Ai chê dân trí ta thấp là “gạch đá trát đầy tường nhà Phây búc” ngay. Có tên tội phạm trẻ măng đi làm thuê giết cả nhà chủ năm người, trong đó có ba trẻ em. Một người vừa viết lên Phây: “Trời ơi, nó bị tử hình xin hiến xác cho y học? Thôi không ai dám đâu, vứt cho cá sấu ăn”.
Thế là có kẻ “cãi ngay” được thế này (mượn lời để lên án): “Bạn không nhớ sao, người ta dạy kẻ đi ở “nuôi đi em… mầm hận ấy trong lồng xương ống máu”… May mà có người mắng lại: “Thằng này thì học hành gì mà đổ tội cho thơ?”.
Thí dụ bây giờ ta viết một cái “tút” so sánh chuyện đọc sách chẳng hạn. Một người đã bỏ công sưu tầm ra những con số thống kê về đọc sách như sau: Người Trung Quốc một người đọc trung bình 0,7 cuốn/năm; Việt Nam 0,8; Ấn Độ 1,2; Hàn Quốc 7; Nhật sánh phương Tây 40; Nga 55. Và đọc nhiều nhất thế giới là Israel và Hungary lên tới 64 cuốn/năm.
So sánh quan sát bến tàu xe, trên máy bay, nơi nghỉ dưỡng… rút ra nhận xét: Người châu Á ồn ào mua sắm, ăn uống, nói chuyện, ồn ào bận rộn cáu kỉnh phàn nàn, hình như không bao giờ có khả năng tĩnh lặng ngồi yên. Nhu cầu giao tiếp rất lớn, nói chuyện cãi cọ, bấm iPad để xem phim, chat chít, chơi game… chứ không mấy khi đọc sách. Trong khi ở Israel ngày Sabbat nghỉ ngơi có khi các quán xá vui chơi thì đóng cửa nhưng hiệu sách thì mở. Châu Á nơi giải trí ồn ào, tiệm ăn, đánh bạc rất sầm uất…
Thế là đúng quá, rõ quá vì sao con người xứ họ có chiều sâu tri thức, xứ họ phát triển, giải Nobel, phát minh phát kiến…
Có người cãi ngay: “Trên mạng sách gì cũng có. Đọc qua điện thoại, trên Amazon, phương tiện thay đổi trong cuộc sống hiện đại chứ bạn”. Đúng nhé.
“Giá sách bây giờ mắc quá. Mà có khi toàn lá cải, ngôn tình tào lao…”. Có khía cạnh đúng nhé.
“Cái nghèo cái khó sinh ra lối sống mà, trách sao được?”. Cũng đúng nhé.
Một anh hùng bàn phím phát triển thêm bước nữa: “Coi lại lịch sử các cường quốc luôn đi, chỉ giỏi đi xâm chiếm thuộc địa thôi chứ có tốt đẹp gì”. Ối trời ôi, cũng có khía cạnh đúng nhé.
Tóm lại là các “thiên tài cãi” đã vận dụng không còn thiếu xó xỉnh nào của lý lẽ, kể cả cùn đến đâu cũng đưa ra cho đủ. Không bao giờ họ nhìn nhận nghiêm túc vào cá nhân mình. Họ luôn đúng, chỉ tại xung quanh tất cả mọi việc đều sai cả. Họ rất là xứng đáng được gọi là… tự kỷ. Mà tạm mượn từ ngữ để gọi vậy thôi, ví như thế tội cho mấy đứa trẻ bệnh tật có thiểu năng trí não, lỗi không phải tại nó.
Mà lạ thật. Chẳng hiểu từ bao giờ mà “Tây” nó đọc sách cho con trước khi đi ngủ. “Nó” còn dặn con những câu (mà người Việt ta bảo biết thừa, hổng có gì mới) như: “Sách là nơi cất giữ trí tuệ – và trí tuệ là thứ không ai cướp đi của con được”.
Người Việt ta tò mò “nhất thế giới” chưa? Luôn tò mò chuyện người khác, luôn thích mắng người khác và luôn khoe chuyện mình, mình mới hay hơn, nên không thể không vào mạng xã hội. Ai mà nói với ta kiểu “lịch sử phát triển tư tưởng của một người chính là lịch sử… đọc sách của người đó” thì bị mắng ngay: vớ vẩn, tao có là nhà triết học đâu mà phát triển tư tưởng này nọ rách việc. Thời phải kiếm xèng. Vì có đứa viết kìa: “Chuyện tình cảm rất khó nói. Dù có bao nhiêu người theo đuổi, nhưng con gái vẫn luôn chọn người giàu nhất”. Đọc làm gì mất thì giờ nói chuyện đâu đâu. Khối ông bà ăn nên làm ra, có cả chức vụ bảo “Cả đời tôi chả đọc gì ngoài cuốn sách giáo khoa bắt buộc thời đi học”.
Có cô gái nọ chăm đọc sách thì đám con trai bảo “Đảm bảo con này single mom” – mẹ đơn thân không lấy được chồng.
Bó tay luôn. Bao giờ cho chúng ta có phản xạ hễ xảy ra chuyện gì thì đầu tiên phải xem lại mình trước tiên rồi hãy đổ lỗi cho người khác và hoàn cảnh khách quan…