Hôm bữa có mấy bạn KTS trẻ ghé căn nhà “hòn đá bay lên” xem chơi, rồi hỏi: Anh hay tìm ý và duy trì cảm xúc thiết kế từ đâu?
Thật ra mình cũng không có nguyên tắc gì, ý thì ngẫu hứng và từ khắp nơi, nhưng mình có may mắn là có chút thích văn học. Không phải bạn bè hay tiền bạc, chính “sự đọc” đã vực mình dậy ở vài lần chạm đáy, cạnh đó chúng còn giúp mình rất nhiều trong quá trình làm nghề. Và đây là một ví dụ.
“Vì cậu cả ngàn lần rồi!”
Trên cái nền ký ức về một Kabul bình yên thơ mộng và cả Afghanistan ngập ngụa trong chiến tranh, đau thương, tàn tích. “Người đua diều” là một khúc ca bi oán về sự cứu chuộc, về những lỗi lầm day dứt khôn nguôi, về tình bạn kì lạ giữ hai “người anh em” Hassan và Amir.
Hassan là hiện thân của sự trong sáng, chính trực, lòng trung thành đến tận cùng. Gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ với Amir, Hassan luôn bên cạnh chăm sóc, yêu quý vô điều kiện, nhiều lần xả thân để bảo vệ Amir. Nhưng tình bạn, sự hy sinh và lòng tận tụy của Hassan chưa bao giờ được đền đáp. Trong sâu thẳm Amir là nỗi ganh tỵ, là xem bạn mình như một người hầu.
Một ngày mùa đông Hassan vì ra sức bảo vệ chiếc diều xanh chiến lợi phẩm của Amir, đã bị bọn trẻ hung bạo chặn lại, tra tấn bằng nắm đấm rồi tấn công tình dục. Amir núp đó chứng kiến toàn bộ sự việc, nhưng sự nhu nhược và hèn nhát đã cản bước Amir cứu bạn. Hassan đau đớn liêu xiêu gượng dậy từ bãi đá, máu nhỏ chảy dọc xuống phía sau chân, tay vẫn ôm giữ chặt cánh diều xanh, lê bước tìm Amir…
Sau lần đó, mỗi khi nhìn thấy Hassan, Amir như lại đối diện sự hèn nhát của chính mình. Nổi thống khổ bí mật ấy biến cậu thành một kẻ dối gian-bịa chuyện, để một chiều mưa tầm tã Hassan và cha phải lầm lũi rời khỏi ngôi nhà mà cả hai đã cùng lớn lên.
Hơn 20 năm sau Hassan một lần nữa vì bảo vệ ngôi nhà tuổi thơ của Amir, đã phải chết tức tưởi dưới họng súng những “người cai quản mới” – quân Taliba, còn Amir giờ đã có một cuộc sống thành danh tại Mỹ. Dù đã “sống với sự im lặng của một kẻ che mình trong một chốn tối tăm, cuốn hết tất cả các mép diềm lại đè chặt xuống dưới”, nhưng mối day dứt và mặc cảm tội lỗi ngày xưa vẫn không mất đi, nó vẫn vẹn nguyên, nặng đè như “hòn đá tảng”.
Rồi cũng đến lúc Amir chấp nhận đối diện với lỗi lầm, nỗi sợ hãi, vượt qua ngàn dặm đối đầu với kẻ thù, để cứu lấy con trai của Hassan. Kì lạ thay khi phải chiến đấu và nhận lấy những cú đấm bọc sắt, khi nghe tiếng xương sườn mình bắt đầu rạn vỡ, Amir đã bật cười vì cảm nhận “hòn đá tảng” bắt đầu tan ra và sự cứu chuộc đang loang dần tới.
Amir phải cần 26 năm để ra quyết định, để tha thứ cho bản thân mình. Và từ đó “con đường khoan dung đâm chồi nảy lộc, không phải bằng trống giong cờ mở, mà chính là nổi đau đã thu dọn những đồ lề của nó, gói ghém lại và tiêu biến đi không lời giã biệt giữa đêm khuya”.
Trong truyện có lần Amir lôi Hassan lên đồi, rồi tấn công bằng những quả lựu đỏ. Hassan đứng im không hề né tránh, còn lấy thêm một quả lựu đập mạnh vào đầu mình. Hình ảnh Hassan đứng đó, nước lựu đỏ thẫm chảy tràn xuống mặt – áo và khi câu nói: “Vì cậu, cả ngàn lần rồi” vang lên, nước mắt mình đã rơi xuống…
Những ngày covid lật lại trang sách, nổi ám ảnh và thương cảm ngày xưa lại quay về, mình như thấy Amir vẫn đứng đó, giữa con hẻm Kabul tung gió bụi mù, lặng nhìn người bạn – Hassan đang ngồi trên cây táo đỏ, với ánh nắng vàng như mật đang hắt lên nụ cười của đôi môi nẻ… Hình ảnh đó nhanh chóng vụt đi biến mất, chỉ còn tiếng nói: “Vì cậu, cả ngàn lần rồi” vọng lên, rơi lại… lẩn khuất quanh đây.
Nhóm thiết kế: Ngọc Diệu, Đỗ Quỳnh, Anh Khôi
Kết cấu: Phan Thanh Trung
Ánh sáng: Hoàng Vương Ori Lighting
Gạch gốm: MA (Quỳnh Anh)
Fur: Nguyễn Đình Hòa #Laita
Matiere: Trung Nguyễn
Gốm: Nguyen YDesign
Hình ảnh: Quang Trần
- Xem thêm: Sống quanh cầu thang