Theo báo cáo hồi cuối tháng 12-2017 của Công ty IHS Markit (chuyên nghiên cứu về thị trường), tỷ lệ smart tivi đã chiếm tới hơn 60% tổng số tivi xuất xưởng trên toàn cầu, riêng tỷ lệ đó ở Samsung – nhà sản xuất tivi số 1 thế giới – đã lên tới 70%.
Ban đầu, thuộc tính “smart” được gắn thêm vào các thiết bị có khả năng kết nối internet và xử lý dữ liệu, đi tiên phong là smartphone – những chiếc điện thoại di động có hệ điều hành chạy các ứng dụng và có khả năng kết nối internet và đỉnh cao là smart home – những ngôi nhà được trang bị nhiều thiết bị thông minh, không chỉ tự động mà có thể được điều khiển từ xa qua internet. Dĩ nhiên, những chiếc smart tivi cũng giống như máy tính, có hệ điều hành, có vi xử lý, bộ nhớ RAM, bộ nhớ lưu trữ, có thể kết nối internet qua wifi hay cáp LAN, có kết nối không dây qua Bluetooth. Cũng có thể ví von rằng smart tivi giống như một chiếc máy tính bảng có màn hình khổng lồ, có thể chạy các ứng dụng, lướt web, làm những tác vụ giống như thiết bị di động.
Smart tivi hiện nay chủ yếu chạy trên nền tảng hệ điều hành Android của Google, thậm chí có những dòng tivi mới nhất chạy trên cả hệ điều hành Android 7 như nhiều smartphone cao cấp. Một số smart tivi của Samsung chạy trên hệ điều hành Tizen OS do hãng này phát triển, còn của LG thì chạy trên hệ điều hành webOS do hãng này mua lại từ HP và Palm.
Với phần cứng như những chiếc smartphone, tablet và được trang bị hệ điều hành riêng, smart tivi có thể chạy các ứng dụng để thực hiện các tác vụ như trên smartphone, tablet. Người dùng có thể lướt web, check email, xem thông tin và bình luận trên các mạng truyền thông xã hội (Facebook, Twitter…), xem video YouTube ngay trên màn hình tivi. Cũng bằng smart tivi, chúng ta có thể dạo qua các cửa hàng online và mua sắm hàng hóa ngay tại nhà. Loại thiết bị này không chỉ thu nhận tín hiệu từ các đài phát để phát lại trên màn hình các kênh truyền hình, các dịch vụ nội dung online (như Netflix, Hulu, Pandora…), mà còn có thể xử lý và playback các nội dung nghe nhìn từ các file qua cổng USB giống như một thiết bị multi media player.
Từ khi smart tivi xuất hiện, chiếc máy thu hình không còn chỉ là một thiết bị hiển thị hình ảnh mà được gắn thêm bộ phận dò đài chuyển kênh để làm chức năng phát các chương trình truyền hình và các nội dung từ các đầu máy phát nữa. Sang năm 2018 này, các nhà sản xuất đã đẩy smart tivi lên một tầng cao hơn nhờ công nghệ mới. Nhiều khách tham quan đã được tận mắt nhìn thấy những mẫu smart tivi thế hệ mới tại CES 2018 – triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất trong năm ở Las Vegas (Hoa Kỳ) hồi thượng tuần tháng 1 vừa qua.
Smart tivi thế hệ mới không chỉ dễ dàng kết nối internet và biết xử lý dữ liệu, mà còn có khả năng hiểu và tương tác với người dùng, đồng thời kết nối với các loại thiết bị thông minh khác, trong đó có các thiết bị vạn vật kết nối (IoT). Tivi thông minh giờ đây còn phải có khả năng hiểu biết, phân tích cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), nói nôm na là tivi có trí khôn.
Chuyện điều khiển tivi bằng giọng nói đã có từ mấy năm trước, nhưng thế hệ cũ chỉ biết nghe các mệnh lệnh đơn giản bằng giọng nói con người. Tivi thế hệ mới biết nghe, hiểu những mệnh lệnh phức tạp và có thể trò chuyện với chủ nhân nữa. Chẳng hạn Bixby (trợ lý ảo thông minh có tố chất AI của Samsung được giới thiệu lần đầu hồi tháng 3 năm ngoái trên bộ đôi smartphone Galaxy S8 và S8+) giờ đây cũng đã được tích hợp trong dòng tivi cao cấp sản xuất trong năm nay. Bixby không chỉ cho phép chủ nhân sử dụng giọng nói của mình để tương tác với các chương trình của các nhà cung cấp dịch vụ như Amazon, Netflix…, mà còn mở ra một loạt khả năng khác, đem lại nhiều tiện ích hơn. Thí dụ, bạn có thể dùng tiếng nói của mình yêu cầu Bixby chuyển kênh tivi hoặc mở một bài hát nào đó. Thậm chí bạn có thể yêu cầu Bixby làm những công việc khó hơn như tìm kiếm các bộ phim đoạt giải Oscar. Ngoài giải trí, Bixby cập nhật tin tức và dự báo thời tiết, kiểm soát các thiết bị IoT trong nhà hoặc trình chiếu các hình ảnh mới nhất vừa chụp được từ điện thoại di động.
Công nghệ AI có một thành tố thú vị là machine learning, nghĩa là nhờ đó mà thiết bị có khả năng nhận biết (học) theo các thói quen sử dụng của chủ nhân và có thể đoán ý để phục vụ đúng sở thích của chủ nữa. Chẳng hạn, khi nhận ra bạn thích thưởng thức các chương trình Bolero, tivi thế hệ mới sẽ tập hợp các nội dung về dòng nhạc này để giới thiệu cho bạn.
Nếu để ý, độc giả cũng đã thấy machine learning đã được ứng dụng trong nhiều dịch vụ internet. Nhiều người từng sửng sốt khi vào Amazon tìm mua mấy món hàng, sau đó chuyển sang Facebook hay đơn giản là mở trình duyệt web, mở ứng dụng duyệt email là đã thấy xuất hiện vô số mẫu quảng cáo, chào mời mua những sản phẩm như họ mới tìm ở Amazon. Ai dùng dịch vụ Netflix thì sau khi xem một hai bộ phim thuộc thể loại nào đó là sẽ được nhìn thấy trên màn hình điều khiển ứng dụng một danh sách giới thiệu đủ những bộ phim cùng thể loại.
Thế giới đang bước sâu hơn vào kỷ nguyên của vạn vật kết nối. Theo số liệu của công ty nghiên cứu dữ liệu công nghệ danh tiếng Gartner, năm ngoái, trên thế giới đã có hơn 8,3 tỉ thiết bị IoT và dự báo tới năm 2020, con số đó sẽ tăng thành 20,4 tỉ. Thậm chí Liên Hiệp Quốc và Công ty IDC (chuyên về phân tích dữ liệu quốc tế) còn dự báo rằng vào năm 2020, thế giới sẽ có tới 200 tỉ thiết bị IoT, tức là tính trung bình, mỗi người trên Trái đất sẽ có khoảng 26 thiết bị thông minh được kết nối!
Các nhà sản xuất tivi tất nhiên không chịu chậm bước. Họ đang tích cực tạo nên thế hệ smart tivi mới có vai trò là trung tâm kết nối trong hệ thống IoT của gia đình. Chẳng hạn, khi đang xem phim trên màn hình tivi, bạn vẫn có thể dễ dàng quan sát hệ thống camera an ninh của nhà mình, kiểm tra xem con cái đã ngủ chưa, ra lệnh bật tắt đèn và máy lạnh ở những nơi không cần dùng đến, kiểm tra trong tủ lạnh còn những gì, ra lệnh cho máy giặt làm việc, yêu cầu máy pha cà phê làm sẵn một tách Espresso đúng kiểu Ý…
Các nhà sản xuất tivi không chỉ cạnh tranh về công nghệ nghe nhìn (nay đang tới hồi bão hòa), mà còn đua nhau tìm cách nâng cao hơn nữa trải nghiệm người dùng, làm thỏa mãn tối đa nhu cầu của người mỗi khi ngồi trước tivi. Một khi tivi có thể “lấn sân”, làm được cả phần việc của những thiết bị khác thì người dùng càng có thêm động lực và nhu cầu mua sắm máy mới. Chẳng thế, một số gia đình khá giả đã rỉ tai nhau: “Bây giờ, đã sắm thì phải chọn smart tivi mới là sành điệu”.