Những công trình có giá trị kiến trúc lịch sử như Tòa án, Dinh Gia Long, Dinh Thượng Thơ, Nhà hát Thành phố… với tuổi đời hơn trăm năm vẫn được hiểu rộng rãi là theo kiến trúc Pháp. Bài viết dưới đây, tác giả Trần Thị Vĩnh Tường hé mở cánh cửa cho thấy những công trình trên mang tiêu chí của phong cách Beaux – Arts được giảng dạy ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội và Sài Gòn lại có nguồn gốc xa hơn nữa: “thuật ngữ Beaux-Arts” từ Paris với tuổi đời 370 năm nhưng “phong cách Beaux-Arts” từ kiến trúc Hy Lạp-La Mã-Ai Cập lại hơn 2.500 năm trước.
Bài viết này tác giả mong đóng góp vào tiêu chí mà các kiến trúc sư mang từ Pháp sang Việt Nam. Vì giới hạn trang báo nên chỉ nêu vài kiến trúc điển hình ở Sài Gòn (*).
Beaux-Arts là gì?
Nghĩa ban đầu là “mỹ thuật”. Cách hiểu đơn giản nhất: ở châu Âu từ 1680 đến 1925 các ngành nghệ thuật như kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc… được xếp loại theo “phong cách” Baroque, Rococo, Beaux-Arts, Néoclassique… Beaux-Arts cũng còn được hiểu là “Trường phái/School” gồm nhiều phong cách được dạy tại “L’école des Beaux-Arts” nước Pháp.
Từ La Mã đến Paris
Hoàng gia châu Âu ngoài nổi tiếng ái tình, giành ngôi, đánh đấm nhau… còn nổi tiếng bảo trợ nghệ thuật, nhất là nước Pháp. Vua Louis XIV của nước Pháp (1638-1715) lên ngôi mới 4 tuổi được mẹ là hoàng hậu Anne và công tước Jules Raymond Mazarin (1602-1661) dìu dắt, rất chuộng nghệ thuật.
Công tước Mazarin người Ý kiêm luôn chức hồng y dù ngài không hề đi tu. Là nhà chính trị và ngoại giao khuynh đảo ba vương triều, hồng y Mazarin đỡ đầu hoàng hậu Anne và vua Louis XIV, thực sự cai trị nước Pháp trong 20 năm. (Truyện tình pha kiếm hiệp – chính trị “hoàng hậu – hồng y – phu nhân – giáo chủ” được văn hào Alexandre Dumas kể lại trong Hai mươi năm sau và Ba chàng ngự lâm pháo thủ nổi tiếng thế giới).
Hồng y truyền kiến trúc sư Louis Le Vau (1612-1670) xây Collège Mazarin lộng lẫy như “Rome giữa lòng Paris” với “cột-cửa vòm-nóc tròn” mở đầu cho Académie des Beaux-Arts, Paris.
Năm 1720, Académie des Beaux-Arts lập ra Prix de Rome, người Việt gọi là Giải Khôi nguyên La Mã, mỗi năm vua Pháp tặng học bổng cho một sinh viên từ Paris qua La Mã học kiến trúc. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ từ Sài Gòn đoạt Giải Khôi nguyên La Mã năm 1955.
“Đường nào cũng dẫn tới La Mã”
Anh em nhà Perrault không bao giờ ngờ tên “Perrault” vẫn vang vọng từ Paris tới Sài Gòn dù họ đã rời cõi thế. Trẻ thơ say mê Cô bé Lọ Lem, Cô bé quàng khăn đỏ, Công chúa ngủ trong rừng… của Charles Perrault.
Claude Perrault là y sĩ giải phẫu, soạn sách âm nhạc, nghiên cứu khoa học tự nhiên. Năm 1668 vua Louis XIV chọn Claude Perrault xây phía đông cung điện Versailles – 700 phòng. Perrault vung chiếc đũa thần biến kinh đô Paris thành cổ tích. Lần đầu tiên Perrault cho cột Corinthian đứng thành đôi nhịp nhàng như nốt nhạc thiên đàng, do cảm hứng từ bộ sách kiến trúc kinh điển De architectura duy nhất thế giới mà Perault dịch từ Marcus Vitruvius Pollio (80-70 TCN) người thành Rome. Quái lạ là cái thành Rome!
Nước Pháp chịu ơn Perrault mang kiến trúc Pháp đi khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
L’École des Beaux-Arts dạy những gì?
Năm 1863 vua Napoleon III đổi tên trường là “L’École des Beaux-Arts” nơi duy nhất ở châu Âu dạy kiến trúc Beaux-Arts, đặc tính là “đối xứng – tỷ lệ – cân bằng” với ba yếu tố chính là “cột – cửa vòm – nóc tròn”. Thanh niên trưởng giả khắp thế giới đổ xô về Paris mơ được tuyển vào trường. Kiến trúc sư tốt nghiệp L’École des Beaux-Arts kiến thức vô song, đa số học ba bốn môn khác trước khi học kiến trúc, tức nếu… dốt dốt đừng học kiến trúc.
Thomas Jefferson (tổng thống thứ ba nước Mỹ) làm việc ở Paris từ 1784-1789 mê tít thò lò kiến trúc Pháp. Năm 1792, khi làm thống đốc bang Virginia ông tự thiết kế nhà quốc hội theo phong cách Beaux-Arts. Ngày nay, tòa nhà quốc hội 42/50 tiểu bang của Mỹ xây theo khuôn mẫu Beaux-Arts do Jefferson để lại.
Cổ tích Beaux – Arts đến Việt Nam
Năm 1859 Pháp chiếm miền Nam, muốn biến Sài Gòn thành Viên ngọc trai Viễn Đông “La Perle de l’Extrême Orient”. Sau công ước Pháp – Thanh 1887, Pháp rời thủ đô Đông Dương ra miền Bắc, muốn biến Hà Nội thành “Petit Paris – Tiểu Paris”. Từ Bắc tới Nam, Pháp xây nhà ga, bưu điện, ngân hàng, tòa án… theo phong cách Beaux-Arts.
Tháng 10.1924, toàn quyền Martial Merlin thành lập L’École supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine tức Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội. Năm 1926 trường thành lập thêm ban Kiến trúc. Năm 1944, ban Kiến trúc theo ông hiệu trưởng Évariste Jonchère (1892-1956) vào Đà Lạt, rồi vào Sài Gòn tức Đại học Kiến trúc Sài Gòn.
Một vài cổ tích Beaux-Arts ở Sài Gòn và Hà Nội
Năm 1868, hai kiến trúc sư đoạt giải Prix de Rome là Joseph Louis và Honoré Daumet hoàn tất Palais de Justice/Tòa án Paris. Ngay lập tức, kiến trúc Tòa án Sài Gòn và Hà Nội mang nặng ảnh hưởng Tòa án Paris.
Theo sử gia Tim Doling hiện ở Sài Gòn, Tòa án Sài Gòn do kiến trúc sư Alfred Foulhoux học L’École des Beaux-Arts (1862-1870) vẽ kiểu, xây năm 1881-1885. Về Sài Gòn năm 2018, tôi ghé thăm tòa án bồi hồi thấy cửa vòm, dãy cột Perrault đứng thành đôi, họa tiết tỉ mỉ hầu như còn nguyên vẹn.
Tòa án Hà Nội do kiến trúc sư Auguste-Henri Vildieu (1847-1926) thiết kế năm 1892-1906 với dãy cột Tuscan oai nghiêm. Trong ảnh, tác giả William S. Logan ghi rõ “The Beaux-Arts facade of the Supreme Court – Chính diện tòa án theo phong cách Beaux-Arts”. Lưu ý: chữ Beaux-Arts luôn có gạch nối.
Trên đường Gia Long (Sài Gòn xưa), kiến trúc sư Alfred Foulhoux thiết kế Dinh Thượng Thơ khoảng 1875 và Dinh Gia Long khoảng 1885.
Ở Paris, kiến trúc sư Charles Girault, giải Prix de Rome 1880, thiết kế Petit Palais cho triển lãm Paris 1900 theo phong cách Beaux-Arts với “cột – cửa vòm – nóc tròn” hoành tráng.
Theo Tim Doling, Nhà hát Sài Gòn (Nhà hát Thành phố hiện nay) do kiến trúc sư Eugène Ferret thiết kế, là bản sao của Petit Palais, tốn tổng cộng 2,5 triệu franc, xây trong 5 năm, từ 1896 đến 1901.
Mỹ thuật Beaux-Arts! Chỉ loài người mới làm được những siêu phẩm từ gạch ngói, đất đá vô tình.
Phong cách Beaux-Arts! Nghệ thuật trang trọng và cổ điển vùng Địa Trung Hải một lần ghé đến Việt Nam. Khôn ngoan thì đừng tính trăm năm từ thời thuộc địa Pháp mà tính 2.500 năm khi những bước phiêu lưu nối văn minh nhân loại thành chuỗi ngọc trai lóng lánh từ bờ này qua bến khác.
California 12.2019
_____
(*) Trong bài tác giả để nguyên danh từ riêng tiếng Pháp/Anh để người đọc nếu cần có thể tra cứu và đối chiếu.