con cái người ta đi học khổ sở, mà thi cử sao ông thầy đánh trượt học trò tới bốn lần, chẳng lẽ không có gì để suy nghĩ sao?”.
Tôi mắng liền: “Thế là ông thầy nghiêm, đòi chất lượng thật sự, dốt lười thì không cho qua. Thế mới là sư phạm. Như mày ấy, tao mà là thầy giáo thì học hành kiểu cúp cua thì tao cho trượt tất cả các môn!”.
Nó “xì”: “Muốn chất lượng thì phải ngay từ cấp dưới. Mà thằng đó thi bốn lần môn Anh văn không đậu chứng tỏ nó không học được cái thứ tiếng Tây tiếng U ấy, hoặc là ông thầy ghét nó mà cố tình không cho qua. Thường thì thầy cô khuyên nó, giúp nó học hoặc cho nó qua. Thương học trò, không có ai đánh trượt tới bốn lần như thế!”.
Đấy, nó lý sự kiểu đó sao tôi không nổi nóng. Tôi quát ầm ầm, và lập tức thống kê các tội của nó như: lười việc nhà, bỏ học, quần áo sách vở vứt lung tung, dí mắt vào cái vi tính…
Đã thế, bà xã nhà báo còn bảo tôi: “Anh vừa thôi. Chuyện gì ra chuyến nấy…”. Tôi điên tiết: “Còn cô nữa. Được cả mẹ lẫn con. Chính cô cưng chiều nó, cho nó tiền tiêu hoang phí. Hay nói ngược lời tôi mắng nó, giáo dục nó, nên mới không có kết quả gì!”.
Cô ấy nói: “ Thì anh có hơn gì nào, cũng ôm cái vi tính chơi cờ trên mạng ngồi thâu đêm… Anh giống cái ông lãnh đạo kia không thích nghe phản biện, chỉ thích người ta nói theo chính thống cho hay ho, khỏi mệt, khỏi đụng đến những sai trái của mình. Lãnh đạo không muốn nghe ai, là thứ lãnh đạo gì?”.
- Xem thêm: Thầy cãi
Trời, vợ với con, mồm miệng sắc như dao. Thảo nào có kẻ “sợ dân chủ”. Vợ con trong nhà ăn nói không giống phát ngôn chính thống gì, lắm lúc nghe vợ con nói năng, bình luận thấy… khó dạy thật!
Thỉnh thoảng thằng con lôi ở vỉa hè về những câu vô thưởng vô phạt như “mai kia về với ông bà, nấp sau nải chuối ngắm gà khỏa thân!”.
Không còn gì linh thiêng nữa cả. Hoặc các câu dính “chính trị, nhân sự quốc gia” như: “Đêm nằm nghĩ mãi không ra, sao chủ tịch xã lại là X, Y!” (Mắc mớ gì đêm nằm nghĩ… nhân sự!).
Tôi thấy phức tạp quá. Không hiểu nền văn hóa đậm đà bản sắc sao lại đẻ ra đủ thứ tư duy. Làm lãnh đạo mệt thật đấy.
Vợ tôi còn cãi cố: “Thế mới đòi phẩm chất đặc biệt mới làm lãnh đạo. Ngay làm cha mẹ không xong thì đừng có nói bình thiên hạ, bởi tề gia có xong đâu mà đòi trị quốc”.
Đến lượt tôi thấy làm cha, làm chồng của đám vợ con thông minh là khó nhất.