Hình tượng con ngựa xuất hiện hầu như xuyên suốt lịch sử mỹ thuật, ngay cả lúc con người còn sống hoang dã trong hang thì họ đã vẽ ngựa trên các vách hang đá. Ngựa được thể hiện nhiều trong các tác phẩm hội họa mô tả các trận chiến thuộc nhiều thời kỳ lịch sử loài người. Nhưng trong thời bình cũng có rất nhiều họa sĩ vẽ ngựa, từ Đông sang Tây.
Sức mạnh, tốc độ và sự dẻo dai của ngựa khiến loài vật này được dùng nhiều nhất trong chiến tranh, trước khi con người tìm ra các phương tiện vận chuyển cơ giới hiệu quả hơn sức ngựa. Con ngựa gần như là đối tượng chính của các họa sĩ chuyên vẽ về chiến tranh và quân sự, và nhiều hình tượng ngựa sớm nhất trong mỹ thuật cũng đến từ mảng tranh này: những kỵ binh dũng mãnh trên lưng ngựa, những trận chiến ác liệt, đẫm máu, đầy xác người và ngựa… Một trận chiến quan trọng bậc nhất trong thần thoại Hy Lạp – trận chiến “Con ngựa thành Troy” – là nguồn cảm hứng cho nhiều họa sĩ.
Các cuộc chiến tranh kỵ binh, các kỵ sĩ trên lưng ngựa vào thời Trung cổ được nhiều tác giả mô tả, trong đó có họa sĩ Ý Paolo Uccello (1397-1475) với tranh bộ ba Trận chiến ở San Romano và họa sĩ Đức Albrecht Dürer (1471-1528) với tranh khắc Kỵ sĩ, cái chết và quỷ dữ, cả hai tác phẩm đều là thông điệp về sự tàn bạo của chiến tranh. Các khuôn mặt lớn khác của hội họa thời Phục hưng như Benozzo Gozzoli, Leonardo da Vinci, Raphael, Andrea Mantegna và Titian cũng từng vẽ ngựa. Trào lưu hội họa Baroque với các tên tuổi như Peter Paul Rubens, Anthony van Dyck, Diego Velázquez…, rồi những bậc danh họa thế kỷ XVIII như Théodore Géricault, Eugène Delacroix cũng để lại cho hậu thế các tác phẩm xuất sắc về ngựa.
Trong Thế chiến thứ I, do ngựa còn được sử dụng nhiều trong các trận chiến nên nó là đề tài của nhiều họa sĩ. Alfred Munnings (1878-1959) được Hoàng gia Anh chỉ định làm họa sĩ vẽ tranh về các hoạt động của các đơn vị kỵ binh trong chiến đấu. Nhờ đó ông đã để lại một gia tài đồ sộ các tác phẩm hội họa vẽ ngựa không chỉ trong chiến tranh mà cả trong sinh hoạt đời thường của giới quý tộc nước Anh. Có một nữ họa sĩ người Anh cũng chuyên vẽ ngựa trong chiến tranh là bà Elizabeth Thompson (1846-1933) với nhiều tác phẩm về cuộc chiến chống Napoléon và Thế chiến I. Ngoài tài năng thiên phú, lý do để bà chuyên vẽ mảng tranh quân sự là vì có chồng là một trung tướng trong quân đội Anh.
Các họa sĩ hiện đại phương Tây không vẽ nhiều tranh đề tài tuấn mã bởi con ngựa không còn đóng vai trò quan trọng trong giao thông cũng như trong các hoạt động quân sự. Ngựa chỉ còn là phương tiện giải trí (các cuộc đua ngựa, các chuyến đi săn…) chủ yếu phục vụ giới thượng lưu châu Âu. Có thể nói, trào lưu Ấn tượng gần như ra đời cùng thời với sự phát triển của môn đua ngựa tại Pháp, do vậy nhiều tên tuổi của trào lưu này như Edouard Manet, Edgar Degas, Toulouse-Lautrec đã đưa hình ảnh các cuộc đua ngựa vào tranh. Nếu Manet thích vẽ ngựa đang trên đường đua thì Degas lại tập trung mô tả thời khắc trước giờ cuộc đua xuất phát, riêng Edgar Degas vẽ ngựa từ ảnh chụp nhiều hơn là từ trực họa.
Với nguồn cảm hứng từ các tác phẩm của El Greco, Pablo Picasso đã bắt đầu đưa hình tượng ngựa vào tranh của ông từ năm 1906, “Thời kỳ Hồng” của ông. Song hình tượng ngựa nổi tiếng nhất của Picasso là trong tác phẩm hoành tráng Guernica, mô tả sự tàn khốc của chiến tranh khi máy bay của chế độ Franco ném bom hủy diệt thành phố Guernica. Trong số các họa sĩ Nga lưu vong và các họa sĩ Đức sáng lập phong trào mỹ thuật “Kỵ mã xanh”, tiền thân của trào lưu Biểu hiện, người vẽ ngựa nhiều nhất là Franz Marc với vài chục bức, tất cả đều có hình ảnh con ngựa xanh.
Trong hội họa sĩ Việt Nam hiện đại cũng không thiếu tranh vẽ ngựa. Từ các tác giả thời mỹ thuật Đông Dương như Vũ Cao Đàm, Võ Lăng cho đến các bậc tiền bối như Nguyễn Tư Nghiêm, Mai Văn Hiến… và rất nhiều họa sĩ đương đại như Đỗ Đức, Nguyễn Trọng Khôi, Hứa Thanh Bình… cũng như các họa sĩ thế hệ trẻ. Khi được hỏi: “Vì sao lại vẽ ngựa nhiều như thế? Phải chăng vì cầm tinh con ngựa?”, họa sĩ Hứa Thanh Bình đáp: “Tôi tuổi con gà nhưng chỉ thích vẽ ngựa vì ngựa là một hình tượng rất đẹp để thể hiện trong tranh”.
- Ảnh Tư liệu