Ai cũng biết, thế giới mạng luôn song hành hai mặt tích cực và tiêu cực. Nhờ có mạng internet, người ta có thêm cơ hội học hành, mở mang kiến thức trong nhiều lĩnh vực, từ chuyện rất nhỏ như giẫm phải cái gai phải xử lý thế nào cho đến việc con người được đưa vào vũ trụ ra sao… Tìm gì cũng có, hỏi gì cũng ra. Bên cạnh đó, mặt trái của thế giới mạng không phải là ít. Trên mạng xã hội, trước một sự việc, lắm lúc cả cộng đồng chia thành nhiều nhóm quan điểm, tranh cãi kịch liệt. Ở phạm vi hẹp, trong gia đình, đôi khi mạng xã hội có thể gây ra sự chia rẽ khó hàn gắn.
Nhà mười anh chị em. Bàn tay có ngón ngắn ngón dài. Có người khá và cũng có người túng thiếu. Sau khi cha mẹ qua đời, anh chị em bất hòa vì những tranh cãi quanh việc xử lý tài sản như thế nào với “chín người mười ý”. Một ngôi nhà lớn ngay mặt tiền phố sầm uất. Cho thuê mỗi tháng 50 triệu đồng, chia đều mỗi người 10 triệu. Giỗ chạp, anh cả có điều kiện hơn nên đứng ra tổ chức, anh chị em ai thích thì góp, không bắt buộc. Ấy vậy mà những lần đám giỗ thường có nhiều lời ra tiếng vào, gây tranh cãi. Chủ yếu xoay quanh việc bán nhà cha mẹ rồi chia nhau hay để như vậy lấy tiền thuê mỗi tháng.
Phe ủng hộ việc bán nhà là những người còn khó khăn, trong đó có ba người không chỉ chưa có nhà mà còn nợ nần. Nhiều cuộc họp gia đình diễn ra, cuối cùng ngôi nhà bán đi, chia ra mỗi người được 3 tỉ đồng. Vấn đề quan trọng còn ở chỗ, bàn thờ cha mẹ được đưa về nhà ai? Là trưởng nam, anh cả có điều kiện hơn nên nhận phần mình ít một chút nhường phần chênh cho em kế bởi sau đó người này nhận lãnh trách nhiệm đưa bàn thờ cha mẹ về nhà, còn bởi tương lai anh cả sẽ định cư nước ngoài.
Chỉ vậy thôi mà bắt đầu chia hai phe, “ly khai” và “chính thống”. Căng thẳng gia tăng khi thông tin nhà về tay chủ mới được sửa sang lại và phân ra cho thuê mỗi tháng gần hai trăm triệu đồng. Phe “chính thống” trách phe “ly khai” quá nôn nóng, vội vàng, không suy nghĩ trước sau.
Phe “ly khai” lập một trang Facebook kéo “chiến hữu” về, cùng đăng tải những hình ảnh hay những dòng trạng thái cho mọi người vào bình luận. Tất nhiên là những bình luận không thiện ý.
Trong phe “ly khai” cũng có vài người không đồng tình nhưng không bày tỏ quan điểm, chỉ im lặng và quan sát.
Một ngày, xuất hiện dòng trạng thái khá nặng nề phê phán phe “chính thống” một cách ác ý, tuy đã bị xóa đi sau chưa đầy hai phút nhưng đã được “ai đó” chụp màn hình và chuyển tiếp nhanh đến mọi người trong gia đình, con cháu dâu rể gần ba mươi người. Căng đây. Hố chia rẽ càng khoét sâu, đào rộng ra.
Bát nước đổ đi rồi. Đám giỗ gần nhất chỉ có phe “chính thống” tề tựu. Phe “ly khai” quyết không tham dự; đã vậy, trên trang Facebook còn thêm những dòng trạng thái, bình luận nặng nề, không thiện ý.
Chỉ một gia đình, đã có biết bao tình huống khá phức tạp mà con người sử dụng trang mạng xã hội có đông đảo người tham gia để bày tỏ quan điểm với mục đích tấn công người khác.
Tưởng là chơi nhưng thật đến mức không ai lường được hậu quả. Nhẹ nhất chỉ cần hủy kết bạn là tình thân ngoài đời coi như chấm dứt. Bạn bè ngồi với nhau ngoài đời thật có nói năng bỗ bã, chửi thẳng vào mặt nhau thế nào cũng cười hềnh hệch cho qua. Vậy mà, chỉ một bình luận không đồng tình trên Facebook nhiều khi dẫn đến căng thẳng không nhìn mặt nhau.
Dò sông dò bể dễ dò, cái khó hiểu nhất trên đời là lòng người. Thêm, tâm lý con người mong manh, nhạy cảm, chỉ cần chút phật lòng nho nhỏ đôi khi gây ra phiền phức lớn.
Bao nhiêu câu châm ngôn người xưa dặn người nay từ thế hệ này qua thế hệ khác rằng phải biết kiềm chế, vậy mà người nay mấy ai nghe lọt tai? Cứ “chơi tới bến” đến đâu thì đến!
Thường, con người nhận ra sai lầm của mình luôn là lúc khó hay không còn cơ hội sửa chữa. Tuy nhiên, bởi là con người cho nên tâm lý dễ dàng tha thứ cho nhau là có thật. Chỉ cần một bên biết nói lời xin lỗi và một bên biết cảm thông.
Lý thuyết thường rất dễ dàng học thuộc lòng, nhưng thực hành không bao giờ là ngày một ngày hai mà đôi khi cả một quá trình. Ăn dễ, ở khó là vậy chăng?