Theo thông tin gần đây từ tạp chí Forbes, phát triển bất động sản (BĐS) bằng hình thức gọi vốn cộng đồng tiếp tục là một ngành công nghiệp năng động và có dư địa phát triển lớn của thế giới.
Từ lượng vốn gọi được vào khoảng 3,5 tỉ USD trong năm 2016, đến năm 2025 ngành công nghiệp gọi vốn cộng đồng được dự đoán sẽ thu hút được hơn 300 tỉ USD. Trong đó, gọi vốn từ cộng đồng khu vực Bắc Mỹ năm 2018 được tới 17,2 tỉ USD với 375 nền tảng gọi vốn cộng đồng. Một số nền tảng gọi vốn cộng đồng uy tín có thể kể đến như GoFundMe, Kickstarter, Indiegogo, Fundly, JustGiving, Kiva. Điểm cốt lõi của gọi vốn cộng đồng là nhiều người cùng sẵn sàng đầu tư một số tiền theo khả năng của họ, nhờ vậy, có thể huy động một số lượng tiền lớn trong thời gian rất ngắn, mở ra cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư chưa từng có cơ hội tiếp cận trước đó.
Mặc dù trong lĩnh vực BĐS, hoạt động khởi nghiệp có tính chất đặc thù và không mơ hồ như các lĩnh vực khác, nhưng nếu rót vốn cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực này thì lại dễ mất vốn nhất bởi nhiều yếu tố khác nhau, cả chủ quan và khách quan. Một trong những giới hạn của khởi nghiệp trong lĩnh vực BĐS hiện nay là thiếu số liệu thống kê, nên các startup khá lúng túng trong định giá dự án của mình khi gọi vốn. Nếu người sáng lập định giá quá cao và đòi số tiền đầu tư lớn thì rất có thể nhà đầu tư cũng đặt ra những mục tiêu rất khó đạt được, hoặc đòi đổi lấy số phần trăm cổ phần rất cao, để rồi khi việc kinh doanh gặp khó khăn, dự án có thể bị nhà đầu tư thâu tóm.
Thực tế diễn ra cho thấy, lĩnh vực BĐS là nơi có nhiều nhà khởi nghiệp nhất nhưng cũng là nơi nhiều nhà khởi nghiệp mất trắng nhiều nhất với cùng kịch bản này. Thêm nữa, khi trình bày ý tưởng khởi nghiệp trong các cuộc thi hay khi gọi vốn, startup phải đối mặt với nguy cơ bị lộ ý tưởng, hay mất sự độc quyền khai thác ý tưởng khi chưa đăng ký bảo hộ. Nếu các startup chỉ có ý tưởng kinh doanh thì không thể bảo hộ dưới dạng quyền sở hữu trí tuệ, ngoại trừ việc bảo vệ nó dưới dạng bí mật kinh doanh. Startup muốn đăng ký sở hữu trí tuệ cho ý tưởng kinh doanh của mình thì phải hiện thực hóa ý tưởng đó.
Hiện có ba cách các startup trẻ tuổi, ít kinh nghiệm trên thế giới thường sử dụng để có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, gồm: Gọi vốn cộng đồng – Crowdfunding; Nhà đầu tư “thiên thần”/Mạnh thường quân – Angel Investor và Quỹ đầu tư mạo hiểm – Venture Capital. Trong đó, mỗi hình thức gọi vốn có những ưu và khuyết điểm riêng, tương ứng với từng giai đoạn phát triển của một startup.
Gọi vốn cộng đồng là một công cụ mới trong việc kêu gọi đầu tư, là cách thuận lợi để tiếp cận các nhà đầu tư. Nó thường sử dụng các mạng xã hội để tiếp cận đông đảo nhà đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, đây là một hình thức tương đối mới ở Việt Nam, đặc biệt khi áp dụng trong lĩnh vực phát triển nhà ở, vì vậy đặt ra một số thách thức cho các bên tham gia. Thách thức lớn nhất chính là tạo niềm tin của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Bất kỳ kênh đầu tư nào cũng chứa đựng những rủi ro, để thu hút được đầu tư của cộng đồng vào trong dự án BĐS – thường có giá trị lớn hơn nhiều so với các kênh khác, cần có sự tham gia của các đơn vị, cá nhân đủ uy tín, trong đó có các trường đại học. Theo các chuyên gia, sự minh bạch là yếu tố then chốt của một dự án phát triển nhà ở bằng hình thức gây quỹ cộng đồng. Khi tham gia một dự án, nhà đầu tư cần nắm được đầy đủ ưu nhược điểm để lựa chọn sự đầu tư phù hợp.