Hạnh phúc là gì? Hẳn đây là câu hỏi mà nhiều người tự đặt ra cho mình. Với anh, đó chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi trong đời mình, còn lại vẫn là cuộc kiếm tìm, không phải lúc nào cũng mải miết nhưng đôi lúc phải tự hài lòng với những “tròn”, “méo” của đời mình để giữ nhịp lăn của bánh xe vận hành trơn tru theo cách của nó, về phía trước.
Anh may mắn được nhìn thấy hạnh phúc của người khác (hoặc anh nghĩ thế), đó là dịp anh về Củ Chi thăm một bà cụ neo đơn theo chương trình của cơ quan cũ tổ chức hằng năm. Anh nhận ra bà sống một mình nhưng không cô đơn, bởi vẫn luôn có sự đùm bọc của bà con chòm xóm. Cách bà móm mém kể chuyện, nụ cười của bà…, thứ ánh sáng tỏa ra trên gương mặt bà khiến anh nghĩ rằng bà đang có một cuộc sống viên mãn. Lúc đó, anh đã nghĩ mình cũng chỉ cần như thế khi về già. Giờ thì anh vẫn chưa nghĩ mình già, nhưng đã bắt đầu suy nghĩ nhiều về cái gọi là hạnh phúc trong cuộc đời mình. Ờ, tại sao cứ phải đợi đến già mới chiêm nghiệm? Nếu đó là những khoảnh khắc thì hãy cứ chớp lấy, khi mình có cơ hội. Mà hạnh phúc có như những cơ hội để mình có thể chớp, hay nó tự tìm đến?
Có đôi lúc anh tự hỏi ba mẹ mình có hạnh phúc không? Những lúc kể chuyện về thời trẻ, mẹ anh vẫn hay nói rằng hồi đó lấy nhau là vì bà ngoại. Cái “hồi đó” của mẹ anh như thế nào, anh không rõ, nhưng ba mẹ anh vẫn đồng hành cùng nhau, có đến tám mụn con. Và cả đời, anh chưa bao giờ thấy ba mẹ mình to tiếng với nhau. Nếu ví mối quan hệ trong hôn nhân như những bánh răng cưa trong một cỗ máy đơn giản nhất thì chắc chắn trong chừng ấy năm tháng, thế nào cũng có lúc hai bánh răng cưa ấy không khớp với nhau, nhưng rồi mọi thứ cũng trơn tru và vận hành cho đến ngày bạc đầu. Phải có những hy sinh, nhẫn nhịn! “Không hạnh phúc mà có chúng mày à?”, mẹ anh đã trả lời anh sau vài giây im lặng. Anh quan tâm đến vài giây im lặng ấy hơn là câu trả lời có tính chất tu từ sau đó.
Nhưng ở thời buổi này, liệu người ta có dùng sự hy sinh và nhẫn nhịn để làm chất xúc tác cho một thứ gọi là hạnh phúc? Anh có đứa em gái, chẳng ruột rà gì nhưng thân, đến độ nửa đêm còn gọi điện, đòi bế con sang xin ngủ nhờ vì những mâu thuẫn với chồng. Người ta nói rằng vợ chồng có bền vững hay không quan trọng là bảy năm đầu sống chung. Anh không biết, nhưng cho đến thời điểm này thì vợ chồng đứa em gái ấy rất ổn, nếu chỉ nhìn thấy những chia sẻ trên Facebook. Những bánh răng cưa ấy khớp với nhau thật, hay thời gian đã đủ để những người trong cuộc nhận ra mình còn có bao nhiêu cơ hội để bắt đầu, cũng như những “được”, “mất” khi quyết định từ bỏ để thiết lập một cỗ xe khác? Có lần, từ một bài thơ nhỏ của anh cũng trên Facebook, anh nhận được tin nhắn: “Cảm ơn vì đã nói hộ lòng em gái!”. Anh không trả lời, vì anh biết ở thời điểm này, cô em gái mình đã vững vàng, việc nhắn tin cho mình chỉ là sự đồng cảm và đủ để chia sẻ vài điều riêng tư trong gia đình, không cần phải đào sâu thêm. Nhưng anh nhận ra một điều, những màu sắc hạnh phúc trên Facebook kia giống như lớp váng dầu, rực rỡ vậy nhưng cũng mong manh và chỉ là phần nổi của cuộc sống. Còn lại, lặn sâu và có sóng ngầm ở phía dưới.