Quan hệ tình yêu, hôn nhân giữa hai người sẽ bền chặt nhất khi mỗi người được là chính họ. Ý định thay đổi bạn đời hoặc tự thay đổi bản thân quá nhiều để chiều theo ước muốn của người kia đều có thể dẫn đến thất bại.
Nếu như những niềm tin và thói quen của hai người quá khác biệt, sẽ dẫn đến va chạm. Sự đối lập có thể hút nhau, nhưng lực hút này không thể còn mãi. Trong khi cố gắng khắc phục sự khác biệt, các cặp đôi có thể làm cho mối quan hệ của họ trở nên xấu đi mà không ý thức được điều đó.
Một số người dường như không bao giờ muốn nhượng bộ chuyện gì cả. Họ muốn bạn đời phải thỏa mãn những đòi hỏi của mình. Nếu người kia không thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao ngất này, họ sẽ giận, buồn bực và mệt mỏi.
Điều gì sẽ xảy ra nếu như một người đề cao giá trị của thời trang, trong khi người còn lại hiếm khi tìm được một đôi vớ giống nhau? Họ sẽ cãi nhau mỗi khi có dịp đi ra ngoài. Người coi trọng thời trang có thể buộc bạn đời của mình phải thay đổi phong cách để khỏi xấu hổ khi sánh đôi với một người luộm thuộm. Thay vì chọn những bộ cánh đơn giản hơn hoặc cố gắng giúp người kia, người yêu thời trang này lại nhầm lẫn giữa “kém phong cách” và “cẩu thả” để rồi cả hai gặp khó khăn trong mối quan hệ của họ.
Ngược lại, một số người lại quá nhường nhịn bạn đời của mình. Khi mới bắt đầu một mối quan hệ, người ta có thể sẵn lòng hy sinh vì họ thật lòng thích người kia và cũng muốn bản thân mình được quan tâm, yêu mến. Khi đó, một trong hai người có thể cố gắng giảm thiểu sự khác biệt bằng cách từ bỏ những mối quan tâm của bản thân. Nhưng khi một người phải nhân nhượng quá nhiều so với người còn lại, mối quan hệ sẽ trở nên mất cân bằng. Sau cùng, người “lúc nào cũng nhường” sẽ mệt mỏi và không còn thấy hạnh phúc nữa.
Một người con gái đang yêu và sẵn lòng hy sinh rất nhiều cho bạn trai của mình. Cô vốn thích tất cả thể loại âm nhạc và người bạn trai này là một nhạc sĩ. Vấn đề là anh chàng rất “bảo thủ” mỗi khi đề cập đến sở thích âm nhạc. Khi người yêu nói về một ban nhạc nào đó mà anh ta không thích, anh chàng sẽ chỉ trích và “bắt nạt” cô. Cô lại không biết tự bảo vệ quan điểm của mình mà chỉ biết gượng cười, gật đầu theo và không bao giờ nói lên cảm nhận thật.
Sở thích âm nhạc dường như là một chuyện nhỏ, nhưng trong một mối quan hệ mà chuyện âm nhạc là trung tâm thì đây lại là một hy sinh to lớn đối với cô gái. Người bạn trai kia không phải nhượng bộ bất cứ điều gì trong sự trao đổi ấy. Và điều đó không giúp ích được gì cho mối quan hệ của họ.
Hơn nữa, việc phải nhượng bộ những giá trị và niềm tin cốt lõi cũng sẽ mang lại sự thất vọng và mệt mỏi. Nhân danh tình yêu, chúng ta có thể thỏa hiệp những chuyện nhỏ nhưng nếu như những giá trị quan trọng cũng bị đe dọa thì có lẽ đây là “một sự kết hợp tồi”.
Chuyện này xảy ra khi một trong hai người cho rằng họ cần thay đổi chính mình để sống theo những tiêu chuẩn của người kia. Trong trường hợp ấy, người đó hoặc cả hai có thể nhầm tin rằng giữa họ không tồn tại sự khác biệt nào. Làm cho bạn đời hạnh phúc với “cái giá phải trả là hạnh phúc của chính mình” sẽ chỉ khiến cho mối quan hệ trở nên tệ hơn.
Sự nhường nhịn, thỏa hiệp là “một phần tự nhiên, tất yếu” giúp cho hai người khác nhau có thể sống cùng nhau. Khi cả hai sẵn sàng điều chỉnh vì lợi ích chung thì “chuyện điều đình, nhượng bộ” ấy sẽ giúp họ trở nên mạnh mẽ hơn.
- theo Lifehack