Sau triển lãm hoành tráng “Trúc chỉ, lời của sông” vừa kết thúc, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (78 Lê Duẩn, quận Hải Châu) đã tổ chức triển lãm giới thiệu thành quả của trại sáng tác mỹ thuật Đà Nẵng, diễn ra từ ngày 10-10 đến 25-10-2017 với sự tham gia của 14 họa sĩ đến từ nhiều địa phương. Triển lãm là một trong nhiều hoạt động mỹ thuật nhằm chào mừng Tuần lễ diễn đàn cấp cao APEC tại thành phố bên sông Hàn.
Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng Hà Thanh Vân, đây là trại sáng tác thành công nhất trong những lần bảo tàng tổ chức từ trước đến nay, qua đó nhiều tác phẩm có giá trị của các thành viên dự trại đã được bổ sung vào bộ sưu tập của bảo tàng. Đến với trại sáng tác Đà Nẵng lần này, có các họa sĩ Hứa Thanh Bình (TP. Hồ Chí Minh); Nguyễn Duy Linh, Đặng Mậu Triết và Lê Văn Nhường (Thừa Thiên – Huế); Nguyễn Hữu Song (Quảng Trị); Trần Thanh Long và Lê Văn Duy (Khánh Hòa); Hồ Văn Hậu (Đắk Lắk); Hồ Thị Xuân Thu (Gia Lai); Lê Hùng (Pleiku); Vũ Trọng Thuấn, Lê Huy Hạnh, Hồ Đình Nam Kha và Phan Thanh Hải (Đà Nẵng).
Phần lớn các tác phẩm được trưng bày phản ánh cuộc sống và con người ở các địa phương nơi họa sĩ sinh sống, ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời và nền văn hóa bản địa; bên cạnh đó có một số tranh trừu tượng. Trong số những tác phẩm đặc sắc có Ánh sáng của biển và Phần còn lại vương triều của họa sĩ Hứa Thanh Bình, bức sau lấy cảm hứng từ một quá khứ Chămpa vàng son của Đà Nẵng hôm nay. Trong khi đó Phơi lưới của Vũ Trọng Thuấn và Một thoáng Đà Nẵng của Hồ Đình Nam Kha mang hơi thở hiện tại của thành phố nhìn ra biển Đông mênh mông. Còn Vọng của Đặng Mậu Triết và Ngựa đá của Lê Văn Nhường đẫm không khí của Huế ngàn xưa; Đất thiêng của Lê Hùng là âm vang Tây nguyên một thời quá vãng… Mười ba bức tranh trong số 28 tác phẩm ra đời từ trại sáng tác đã được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chọn mua để bổ sung vào sưu tập, đáp ứng nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng địa phương và du khách.
Trong những ngày dự trại sáng tác, các họa sĩ đã đi thăm phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, khu du lịch Bà Nà… Đặc biệt là họ đã cùng sống và vẽ trong studio của họa sĩ Vũ Trọng Thuấn(*), một không gian kết nối các họa sĩ tại địa phương với nhiều đồng nghiệp khắp nơi; có thể nói trại sáng tác mỹ thuật Đà Nẵng lần này đạt được kết quả tốt đẹp là nhờ sự hỗ trợ hết mình của ông. Cùng ngày khai mạc triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, họa sĩ Vũ Trọng Thuấn đã khai mạc phòng tranh “Huyền bí” tại studio của ông, giới thiệu những tác phẩm mới của một nghệ sĩ đã cận kề tuổi tám mươi, cho thấy một sức làm việc đáng kính nể cùng tình yêu thiết tha dành cho hội họa.
Một sự kiện mỹ thuật quan trọng khác chào mừng Tuần lễ diễn đàn cấp cao APEC là triển lãm của nữ họa sĩ Toba Mika (Nhật Bản) với chủ đề “Một Việt Nam thu nhỏ”, giới thiệu 20 tranh nhuộm Katazome, thể hiện vẻ đẹp những vùng đất mà nữ họa sĩ đã đặt chân đến như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn…, được tổ chức tại Bảo tàng Chăm – một điểm trưng bày đặc biệt đã có tuổi hàng thế kỷ và mang nhiều giá trị văn hóa, tương tự như điện Thái Hòa (Huế), Văn Miếu (Hà Nội) hay Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh – những nơi bà từng tổ chức triển lãm tranh.
Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, đối với công chúng Việt Nam, tranh của Toba Mika không chỉ đặc sắc về mặt kỹ thuật đồ họa cổ truyền Nhật Bản mà còn khiến họ rung động bởi “sự thẩm thấu đến từng chi tiết về đời sống Việt Nam… Bằng đôi bàn tay tài hoa, bà đã khiến người xem tranh cảm nhận đời sống ở Việt Nam đã thực sự hòa quyện trong tranh Katazome như thế nào”. Ngoài ra, tại công viên phía trước Bảo tàng Chăm Đà Nẵng còn có một triển lãm các tác phẩm điêu khắc kích thước lớn của nhiều nhà điêu khắc nổi tiếng trong nước.