Tháng 5-2019, gallery Filo Sofi Arts ở TP. New York tổ chức triển lãm cá nhân với tên gọi “Nghi thức lứa đôi” cho nữ họa sĩ Iris Scott. Năm ngoái, từ ngày 1-3 đến 8-4, cũng tại gallery Filo Sofi Arts, Iris Scott đã có triển lãm “Cửa khép hờ, coi chừng mèo” hết sức thành công.
Ở tuổi 35, Iris Scott đã trở thành một tên tuổi nổi bật của hội họa hiện thực đương đại Mỹ, đặc biệt với kỹ thuật vẽ bằng ngón tay. Tranh của cô rất được thị trường ưa chuộng, có trong sưu tập của các doanh nghiệp khổng lồ như Microsoft, Coca-Cola; được giới thiệu trên các tạp chí Forbes, USA Today, American Art Collector, hãng tin CBS New York và nhiều phương tiện truyền thông đại chúng khác.
Theo tạp chí Forbes, thành công về mặt thị trường của Iris Scott được thể hiện qua doanh thu từ bán tranh (tranh vẽ và tranh in phiên bản), nếu năm 2017 cô đã bỏ túi hơn 500.000 USD thì năm 2018 con số đó lên đến trên 1 triệu USD. Hầu như tất cả tranh Iris vẽ đều bán hết, thậm chí người ta phải xếp hàng để có được tác phẩm của cô. Điều đó nói lên sự ưa chuộng của các nhà sưu tập và giới thưởng ngoạn đối với các tác phẩm thể hiện thế giới tự nhiên đa dạng bằng những sắc màu kỳ ảo, tạo ảo giác cho người xem và được diễn đạt với ngôn ngữ của hội họa Ấn tượng.
Theo giám tuyển Gabrielle Aruta của phòng tranh “Nghi thức lứa đôi”, tranh Iris Scott là những tụng ca vẻ đẹp rỡ ràng của cảnh sắc tự nhiên, cũng như sự khảo sát hành vi bản năng của đời sống hoang dã, những quy luật của sự hấp dẫn cùng với tiến trình mà loài người xây dựng bản ngã của mình. Màu sắc được Iris sử dụng trong tranh là sự pha trộn hết sức phong phú các loại màu khác nhau. Theo tạp chí Create Magazine số 17-2-2019, trong một bức tranh của nữ họa sĩ có đến 100 sắc tố (pigment) nên gây được hiệu quả thị giác mạnh mẽ đến kinh ngạc.
Bằng những “ngón tay vàng” của mình, nữ họa sĩ hiện sống và sáng tác ở Brooklyn, New York đã tạo nên sự riêng biệt về mặt nghệ thuật, điều mà bất kỳ nghệ sĩ nào cũng mong đạt được. Khi bắt đầu vẽ một loạt tranh mới, trước hết Iris in lại một tác phẩm cũ của cô, sau đó cắt rời nó thành từng mảnh và chắp nó thành một bức collage (tranh dán giấy), để phục vụ như một phác họa nghiên cứu cho loạt tranh sắp vẽ.
Với cách làm này, nữ họa sĩ đã “đào bới – theo nghĩa đen – bố cục và màu sắc từ những bức tranh đã vẽ nhằm tạo một phiên bản tương lai cho các tác phẩm có kích thước lớn”. Trong loạt tranh của triển lãm “Cửa khép hờ, coi chừng mèo”, ngoài các tác phẩm phong cảnh thiên nhiên và các loài thú hoang dã quen thuộc, lần đầu tiên Iris đã vẽ những tranh thiếu nữ trong trang phục đầy màu sắc tựa như các tranh của bậc thầy Gustav Klimt, vẫn với năng lực lạ thường từ những ngón tay.
Iris Scott chào đời năm 1984 trong một nông trại nhỏ của đôi vợ chồng hippy(*) trong thung lũng Maple, gần thủ phủ Seattle của bang Washington. Tên cô được đặt theo tên nữ thần của cầu vồng trong thần thoại Hy Lạp. Cha mẹ Iris làm công việc tại nhà: Mẹ cô dạy đàn piano và chăm sóc vườn tược còn cha cô lo mọi việc để có thể nuôi gia đình, đóng tủ cho khách hàng ở một tiệm mộc cạnh nhà.
Từ bé Iris đã có quá nhiều thời gian một mình trong cái thế giới riêng của cô, vui đùa và giải trí mà chẳng cần món đồ chơi nào. Ngôi nhà của cha mẹ cô bé ở cuối một con đường dài, trong một khu rừng thưa bao quanh là cây cối xanh tươi quanh năm. Iris và em gái lớn lên giữa bầy gia súc và thú nuôi, chơi đùa với chó, mèo, thỏ, ngựa, dê, chim két, kỳ nhông và gà. Mùa hè hai chị em đi chân đất, đào hang ở những sườn đồi trong thung lũng, làm nhà bằng tre trong rừng và nặn những chiếc bình đất sét.
Những ngày mưa thường dai dẳng ở vùng Seattle, Iris náu mình trong phòng ngủ miệt mài đọc những sách dạy vẽ mượn từ thư viện gần nhà. Không chịu kém cha mẹ ở lối sống của dân hippy với phương châm “thực hành, thực hành, thực hành”, Iris đến với thế giới nghệ thuật bằng bài tự học đầu tiên về những quy tắc căn bản của hình họa. Cô bé vẽ theo những ảnh chụp và từ các bức tranh, thực hành các quy tắc hội họa để sau này phá bỏ những quy tắc đó.
Chỉ vài tháng sau khi tốt nghiệp khoa hội họa tại Đại học bang Washington, Iris sang Đài Loan sống và vẽ; ở đó vào năm 2010, cô đã vô tình tìm ra cách thức để phát triển sự nghiệp nghệ thuật độc đáo của mình, trở thành họa sĩ chuyên nghiệp đầu tiên vẽ bằng ngón tay.
- Xem thêm: Đi vào “cõi Klimt” ở Paris
Đó là vào một ngày nóng và ẩm ở Đài Loan, khi Iris đang vẽ dở dang một bức tranh hoa nở vàng rực bằng sơn dầu. Chỉ còn những nét chấm phá cuối cùng nhưng tất cả cọ vẽ đều không sạch, cần phải rửa trước khi vẽ tiếp, trong khi cô lười biếng chỉ muốn hoàn tất bức tranh mà không cần làm sạch cọ. Thế là Iris thử liều dùng ngón tay đã bôi màu vẽ nốt những gì cần vẽ.
Không ngờ kết quả đạt được ngoài sự mong đợi, bề mặt tranh trở nên dễ kiểm soát hơn với những ngón tay nhúng màu thay vì dùng cọ. Tất nhiên để có thể dùng loại “cọ ngón tay”, Iris đã có căn bản vững vàng về hình họa và các chất liệu tạo hình, thành thạo các kỹ thuật hội họa mà cô đã tiếp thu từ thuở thơ ấu cho đến những năm đại học.
Năm ngoái, khi trả lời phỏng vấn của tổ chức nghệ thuật Art Summit, Iris Scott cho rằng trong thế giới của nghệ thuật tạo hình có nhiều bậc (xét về giá của tác phẩm); đứng ở bậc cao nhất là các tác giả đã quá cố từ lâu, tranh có giá đến 400 triệu USD; tiếp đến là các họa sĩ đang sống nhưng giá tranh lên đến hàng trăm triệu USD rồi đến bậc thứ ba là các tác giả đương thời có giá tranh vài trăm ngàn USD.
Iris tự cho mình thuộc các họa sĩ bậc bốn với giá tranh khổ lớn là 50.000 USD. Iris cũng cho biết các họa sĩ mà cô ngưỡng mộ là Leonardo da Vinci, Claude Monet, Singer Sargent, Gustav Klimt, Edvard Munch, Frida Kahlo, Tamara Lempicka, Walton Ford.
(*) Hippy hay hippie là tên một trào lưu văn hóa bắt nguồn từ Mỹ, sau đó lan rộng trong giới trẻ phương Tây vào giữa thập niên 1960. Đó là những người bất mãn với những định ước xã hội đương thời, với cuộc sống bị vật chất chi phối đồng thời phản đối chiến tranh, đề cao hòa bình, sự khoan dung và lòng bác ái. Giới trẻ theo chủ nghĩa hippie thường sống thành cộng đồng nhỏ, lánh xa xã hội, không cần đến công việc…