Năm 1967, khi đất nước đang trải qua chiến tranh, chàng trai Nguyễn Thành Chương nhập ngũ, trở thành người lính trong một trung đoàn công binh làm nhiệm vụ ở chiến trường Trung bộ. Người lính trẻ từng là sinh viên mỹ thuật đã vẽ rất nhiều ký họa chiến trường những năm tháng ấy.
Trung đoàn công binh ấy làm công việc phá bom, bắc cầu, thông đường… và chuyển hàng hóa, quân nhu, vũ khí… bằng phà qua sông. Trong lửa đạn chiến tranh vô cùng ác liệt, nhiều chiến sĩ ở đơn vị của Thành Chương đã hy sinh. Thành Chương vẫn nhớ mãi những đêm bám chốt đón phà, làm hoa tiêu hướng dẫn cho canô kéo phà đi.
Trong nhiều bức ký họa chiến trường, Thành Chương đã ghi lại những chuyến đi như thế. Nhưng thật ngạc nhiên khi mà trong toàn bộ sự nghiệp hội họa lừng lẫy của Thành Chương suốt nhiều thập niên đã qua, gần như không thấy những bức tranh thể hiện sự khốc liệt của chiến tranh; ngược lại ông chỉ vẽ những con trâu và đám trẻ mục đồng, những cánh diều mơ ước của tuổi thơ ở làng quê cùng những hình ảnh đậm chất dân gian bình dị của đời sống nông thôn an nhiên, tự tại; những sinh hoạt mang tính lễ hội đầy màu sắc và tươi vui.
Có lúc ông lại vẽ chính khuôn mặt mình với đủ cách nhìn “cái tôi”: trang nghiêm, u sầu, hài hước, giễu nhại… Những năm tháng gần đây ông vẽ nhiều về gia đình nhỏ hạnh phúc của mình: người vợ trẻ đẹp và hai cô con gái rượu thương yêu. Dịp Tết Đinh Dậu 2017, Thành Chương gây sốc khi chỉ trong vòng một tháng ông đã vẽ 150 bức tranh gà, không bức nào giống bức nào, với hầu như mọi phong cách và ngôn ngữ hội họa…
Có người từng hỏi vì sao với vốn liếng của một người lính đã đi qua những chặng đường khủng khiếp của chiến tranh, từng đối mặt với cái chết nhưng vì sao Thành Chương chưa từng thể hiện chủ đề đó trong tranh; họa sĩ cho biết ông không muốn nhắc lại những ký ức kinh hoàng của chiến trường lửa đạn, những nỗi ám ảnh khôn nguôi về cái chết của đồng đội, ngược lại họa sĩ chỉ vẽ những gì đem lại niềm vui, đem lại tình yêu thương giữa người và người.
Nói cách khác ông vẽ về hòa bình và tình yêu – phản đề của chiến tranh. Cần nhắc lại một sự kiện đáng nhớ của hội họa Việt Nam, đó là vào năm 2000, tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã chọn bức tranh Tình yêu của Thành Chương làm biểu tượng cho Năm Quốc tế Những người tình nguyện (Year of Volunteers) và in thành tem phát hành toàn thế giới.
Một phần trong số những tác phẩm thể hiện tình yêu cuộc sống dưới mọi dạng thức, đa dạng trong cách kể chuyện bằng màu sắc của Thành Chương được trưng bày tại Việt phủ Thành Chương (xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), một điểm tham quan du lịch nổi tiếng bậc nhất tại thủ đô.