Ở miền Tây, hầu như chợ đồng, chợ phố nào gần ruộng, vào mùa chuột – mùa nước, mùa thu hoạch – cũng có bày bán thịt chuột làm sẵn. Xôm nhất là vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau.
Món chuột sống ở miền Tây, không mần lông, duy chỉ có loài trăn là ưa. Chợ chuột ở Cà Mau, gần đây, cung ứng cho nghề nuôi trăn, thấy phát đạt. Còn cung ứng cho người… nhậu, ngày càng mạnh đô.
Một anh bạn ghiền nhậu thịt chuột, cho biết, tại một nhà hàng đặc sản ở Cà Mau, thực đơn thịt chuột có gần 10 món, có cả chuột nhồi khổ qua, chuột xé phay, khô chuột.
Lai rai thịt chuột, nhâm nhi cái vị ngọt, béo, thơm pha lẫn giữa vị gà, thỏ, chim nước, không thể không lơ mơ nhớ tới những trò bắt chuột như một nét văn hóa riêng của dân miền Tây.
Tỉ như trò giậm cù. Mình trích ở đây vài lời kể của bác Trung Tân, một cựu chiến binh ở Cần Thơ, kể chuyện “giậm cù” bốn chục năm trước ở U Minh:
Nhóm chúng tôi họp với bà con được trên 20 người. Chúng tôi lựa những đám cỏ năn dày nhất, đứng ngoài đã nghe chuột tí túc gọi bầy trong đó.
Nắm tay nhau vây từng cù đường kính 10-15 thước, chúng tôi quay lưng vô đi vòng tròn lấn dần vào. Rồi dùng gót chân giậm thật đều, thật mạnh cho cỏ năn xẹp xuống phá hết các đường mòn khiến chuột phải rút dần vào cù.
- Xem thêm: Khi cá lóc cứ “khóc” đòi hèm rượu
Gom cù lại chừng 20 thước đường kính, đã nghe chuột rúc rích trong năn. Chúng chạy loanh quanh tìm lối thoát, nhưng mọi đường mòn đều bị bịt kín, chúng đành rúc đầu vào nhau như cá rộng trong khạp.
Vài người thạo nhất quỳ sát vạch cù, nắm đuôi chuột bắt từng con, bẻ răng bỏ vào giỏ. Số người còn lại xếp vòng tròn quay mặt ra ngoài sẵn sàng tư thế chụp bắt những chú chuột thoát ra.
Đây là giây phút vui thích nhất của cuộc giậm cù. Tiếng la, tiếng cười không dứt…
Bây giờ, mùa khô, bà con mình vẫn thích giậm cù. Còn mùa nước, thì theo anh bạn trẻ Hoàng Tuấn, chính gốc miền Tây, kể chuyện săn chuột trong mùa nước nổi Đồng Tháp Mười, nghe xong cứ muốn… làm thêm một đĩa thịt chuột rôti:
Từ tháng 7-10 Âm lịch, Đồng Tháp Mười lênh láng nước, họ hàng nhà chuột kéo lên ngọn tràm hùng cứ. Săn chuột mùa nước nổi phải đi xuồng, dắt chó theo và dùng chĩa đâm.
Cặp xuồng vào gốc tràm, trên cây lũ chuột nháo nhác, Nhắm kỹ, đâm ngược lên, con nào liều “mở đường máu” tháo chạy đã có cảm tử chó lao theo truy nã.
Tuy nhiên, chuột là tay lặn cấp “kiện tướng”, lũ chó thường bất lực. Con gái Đồng Tháp Mười, nhiều cô đâm chuột rất “siêu”…
- Xem thêm: Cháo tống miền Tây
Dân miền Tây sợ chuột nhất là khi chúng phá hoại mùa màng. Nhưng họ cũng biết khai thác chúng thành nguồn lợi, trong ẩm thực.
Ở Kiên Giang, An Giang, có đợt người ta treo giải thưởng, mỗi cái đuôi chuột 400 đồng. Thế là, lúa được cứu, mà chợ chuột sung thêm, món chuột đồng ngày càng phong phú.
- Xem thêm: Về quê bác Ba Phi nhâm nhi… thịt chuột!