Nhiều tin tức quá cũng gây ra… cãi nhau trong gia đình.
Nhớ dạo nào, đến thăm hai vợ chồng người bạn văn chương hẳn hoi, không phải người dân thường. Ngày 30 tết rồi, vào sân thấy gạo, đậu xanh ngâm để đầy bên lá dong chưa rửa, không thấy người đâu. Bước lên bậc thềm phòng khách, thấy hai vợ chồng chủ nhà đang vung tay cãi nhau vì… bức tường Berlin sụp đổ. Người nói thế là hại, trong khi người kia cho rằng tốt cho thế giới.
Bây giờ cũng vậy. Toàn tin nóng hôi hổi, vợ dán mắt vào Phây, chồng phải tự mình đi hâm nóng thức ăn. Phàn nàn: “Em cứ xem làm gì, toàn tin bịa đặt, không Fake News (tin giả) thì cũng phản động, nghe nói dối trơ trẽn lắm. Đọc làm gì cho… phí cả mắt”.
Không ngờ vợ vẫn thản nhiên: “Làm thế nào được. Fake News trở thành từ khóa của năm rồi đó. Thiên hạ cũng đọc chứ riêng gì em? Mà lạ, phụ nữ hễ loay hoay trong bếp không biết gì ngoài xã hội thì kêu lạc hậu. Rồi đòi giải phóng bình quyền. Nay quan tâm đến vấn đề xã hội lại bị càm ràm, kêu phí cả mắt là sao?”.
Cứ như anh đây này, làm việc xong, chơi thể thao, đi nhậu với bạn bè, ngủ khỏe, đời khỏe, minh mẫn để ủ mưu kiếm tiền, quan tâm làm gì những chuyện chẳng liên quan đến mình?
Rồi thấy vợ cứ xong việc nhà là lên Phây, chồng đi qua đi lại hỏi kháy: “Này, sao người ta nói có bệnh… nghiện Phây là gì vợ ơi?”. Nhưng vợ vẫn hý hoáy bấm bấm gõ gõ không trả lời. Nói làm gì thêm cãi nhau. Anh chồng thực dụng không quan tâm những gì không dính đến công việc của mình. Thà dán mắt vào tập quảng cáo xem giá bất động sản, dù mình chẳng có tiền mua bán, cũng còn thích hơn. Cả nhà có cái máy tính tốt nhất anh ta chiếm, nhìn rất sang chảnh. Nhưng không rành gì hết, chỉ dùng để… đánh cờ thâu đêm với toàn thế giới.
Một bữa bạn bè tụ tập liên hoan. Thì có phải đi họp hành hội nghị đâu, đám cưới cũng không phải, vậy mà vợ loay hoay chọn áo chọn quần, son phấn cẩn thận lắm. Còn nói, phải mặc đồ sao cho ăn ảnh. Liên hoan bè bạn ăn uống bây giờ không chỉ ăn đồ ăn, mà còn phải làm sao ăn… ảnh, chụp hình đưa lên Phây.
Bữa liên hoan rôm rả lắm, cười nói hả hê. Nào là ngày xưa còn trẻ khỏe không có gì ăn, nay đồ ê hề thì không ăn được nữa, đời toàn chơi khăm. Nào là kinh nghiệm chữa bệnh, các bài thể dục thần thánh và các loại thuốc. Quay đi quay lại cũng hết chuyện riêng, đành phải sang phần thi thố thời sự mà thiên hạ gọi là chém gió. Lúc này mới phân biệt được “trình độ” đây.
Mọi người thi nhau đứng tạo dáng chụp hình. Mà phải đứng lâu vì nhiều máy lắm. Để còn đưa lên Phây cho bạn bè khen “nhà đẹp quá đê”, “tiệc sang quá đê”, còn người thì ai cũng trẻ quá xinh quá, bất ngờ quá.
Chồng lúc này cũng có chút động tâm, là vì rất khoái chụp hình. Đi đâu cũng chụp. Mà nghe bạn nói đưa lên Phây nữa nên hì hục học cách tạo App trên máy, tập chơi Phây. Khi bạn bè khắp nơi nhắn khen, anh sướng quá, hý hoáy bấm bấm. Lúc này vợ đi qua mới nói: “Hôm rày anh hỏi bệnh nghiện Phây. Đó, nghiện Phây là thế đó”.
Chồng vẫn không muốn thua: Thì xem cái hình thôi, chứ ai hơi đâu mà như em, mò khắp các trang, hết Phây rồi “Lốc”, đọc những chuyện trời ơi đất hỡi chẳng dính gì đến mình…
Chẳng biết tình hình ở các gia đình khác có khá hơn không? Cũng khá nhiều mối lo: Mỗi người một cái máy trong nhà, kẻ thức thâu đêm săn tin như… nhà báo. Kẻ phê phán kêu ca. Thầm nghĩ, quái lạ, hễ ai sản xuất ra hàng hóa độc hại là… bị bắt. Mà mấy ông lớn công nghệ nghĩ ra đủ trò, chẳng phải rao ời ời như ta “Mười ngàn ba trái bắp đê”, “Mười ngàn ba trái cà tím đê”, rao lạc giọng không ai mua. Trong khi đó, mấy ông nghĩ ra những thứ máy, cả thế giới lạy mấy ổng để mua cái… độc hại. Mà chẳng thấy ai đến… bắt mấy ổng nhỉ? Nghe nói tội lớn lắm, nào là làm hỏng một thế hệ, nào là sống ảo này nọ. Đến gia đình cũng cãi cọ khi có nhiều tin nóng. Thấy hại chưa? Nghe nói chính mấy ông đó không cho con mình nghiện sản phẩm công nghệ… Có khác gì những người trồng riêng mảnh rau cho mình ăn, còn thì bán rau có phun xịt cho người khác? Khó hiểu ghê vậy đó?