Trong thời đại thông tin tràn ngập hiện nay dễ nhận thấy tư liệu, ấn phẩm về phong thủy xuất hiện khắp nơi, qua đó khá phổ biến những chuyện tạm gọi là “kiêng kỵ”, đặc biệt là các kiêng kỵ về hình thế của ngôi nhà – cụ thể như thóp hậu nở hậu – rất được quan tâm trong các giao dịch mua – bán, hoặc trong sửa sang, xây cất nhà cửa.
Những kiêng kỵ đó được truyền tụng nhiều và nhanh, để rồi trở thành nỗi ám ảnh, thậm chí là một “tiêu chuẩn” để khen chê, đánh giá ưu nhược một căn nhà: miếng đất nở hậu thì gia chủ phát tài may mắn, còn bị thóp hậu thì hãm tài xui xẻo. Thực hư về mặt phong thủy và khía cạnh khoa học của kiêng kỵ lĩnh vực này ra sao?
Từ Thiên – Địa – Nhân hợp nhất…
Về cơ bản, phong thủy là khoa học và triết lý về môi trường sống, trong không gian và thời gian cụ thể, nên qua khảo sát thực địa, tất cả các trường phái phong thủy xưa nay đều liệt kê nhiều kiểu đất đai, nhà cửa đủ dạng tốt xấu, song có điểm chung là nhà đất nên vuông vức, rộng rãi, bằng phẳng, có chỗ dựa sau, tầm nhìn thoáng trước, rồi gần nguồn nước sạch, đường sá thuận lợi, cây cối tốt tươi… để tạo nên các điều kiện chung về nơi cư trú lý tưởng – cát thổ trạch. Còn những thế nhà đất không đạt được các mặt kể trên sẽ bị xếp loại hung thổ trạch, trong đó có hình thế nhà đất trước rộng sau hẹp, nội khí tù hãm, cư trú bất lợi.
Không xem xét toàn bộ các yếu tố gắn với ngôi nhà như địa phương, khí hậu, cảnh quan, đặc thù gia đình…, chỉ quan tâm kích thước (trước, sau, rộng, hẹp) để đưa ra kết luận tốt – xấu sẽ phiến diện. Tư duy tổng hợp của văn hóa phương Đông luôn cân nhắc nhiều phương diện, mà phong thủy về hình thế là một phần trong bộ ba Thiên – Địa – Nhân. Khi xem xét địa thế ngôi nhà, chuyện thóp hậu, nở hậu chỉ có vai trò rất khiêm tốn so với nhiều yếu tố quan trọng hơn như sắp xếp vận bàn sơn hướng theo thiên thời, phối hợp mệnh trạch gia chủ sao cho nhân hòa với tọa hướng và địa lợi để có được sự hưng vượng dài lâu. Về mặt tâm lý, ai cũng muốn đất (hay nhà) của mình phải vuông vức rộng rãi. Nhưng để ăn ở được lâu dài thì các không gian chức năng cần được bố trí hài hòa và hợp với gia chủ. Thậm chí một thế đất được xem là tốt với người này lại có thể không hợp với người khác (tùy theo quan niệm sử dụng, tuổi tác, nhu cầu, thời điểm…).
Do vậy khoa học phong thủy xưa nay xếp nhà đất thóp hậu – nở hậu vào nhóm các tình huống phải giải quyết khi nơi cư trú có mặt bằng không đều đặn vuông vức, mà điều này thực ra xuất hiện gần như song hành với lịch sử xây dựng nhiều biến động. Ví dụ thời xưa đất đai rộng nhưng địa hình thường uốn lượn lồi lõm, các bậc tiền nhân phải chọn nơi ở tương đối phù hợp rồi điều chỉnh dần. Thời nay thì nhà phố chen chúc, ngay căn hộ chung cư không phải luôn vuông vức, chuyện thóp hậu – nở hậu ít hay nhiều trở thành nhỏ nhặt, nếu cứ sa đà vào để so đo tính toán sẽ trở thành mê tín mù quáng.
…đến quan niệm về hình thế theo công năng
Với nhà đất có mặt bằng lồi thụt không đều đặn vuông vức, hãy thử đánh giá thực trạng trước khi tìm phương án điều chỉnh, cụ thể là một số câu hỏi sau:
- Hướng của ngôi nhà (hướng cửa ra vào chính) là hướng gì, phía trước nhà có gì gây trở ngại (ví dụ ngã ba đâm vào, miệng cống, cây to, trụ điện, nhà khác nhìn sang…), các bề mặt khác có tiếp xúc với hướng nắng gắt, mưa tạt, đường sá ồn ào… gì không?
- Phần nhà (hoặc đất) không vuông vức có gây ảnh hưởng gì đến quá trình sử dụng (ví dụ: va chạm khi đi lại, tạo thành hang hốc, góc kẹt…) hay chỉ tạo cảm giác méo mó, không ngay hàng thẳng lối?
- Ở trong nhà mình, gia chủ có cảm thấy nóng nực, ẩm thấp, tối tăm… hay những gì bất tiện khác? Những bất ổn ấy có thể khắc phục về mặt kỹ thuật được không?
Sau khi xem xét tổng thể, người cư ngụ sẽ nhận ra yếu tố phong thủy tốt xấu không đơn giản là chuyện mặt bằng trước sau hơn nhau vài tấc, mà phải là tổng hòa các mối quan hệ với cấu trúc không gian. Nhiều nhà mặt bằng rộng rãi, nở hậu hay thẳng thớm nhưng nơi ăn ở vẫn bức bí khó chịu vì thiếu quan tâm đến cách tổ chức nội thất – không gian – vi khí hậu cụ thể.
Mặt khác, phần được gọi là “hậu” của nhà đất cũng cần xem xét kỹ từ hai góc nhìn chính: thứ nhất, đâu là mặt hậu đâu là mặt tiền để xoay hướng nhà cho đúng; thứ nhì là không gian sử dụng cơ bản của nhà có bị thiếu hụt gì không, chứ không phải hình khối bên ngoài. Tức là chuyện đối ngoại và đối nội của một nơi cư trú. Với những công trình buôn bán cần yếu tố kinh doanh thu hút thì mặt trước rộng và ấn tượng luôn được ưu tiên hơn mặt sau. Hoặc dạng đất méo mó nhưng khi làm nhà chuyển cửa chính ra bên hông hoặc đi vòng lên từ phía sau sẽ không còn cảm giác thóp hậu. Riêng với không gian sử dụng cơ bản của ngôi nhà, có thể lấy ví dụ hình khối của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: nhìn từ trên cao xuống thì phần sau cùng gần như được chuốt nhỏ lại, nhưng đi vào bên trong thì không thể nói là thóp hậu được, vì khu vực hành lễ ở giữa rộng rãi nhất, có cấu trúc ổn định và cân đối, rộng dần đến gian chính rồi giảm dần khi ra các gian phụ phía sau.
Nói tóm lại, khoa học phong thủy từ truyền thống đến hiện đại đều không quá đặt nặng yếu tố nở hậu – thóp hậu. Gặp đất xéo thì làm nhà vuông, gặp nhà xéo thì làm nội thất sao cho không thấy góc chết góc méo trong các phòng chức năng. Quan trọng là không gian cư trú có được thuận tiện, thông thoáng, thẩm mỹ hay không để đưa ra cách thức sử dụng và xử lý nội – ngoại thất cho tốt.
Xử lý khéo để biến nhược thành ưu
Trên thực tế có gia chủ còn không muốn trổ giếng trời ở góc nhà phía sau, vì cho rằng như thế cũng là thóp hậu, là “mất” đất, trong khi khoảng giếng trời đó nếu được thiết kế sẽ giúp hút khí đối lưu, tạo thông thoáng hơn. Hơn nữa, cần lưu ý quan niệm “không gian đi đến được và không gian nhìn thấy, hít thở được” trong phong thủy. Ví dụ: có được ngôi nhà nhỏ nhìn ra một hồ nước không nhất thiết để được bơi lội trong hồ mà chỉ cần nhìn ngắm, hưởng thụ cảnh quan của hồ nước thì giá trị của ngôi nhà nhỏ ấy lớn hơn nhiều so với một ngôi nhà “khủng” nhưng tầm nhìn hướng vào… vách núi trơ trọi. Mở một giếng trời cũng vậy, ta không “đi” vào giếng trời đó được nhưng lại được khoảng thông thoáng để quan sát, thư giãn hữu dụng, giúp nội khí liên kết với nhau tốt hơn, giảm hẳn tình trạng nhà ống bức bí.
Như vậy, khi gia chủ bỏ qua các ám ảnh tâm lý gần như mê tín, thì công việc của nhà chuyên môn khi xử lý nhà đất “thóp hậu”, méo mó không khó. Đơn giản và phổ biến nhất là lấy một trục hoặc một cạnh nhà ổn định làm chuẩn nhằm xác lập các không gian chính, phần xéo còn lại sẽ đặt các không gian phụ, giếng trời, tủ âm, cầu thang, hộp kỹ thuật… để giải quyết tốt về thẩm mỹ lẫn phong thủy. Điều cốt lõi là các không gian cơ bản như phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ hay bếp đều được vuông vức, đa cát sẽ thắng thiểu hung. Còn những góc xéo, góc kẹt do kết cấu xây dựng phát sinh thì dễ dàng bố trí tủ trang trí, cây xanh, xử lý bằng ánh sáng và các dạng trang trí tiểu cảnh nhỏ gọn, hữu dụng.
Cuối cùng là giải pháp làm nhà “nở hậu theo chiều cao”. Đô thị ngày càng phát triển thì nhà đất ngày càng vươn cao, ngày càng có nhiều người cư trú theo chiều đứng để đón nhận sinh khí tốt hơn là sống dàn trải trên cùng một mặt bằng hoặc bám lấy mặt tiền ồn ào ô nhiễm. Nhìn các công trình truyền thống ở Huế, Văn Miếu Hà Nội hay nhà ống Hội An, có thể thấy rõ cách tổ chức không gian càng đi vào sâu càng mở lên cao dần, tạo tầm nhìn và chỗ dựa vững chãi, thoáng đãng. Trong công trình hiện đại thì việc bố trí khoảng lùi lộ giới là bắt buộc, sau đó phát triển cao về phía sau, thấp và thoáng phía trước để đảm bảo quy hoạch cảnh quan là giải pháp phổ biến, ít ai làm ngược lại.
- Ảnh Xuân Trang