Một bà chủ nhà nói với cô ôsin: “Các cô lạ thật. Làm nghề dịch vụ thì thiên hạ càng nghỉ, người ta càng đi làm nhiều.
Thử nhìn xem, ca sĩ chạy show khắp nơi không kịp thở. Xe ôm, taxi, người bán hàng, phục vụ du lịch…, người ta lăn ra làm thâu đêm, tăng ca. Còn các “bà” ôsin, đúng ngày tết phải nấu nướng cúng tổ tiên ông bà, đãi khách, thì các “bà” trốn biệt về quê!”.
Các cô ôsin thì có suy nghĩ khác, rằng đi làm quanh năm, không lẽ mấy ngày tết cũng không được nghỉ về thăm cha mẹ, chồng con hay sao.
Người làm các nghề dịch vụ đi làm ngày lễ, tết, nhưng sau đó thay phiên nhau nghỉ bù, còn ôsin làm gì có nghỉ bù.
Mà nếu đi nghỉ vào dịp nào chủ nhân cũng bí cả: cha mẹ đi làm, con nhỏ gửi ôsin, vậy thì nghỉ bù cũng không được. Quanh năm công việc cần kíp, vậy sao không có đội ngũ ôsin tranh thủ, dự bị nhỉ?
Thị trường thông minh lắm mà, chỗ nào có nhu cầu, làm được ra tiền, thì lập tức có người đáp ứng ngay. Giống như sau trận bóng đá thắng lợi, thiên hạ “đi bão” là lập tức có ngay đội quân bán cờ, băng rôn.
Nhưng cái “thị trường ôsin” này không dễ như thế, vì họ khó mà lao động thời vụ được. Không giống đi hái cà phê hay buôn bán, chạy bàn.
Họ làm một việc mang tính lâu bền, cần phải có được sự tin tưởng của chủ. Có thể nói, họ “thâm nhập” quá sâu vào các gia đình, nghề ấy đòi hỏi họ phải như một người nhà. Vậy mới khó.
Ôsin về tết, trong nhà… nguy cấp! Nhất là nhà ai có trẻ nhỏ, có cha mẹ già đau yếu phải mượn người chăm sóc quanh năm. Phụ nữ là khổ nhất.
Quanh năm đi làm, được thoát khỏi các việc lau nhà, cọ rửa nhà tắm, nấu ăn, làm việc vặt. Bây giờ phải tự làm lấy tất cả.
Ở thành phố, do điều kiện lao động, do có tiền kiếm được, nhiều gia đình đã chuyển giao một số công việc nhà cho người giúp việc.
Gia chủ phải đi kiếm tiền, làm việc, học hành, nên việc nhà phải có người giúp đỡ. Cũng lại giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Lợi cả đôi đường.
- Xem thêm: Mở trường dạy ôsin
Ôsin về tết, tuy khiến mọi người cực nhọc hơn, nhưng cũng là một dịp… cải tạo cả nhà. Ông bố mọi khi ngủ nướng, nay phải dậy sớm phụ vợ lo ăn sáng, chuẩn bị cho con đi học, đi nhà trẻ nếu chưa đến ngày chúng được nghỉ.
Có nhiều ông thấy vợ lo nội trợ lại thấy khoái: Cô ấy đúng là phụ nữ. Các món tủ của vợ đãi chồng bây giờ được trổ tài.
Còn các cô vợ trẻ thì nhăn nhó: dỗ cho con ăn là một cực hình. Mọi khi người giúp việc cho ăn thế nào không rõ, bây giờ chính mẹ cho con ăn, nó lại không chịu, ốm hẳn đi.
Những đứa theo bà vú nuôi hơn theo mẹ thì sáng ngủ dậy đã đi khắp nhà, nhòm cả vào toilet để đi tìm, vì bà vú đã lên tàu về quê đêm qua, nó được bắt đi ngủ sớm để không hay biết.
Nhìn con đang “truy tìm” bà vú khắp nơi, bà mẹ than: “Bây giờ mới gay đây, không biết giải thích thế nào đây cho êm vụ này. Thế nào rồi cũng có cảnh lăn đùng ra khóc lóc…”.
Cũng có cô ôsin ở lại tết, vì nhà có ông bà già ốm liệt giường phải chăm. Đó là các cô hòa hợp với chủ, coi đó là gia đình thân thiết của mình. Rồi khoảng mùng ba, bốn tết cô mới về quê.
“Thật là có phước”, bây giờ người ta bình luận ai có ôsin trung thành như vậy, cứ như là có một người con hiếu thảo.
Ngày xưa ở ta có rất nhiều gương các bà vú, lão bộc ăn ở trong nhà, nuôi cậu ấm lớn lên, rồi cậu lấy vợ, sinh con, lại nuôi tiếp con cậu.
Vun vén gia đình, có khi liều thân cứu chủ. Dạo cải cách ruộng đất, cải cách tư sản ở miền Bắc, các ông bà chủ khổ sở, có khi bị giam cầm cách ly, chỉ có bà vú già, ông lão bộc cứ liều lén đi thăm nuôi.
Xem các phim dòng họ lớn của Trung Quốc cũng vậy. Người quản gia, làm công luôn trung thành với chủ. Và chủ cũng lo cho người ăn kẻ ở chu đáo. Nay thì lòng trung thành kiểu đó hình như đã mất đi, thay vào đó là tiền.
- Xem thêm: Có theo nổi… cô ôsin?
Đó là chưa kể khá nhiều “tai nạn” về ôsin, nếu không bị lừa đảo, trộm cắp thì cũng gặp loại làm ăn bê trễ, nay xin về quê, mốt đi lo giỗ, thăm ông chú bà bác.
Nếu không thì luôn… vay tiền công trước! Nhẹ nhất thì cũng là “truyền miệng” cho con trẻ thói nói ngọng của nhà quê! Khối cô hở chút là cãi lại chủ hoặc tệ hại hơn là… quấn lấy ông chủ!
“Cung nô xấu” – nhiều người không dám tin cậy vì tử vi của mình nói vậy, hay bị kẻ ăn người ở, người dưới phản…
Thật lắm nỗi lo. Có chủ đổi ôsin xoành xoạch. Không biết các trung tâm đào tạo huấn luyện thế nào, mà các ông bà chủ cứ đỏ mắt mỏi mòn trông. Và coi đây là sự may rủi…