Trong bốn hoạt động cơ bản của con người là đi, đứng, ngồi và nằm thì hoạt động ngồi xem ra chiếm tỷ lệ khá cao. Đến nơi làm việc “ngồi tám tiếng” đã đành, về nhà từ phòng khách đến khu vệ sinh, vào bàn ăn hay ra góc thư giãn đều phải ngồi, chủ yếu hướng đến sự thoải mái, tiện nghi. An tọa an vị, xin mời ngồi, và lịch sử những chiếc ghế nổi danh trong giới thiết kế thường đi cùng những câu chuyện hấp dẫn về cách ngồi, kiểu ngồi, chỗ ngồi và vị thế ngồi. Khi bàn về chuyện “ăn ngon”, thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cho rằng “chỗ ngồi ăn không ngon thời không ngon, không được người cùng ăn cho ngon thời không ngon”. Khi “sự ngon” của nơi ngồi hội đủ thiên – địa – nhân thì giao đãi ắt ngon trớn, bữa ăn mới ngon và cuộc sống mới “ngon lành cành đào” được.
Xem ra chỗ ngồi khắp nơi đều cần chăm chút, từ không gian lớn như sân bóng, hội trường, lớp học… đến không gian nhỏ hơn như bàn ăn, bàn làm việc, tiếp khách cũng không thể vuông tròn dài ngắn mà xong. Xác định đúng vị trí bàn ghế kéo theo mọi thứ liên quan như bố trí đèn, tranh ảnh, thậm chí cách đóng mở cửa, cách đi lại trong một ngôi nhà chịu sự chi phối của hệ thống đồ đạc nội thất, trong đó chỗ ngồi là cơ bản.
Từ hành vi đến vị thế
Khoan nói chuyện “tầm long điểm huyệt” rộng lớn, thực hành phong thủy phần vi mô chính là những xếp đặt tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại diễn ra hằng ngày, cụ thể trong từng bữa ăn, cha ông ta luôn khuyên con cháu giữ gìn ý tứ, sự quây quần ấm cúng và biểu hiện văn hóa qua những câu như “ăn trông nồi ngồi trông hướng”. Bản chất hành vi ngồi và chỗ ngồi mang tính ổn định tương đối nhất, vì chỗ để đi hay đứng (hành lang, cầu thang…) vốn thuần di động, biến đổi luôn luôn, còn chỗ nằm thì lại thuần thụ động, âm tính. Chỗ ngồi vừa âm vừa dương bởi phần âm nằm ở điểm tựa, điểm nhìn, còn phần dương là khoảng cách giao tiếp, xoay xở khi trò chuyện, ăn uống hay làm việc. Nên vào công đường nhìn bố trí bàn ghế thấy ngay trang nghiêm áp chế, nhưng chốn quán xá là nơi đòi hỏi thụ hưởng thảnh thơi thư giãn hơn: cũng là ghế là bàn mà chỗ phải cứng cạnh thẳng lưng, chỗ lại êm ái lả lơi, ấy bởi nhu cầu nào vị thế nào thì cần điều chỉnh nội thất cho tương hợp vậy.
Có thể tạm chia chỗ ngồi trong nhà ở theo công năng – đó là ngồi giao tiếp, ngồi ăn uống, ngồi làm việc và ngồi thư giãn. Loại ngồi nào cũng có dao động qua lại với loại khác, chẳng hạn ngồi ăn đãi khách quý thì trang trọng giống như ngồi làm việc, khác với ngồi thù tạc với bạn bè thân tình xuề xòa, thư giãn hơn. Bàn ghế theo đó mà điều chỉnh. Hoặc chỗ ngồi trong phòng ngủ, sâu hơn là trong phòng vệ sinh kiểu “còn ta với nồng nàn” không thể giống chỗ ngồi gia đình quây quần họp mặt trước bàn thờ gia tiên. Ngoài ra, còn một số loại chỗ ngồi, ghế ngồi bị “lai” với đứng hoặc với nằm, như ghế quầy bar cao ngang hông để trèo lên vắt vẻo, hoặc ghế trường kỷ sà xuống nửa nằm nửa ngồi rất dễ… ngủ quên.
Như vậy, không thể có một loại ghế cho mọi không gian, bởi ghế ngồi – chỗ ngồi luôn biến đổi và khác biệt, đúng như nguyên tắc phong thủy: hình nào thì thế ấy, thế nào thì khí ấy. Vị thế và nội khí trong ngôi nhà chịu sự ảnh hưởng của các sinh hoạt, thiên về âm thì ghế mềm giường êm, ngả sang dương thì ghế cứng bàn cao, thái quá ắt không tốt mà cần chiếu theo đúng không gian để bố trí chỗ ngồi, giao hòa âm dương mới ổn định.
Ngồi giao tiếp và ngồi ăn uống
Nhà ở truyền thống, nhà ở nông thôn thường dọn bữa ăn ngay bộ bàn ghế tiếp khách. Nhà ở hiện đại có tách bạch rõ ràng hơn, nâng cao vai trò nội trợ, đưa bàn ăn vào gần khu bếp để trở thành một phần sinh hoạt thường nhật. Những nhà có diện tích rộng hơn có thể sắp xếp thêm phòng ăn riêng biệt (khi đãi tiệc, họp mặt bạn bè) khác với bàn ăn thường ngày. Chung quy ăn uống dù với người ngoài hay người thân cũng là giao tiếp, cần chú ý phương hướng cho vừa lòng các bên. Hướng ngồi của gia chủ và khách trong phòng ăn – bàn ăn cũng tuân theo tọa hướng tương hợp, trong đó ưu tiên cho khách điểm nhìn đẹp, không dòm ngó bếp (lộ khẩu táo), cũng chẳng nên trực diện phòng vệ sinh hay sàn nước. Vị trí tọa của khách cần ít va chạm với các luồng di chuyển phục vụ (đưa thức ăn ra, dọn dẹp). Nói chung các vị trí ngồi ăn chính yếu cần có điểm tựa ổn định phía sau (mảng tường, tủ kệ) và tầm nhìn bao quát. Nếu bàn ăn dài kê gần cửa sổ thì trục bàn nên vuông góc cửa để mọi vị trí ngồi hai bên có thể quan sát cửa sổ.
Để sắp xếp không gian giao tiếp, ẩm thực hài hòa, cần lưu tâm đến đặc điểm, sở thích của khách lẫn chủ để bài trí thích hợp. Những bức tranh phong cảnh hay tĩnh vật, nhạc êm dịu (thuộc hành Mộc và Thủy) luôn tạo không khí ôn hòa, nhẹ nhàng. Cố gắng giảm các trang trí thừa để tạo sự tập trung vừa đủ, dùng ánh sáng chan hòa và ấm áp. Tránh để quạt hay máy lạnh chiếu thẳng vào người ngồi, nên sử dụng thông thoáng tự nhiên hoặc bố trí thêm chỗ tiếp khách, bàn ăn tại hàng hiên, sân vườn để tăng cường tính thiên nhiên, tạo không khí thân thiện hơn.
Ngồi làm việc và ngồi thư giãn
Xếp hai chức năng ngồi này cùng nhau bởi xu hướng chung của thời đại ngày càng muốn thoải mái hơn tại nơi làm việc (hoặc làm việc tại nhà). Khi tiện ích do thiết bị hiện đại công nghệ cao đem lại nhiều hơn thì chỗ ngồi làm việc cũng “nuông chiều” chủ nhân hơn. Một số công ty bố trí góc làm việc kiểu quán cà phê, hoặc một số người có thói quen làm việc ngoài quán cũng chính là cách vừa làm việc vừa thư giãn như vậy.
Việc đưa góc uống nước hoặc ăn nhẹ (pantry) vào văn phòng hiện nay đã thành tiêu chuẩn thiết yếu. Các yêu cầu về phong thủy của pantry cũng tương tự như ở bàn ăn nhưng giảm tính gò bó mà tăng thêm tính chất linh hoạt thông qua bài trí cây cảnh, tranh ảnh vui nhộn, âm nhạc kiểu lounge dặt dìu, dễ chịu. Nếu có thể ngồi trong khoảng sân trời hay vườn, hoặc ngồi bên hàng hiên, cần lưu ý đến dù che, mái bạt hoặc dàn cây, lam che chắn được nắng mưa. Còn ở điều kiện cao ốc “gần trời xa đất” thì ít ra góc pantry cũng nên có tầm nhìn thoáng mở và thông thoáng tự nhiên là tốt nhất.
Về mặt sinh hoạt, nếu đa số nhân khẩu trong gia đình không thoải mái với kiểu Nhật Bản ngồi gập đầu gối thì chẳng nên cố gắng bài trí nội thất theo lối trà đạo ngồi bàn thấp trên sàn. Hoặc ai đó luôn thương nhớ đồng quê qua bộ ván ngựa, chõng tre kê ngoài hiên thì tại sao không thể làm một góc tương tự trong nhà phố nhỏ, dù có thể chỗ duỗi chân “ba xoa hai đập” ấy sẽ làm mất đi một ít diện tích tấc đất tấc vàng, nhưng nhờ vậy đem lại cả một không khí thân quen thoải mái lẫn nếp sinh hoạt gần gũi mà không tiền bạc nào mua được.
Dù góc ngồi thư giãn được bài trí phức tạp hay đơn giản, luôn cần tạo các cảm giác gần gũi thiên nhiên qua cách tổ chức tiểu cảnh, tạo âm thanh và màu sắc tự nhiên của cây xanh, nước chảy, chim hót… Tăng tỷ lệ dùng vật liệu tự nhiên hoặc gần với tự nhiên (gỗ, đá, gạch trần…) cho góc thư giãn nghỉ ngơi, phòng sinh hoạt chung, ban công, đồng thời cố gắng giảm ngăn chia kín để tăng góc quan sát trong nội thất bằng cách dùng tủ kệ hở, vách kính hoặc vách trượt. Chọn lựa màu sắc phù hợp với không gian chức năng, cụ thể màu gam lạnh hợp hơn với các không gian nghỉ ngơi, thư giãn, phục hồi sức khỏe, còn các gam màu nóng kích hoạt hưng phấn cho nơi làm việc hoặc chỗ sinh hoạt vui vẻ. Tận dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu mới… nhưng không xa rời bản chất vốn có, đó chính là triết lý giản đơn nhất để tạo những chỗ ngồi yên bình, thoải mái, tự nhiên.
Đôi khi một người dường như chờ đợi, thật ra đang ngồi thảnh thơi… Câu hát nghe thấm đẫm chất thiền Đông phương, biết mình để chọn thái độ sống cho mình, không phụ thuộc vào ngoại cảnh mà vẫn nương theo ngoại cảnh. Phong thủy của một ngôi nhà cũng cần vậy, không chỉ toàn là những bài trí hoành tráng lấn lướt, mà phải hướng đến tính an nhiên tự tại, bình yên trong từng góc nhỏ cho gia chủ. Đơn giản hơn cả, thiết thực hơn cả có thể bắt đầu ngay từ một chỗ ngồi…
- Ảnh Xuân Trang