Nếu là trí thức, bạn nên có thời gian làm việc tay chân. Nếu là người trẻ, bạn càng nên làm việc tay chân. Bạn là người làm ăn? Càng nên làm việc tay chân. Vì sao?
Fresh Roberson yêu thích vật lý và kỹ thuật, nhưng thứ cô say mê nhất là nấu ăn. Cùng bạn bè, cô lập ra Câu lạc bộ Bánh mì Chicago, mỗi tháng họp mặt một lần, làm đủ các loại bánh mì khác nhau của nhiều dân tộc, lại có khách mời đến chia sẻ kinh nghiệm làm bột làm bánh. Không cần đăng ký trước, không cần đóng phí, ai tham dự cũng được, nhưng có một thành phần tham dự đặc biệt với một mục đích không ngờ: những người trẻ sinh lứa 2000, muốn học làm bánh để khuây khỏa tâm thần.
Vì thế, như một bài báo trên tờ Elemental cho biết, có một câu mà Roberson nghe đi nghe lại từ các thành viên này: “Bột nhào là cứu tinh của bọn tôi”.
Nhồi bột để giải stress
Theo Elemental, quy trình làm bánh mì chính là một thuốc giải stress. Các bước tuần tự của nó ai từng làm qua, dù loại bánh mì đơn giản nhất, cũng biết là cần phải tập trung trong thong thả: cân bột, lường men, đong nước, nhồi bột, canh chừng bột nổi, nướng bánh, trông bánh chín. Theo Roberson, bước nào bạn cũng phải thuần túy làm bằng tay, tuần tự từ đầu tới đuôi.
Thế giới càng hiện đại, con người càng thảnh thơi nhưng cũng lại càng stress. Không cái gì làm người ta stress hơn là thảnh thơi về tay chân nhưng đầu óc lại rối bời. Người kiếm tiền bằng đầu óc cũng stress, người không làm gì chỉ xem giải trí trên mạng cũng stress. Các khóa thiền, các môn thể thao thịnh chưa từng thấy. Làm bánh cũng trở thành môn được ưa chuộng ở những người trẻ, đi song song với phong trào kiêng đường kiêng bột cũng được ưa chuộng không kém. Chưa bao giờ hai bộ phận trên con người ta là não và miệng bị giằng co đến thế!
Theo Roberson, ở đây rõ ràng “có một yếu tố về thỏa mãn thực sự”. Đó không phải là làm ra ổ bánh cho gia đình có cái mà ăn, mà trong lúc làm người ta đang thể hiện một khát khao từ bản năng: phải làm ra cái gì đó. Một cái gì đó do chính mình làm, chứ không phải đặt mua online hay ra hàng chọn sẵn. Một cái gì đó mình biết thành phần. Một cái gì đó cho mình biết mình là ai và mình còn đủ tay chân, còn khả năng làm việc thể chất. Ở đây là cái bánh mì, chỉ cần bột, nước, men và sự tôn trọng một quy trình. Theo Elemental, đó không phải là việc nội trợ nữa – đó là việc chăm sóc bản thân.
Cho nên khi nói về việc làm bánh, đồng sáng lập câu lạc bộ bánh mì với Roberson là Rouzaud tránh từ “giỏi, hay” vốn diễn tả sự theo đuổi làm cho được một thứ gì đó “bằng người” hay “hơn người”; Rouzaud dùng từ “lành mạnh” để chỉ sự theo đuổi một tiến trình, chứ không phải một sản phẩm. Theo Rouzaud, đó là một triết lý toàn diện hơn, tập trung vào cá nhân hơn.
Không chỉ nướng bánh
Nếu chọn ngả “an lành” thay vì “giỏi, hay” thì không chỉ làm bánh mà còn nhiều việc khác nữa có thể là “ứng viên” để khuây khỏa thân tâm. Đặc biệt giữa lúc đại dịch, tâm thần mỗi người phải là một pháo đài kiên cố vì lo âu, bất an sẽ khiến hệ miễn dịch suy yếu, cơ thể dễ nhiễm virus, vi trùng.
Do đó, đến “nấu ăn cũng không nên coi là việc nhà hay việc-phải-làm. Hãy coi đó là một cách “hiện diện” hơn và dành nhiều thời gian hơn với gia đình”, chuyên gia khuyên. Thí dụ, nấu ăn là để thoát khỏi công nghệ một lúc. Làm vườn là để đầu óc nghỉ ngơi. Thêu thùa là một dạng tịnh tâm. Dọn nhà, lau bếp là thứ bổ ngang lẫn bổ dọc. Với nhân viên văn phòng, sinh viên ở nhà thuê không bếp, không vườn thì sao? Theo Elemental, đã có các công ty như We Are Knitters bán các bộ kim và len đan, giúp người ta vừa giải stress vừa vận động các ngón tay; sản phẩm làm ra nếu không mặc được thì cũng có thể làm… thảm chùi chân.
Nhưng mẫu số chung của các hoạt động này là gì?
1. Ít ra ngoài
Thứ nhất, theo bài báo, các hoạt động này xoay quanh khái niệm “nhà”. Có nghiên cứu đã cho thấy người trẻ ngày nay đặc biệt thích ở trong nhà hơn là ra ngoài. Nếu có đàn đúm, ăn uống họ cũng thích làm tại nhà hơn. Một khảo sát mới đây cho biết ở Mỹ, đám thanh niên tuổi hai mươi dành thời gian ở nhà nhiều hơn các phân khúc dân số còn lại tới 70%. Sự chuyển đổi về hành vi theo hướng này, từ đàn đúm ngoài phố của thế hệ trước tới ngồi im trong nhà (với công nghệ) đã khiến các tổ chức khởi nghiệp như Girls Night In làm ăn thịnh vượng với hơn 170.000 đăng ký, chuyên nghĩ ra những hoạt động để người ta thấy lành mạnh, thư giãn trong ngôi nhà của mình mà không cần ra đường.
Sáng lập viên của Girls Night In là Alisha Ramos cho biết những người đăng ký nhận thư ngỏ đều đặn của tổ chức này thường là đã quá đừ, quá rối vì công việc, vì kiếm tiền; được nghỉ một đêm quý giá họ chẳng muốn ra phố nữa. Một số khác bản chất đã là hướng nội. Nhà, đối với họ, là một thánh đường để thoát xa mớ hỗn loạn. Nhà là một không gian yên bình, khiến họ thấy an toàn và họ càng muốn khiến nó thanh bình hơn nữa, Ramos giải thích.
2. Như một nghi thức
Về mặt vận động, làm bánh, đan lát hay đào đất, lau bếp đều là những chuỗi động tác lặp đi lặp lại. Ta tập trung thực hiện chuỗi động tác đó và bị chia trí khỏi lo âu, trầm cảm; tức não được thư giãn. Bài báo cho một thí dụ là món thịt băm. Theo nghiên cứu, khi băm hành để trộn vào thịt, động tác băm lặp đi lặp lại theo đúng nhịp điệu là có lợi về sức khỏe tinh thần; sự toàn tâm toàn ý trong lúc làm một món ăn chính là phần thưởng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv nhận thấy các động tác lặp đi lặp lại giúp người ta gia tăng niềm tin rằng mình có thể xử lý một tình trạng mà nếu không tự tay kiên trì thực hiện chuỗi động tác đó thì sẽ không xong. Lặp đi lặp lại là một thứ hành vi mang tính nghi thức. Nói chung, khi thực hiện nghi thức, dù là nghi thức gì, ta cũng có cảm giác tự tin rằng mình đang kiểm soát được tình hình.
3. Cảm giác kiểm soát được
Becky Rapinchuk là sáng lập viên của Clean Mama, một trang web nổi tiếng về vệ sinh nhà cửa có tới 455.000 người theo dõi chỉ để học cách lau sàn sao cho đúng, cách lên lịch dọn nhà, cách tự làm nước lau sàn, rửa chén bằng nguyên liệu tự nhiên. Rapinchuk bảo: “Nếu không rời khỏi điện thoại thì sẽ không bao giờ làm xong việc. Muốn rửa chén thì cần phải ngừng xem Netflix”. Nhưng ngoài sạch và gọn thì còn gì nữa mà thu hút lắm người như vậy?
- Xem thêm: Vai trò của bà chủ
Theo Rapinchuk, mục đích ở đây là dùng việc nhà để có được an lành. Nhà là một hàng rào ngăn chặn các tác nhân gây lo âu đến từ thế giới bên ngoài. Đã lặn hụp mệt lử trong những dòng tin tức không dứt, âm thanh không nghỉ của tiếng người, tiếng xe, thêm các đề bài mà công việc đặt ra cần giải quyết…, người ta cần về tới nhà là về nơi ẩn náu: yên tĩnh, ngăn nắp, sạch như lau như ly. Đó là một dạng thanh tẩy và theo bài báo, đó là một thí dụ kinh điển nhất của lấy lại tự-kiểm-soát.“Nhà bạn là thứ mà bạn có thể kiểm soát. Dĩ nhiên là phải làm một số việc, nhưng dễ hơn nhiều so với giải quyết các vấn đề của thế giới”.
4. Cảm giác đã “hoàn tất”
Ngoài cảm giác mình kiểm soát được còn là cảm thức về hoàn tất. Rapinchuk biết rằng trong số những người đang học cách làm nước rửa sàn của cô có nhiều người không thiếu tiền, họ dễ dàng ra cửa hàng mua về những chai nước rửa tốt nhất, đắt nhất. Nhưng khi tự làm nước rửa sàn, “có một sự hài lòng khi thấy mình tự làm được mà chẳng tốn bao nhiêu”, rồi lại dùng thứ nước ấy lau chùi thành công một không gian vốn lem nhem. Khi tham gia đến nơi đến chốn một quy trình, cảm giác hoàn tất sẽ là động lực cho người ta trong nhiều việc sau này.Chính thế, làm vườn cũng là một cách tự chăm mình, mang an lành tới cho mình. Một nghiên cứu mới đây thấy rất nhiều bạn trẻ thế hệ 2K bỗng như người già, thích chăm cây. Đó là cảm giác theo dõi sát sao một cái cây non lớn lên, cứng cáp dần, ra hoa và cho… rau. Một quy trình tự mình kiểm soát đã hoàn tất giữa hàng trăm việc chưa hoàn tất.
5. Đơn giản là toàn tâm
Bác sĩ Darshan Mehta của Viện Benson-Henry cho rằng thực hiện các sở thích “tay chân” (chứ không phải bằng máy móc) cũng có tác dụng như một thứ thuốc hạ huyết áp, với điều kiện khi làm phải thích thú, chăm chú. “Chú ý vào trải nghiệm cảm giác của mình khi làm, toàn tâm với động tác – Mehta nói – Nếu nhận ra có ý nghĩ khác xen ngang thì ta lập tức kéo trí về lại với việc đang làm”.
Bài báo trên Elemental dẫn ra một đoạn từ vở hài kịch truyền hình The Big Bang Theory khá nổi tiếng, với nhân vật Raj phát hiện rửa chén chính là một hình thức của thiền. “Mấu chốt là trong lúc rửa chén thì ta chỉ chén – anh chỉ dẫn – Tức là hiện diện tại-đây-lúc-này, tập trung vào cảm giác của nước, mùi của thuốc rửa chén, tiếng chén dĩa va nhau và theo dõi hơi thở. Tức đơn giản là hiện tồn”.
Tóm lại, trong một thời đại ồn ào và hối hả, với rất nhiều người trẻ chỉ chăm chăm biến mọi tài năng thành một món để kinh doanh, các hoạt động tay chân mà “lủi thủi” này nghe có vẻ lạc lõng nhưng thật ra hết sức hữu ích, ai cũng nên có chút thời gian mà làm.
Một chuyên gia nói trong thời buổi này, bao nhiêu giải trí và thách thức vây quanh, chúng ta đã mất khả năng buồn chán, mất luôn khả năng sinh cảm hứng và tạo ra cái gì đó mới mẻ. Không kèm theo áp lực nào, tự mình biết mình, làm việc tay chân với sự chú tâm chính là một liệu pháp để ta có lại được những cảm giác lành mạnh của một con người bằng xương bằng thịt: đó là tự chăm được mình, kiểm soát được tình hình, hoàn tất được công việc, lại học thêm được các kỹ năng của lao động tay chân và mỗi ngày lại có một ít thời gian sắm vai Robinson Crusoe, lành mạnh sống một mình khi đã biến góc đảo hoang thành ấm cúng.