Nhận định về thị phần bán lẻ trong thời điểm hiện tại, ông Phạm Thái Bình – Trưởng bộ phận Bán lẻ của Savills TP.HCM cho rằng sự biến chuyển giữa phân khúc bán lẻ truyền thống và hiện đại đang thể hiện rất rõ rệt. Với việc quay trở lại thứ hạng 6 trên toàn thế giới theo chỉ số phát triển bán lẻ năm 2017 của AT Kearney, thị trường bán lẻ VN có nhiều tiềm năng trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp bán lẻ nhờ vào niềm tin của khách hàng, sự bùng nổ của thương mại điện tử, tự do thương mại và hạ tầng cơ sở liên tục được nâng cấp và phát triển. Trên thực tế, mật độ bán lẻ tại Hà Nội và TP.HCM hiện vẫn còn khá thấp, mới chỉ ở mức từ khoảng 0,26 và 0,12m2 bán lẻ/người, thấp hơn nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur.
Hiện tại, nhiều thống kê cho thấy nhóm truyền thống vẫn còn chiếm ưu thế bởi tần suất người tiêu dùng đi mua sắm thực phẩm vẫn là vào các khu chợ hơn là vào siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Nhóm hiện đại tuy mới chiếm khoảng 25% thị phần nhưng đang có những bước phát triển nhanh chóng. Theo con số dự báo của Viện nghiên cứu Thương mại thuộc Bộ Công thương, trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của VN dự kiến đạt khoảng 11,9%/năm và quy mô thị trường sẽ đạt khoảng 179 tỉ USD vào năm 2020. Dù chỉ số này chỉ tương đương thị trường Thái Lan năm 2016, song tiềm năng vẫn được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao nhờ yếu tố quan trọng như dân số “vàng”, tiến trình đô thị hóa nhanh tạo đà tăng trưởng thu nhập cho người dân.
Xét về giá thuê mặt bằng bán lẻ tại các khu vực, có thể thấy chính cơ chế thuê sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hình thành giá thuê. Đối với các trung tâm hay mặt bằng thương mại (shopping mall), giá thuê vị trí ở tầng thấp dao động từ 100 đến 130 USD/m2. Cơ chế thuê chủ yếu là cố định (fixed rent) trên mỗi mét vuông và việc hình thành giá thuê tùy vào vị trí và thương hiệu của chính trung tâm thương mại. Ngoài ra, các siêu thị nằm ngoài trung tâm nhưng có mật độ dân cư đông đúc như hai quận 10 và 5 có giá dao động từ 40 đến 60 USD/m2, còn ở các quận 2, 9, Gò Vấp hay Thủ Đức thì giá chỉ khoảng 25-35 USD/m2.
Đối với phân khúc những tổ hợp mua sắm, kiosk (department store) nằm trong khu trung tâm thương mại, việc tính tiền thuê chủ yếu dựa vào hình thức chia doanh thu và kèm theo doanh thu tối thiểu. Mức chia doanh thu dao động từ 18 đến 25%, tùy vào tên tuổi của thương hiệu và nếu so sánh với fixed rent thì mức doanh thu tối thiểu thông thường thấp hơn khoảng 20 – 30%.
Tại các trung tâm mua bán sỉ như Saigon Square, Bến Thành, Lucky Plaza, Taka Plaza, An Đông, Bình Tây, giá thuê cao nhất hiện nay từ 30 triệu đến 50 triệu đồng (Bến Thành), thấp nhất từ khoảng 10 triệu đồng. Bên cạnh giá thuê, mô hình này có thêm một hình thức là sang nhượng quầy hàng với diện tích 2 – 4m2, ở Bến Thành có giá 1,2-2,5 tỉ đồng, các trung tâm khác khoảng 10.000-25.000 USD.