Chuyến đi dạo Bologna của chúng tôi bắt đầu từ trường đại học cùng tên với thành phố. Chẳng phải vì các thành viên của chuyến đi ham học, mà bởi vì người dẫn đoàn có công việc chính thức ở trường đại học gần ngàn năm tuổi này. Bologna là thủ phủ của Emilia Romagna – vùng có mức sống cao nhất nước Ý, thế nên bề dày văn hóa lịch sử thành phố thật đáng nể.
Mưa mùa đông trên phố cổ
Từ ngàn năm trước Bologna đã nổi tiếng phồn thịnh. Trường Đại học Bologna là một trong những ngôi trường lâu đời nhất và lớn nhất châu Âu ngay từ thế kỷ XI-XII. Nhìn tầm vóc của thư viện đủ biết vì sao nơi này được gọi là trung tâm văn hóa khoa học của châu Âu giai đoạn Trung cổ và Phục hưng. Nét đặc trưng nhất của Bologna là kiến trúc hành lang vòm cuốn hầu như có trên tất cả các con phố. Cả thành phố có tới 280km hành lang như thế nên sinh viên ở đây đi học chẳng phải sợ mưa hay tuyết.
Thành phố này cũng còn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc nguyên thủy từ gần chục thế kỷ trước: các nhà thờ, tháp, các khu phố và khuôn viên trường học. Hầu hết những công trình đều được xây bằng gạch thô màu đỏ tạo nên vẻ ấm áp đặc trưng. Trên phố phường cổ kính các cửa hàng hiện đại nằm san sát nhau ở tầng 1, du khách chỉ cần đi trong hành lang vòm là nhìn thấy mọi mặt hàng qua bức tường kính, đi mua sắm ở đây thật là tiện lợi.
Lễ Giáng sinh vừa kết thúc nhưng không khí mua sắm ăn uống thường sẽ còn kéo dài cho đến ngày 29-12. Ngay phía trước quảng trường Maggiore, giáp với con đường là những gian hàng san sát nhau, bán mua đủ thứ loại đồ ăn, chỗ thì bán pizza, chỗ thì xúc xích, chỗ bánh nướng, chỗ bia bơ… Đi qua chỗ này lại đến những gian hàng bày biện các hàng lưu niệm, những tảng sapphire kết tinh sáng lấp lánh, những quầy hàng bán quần áo, ly tách, mũ nón, giày dép, túi xách, đồ thủ công, đồ trang sức… Quảng trường Maggiore có rất nhiều dinh thự đẹp cổ kính, pháo đài Trung cổ còn nguyên vẹn, nay là nơi triển lãm tranh và biểu diễn hòa nhạc, chính giữa quảng trường là đài phun nước với tượng thần biển Neptune bằng đồng. Tòa dinh thự đồ sộ và đẹp nhất trên quảng trường chính là thư viện thành phố, nơi lưu giữ những tác phẩm là tinh hoa trí tuệ trong nhiều thế kỷ.
Từ cách đây hơn một tháng, mấy tờ báo địa phương rộn ràng đoán già đoán non về một mùa Giáng sinh trắng, một mùa đông lạnh nhất thập niên, để rồi càng tới gần ngày này thì chẳng thấy bóng dáng của Bà Chúa tuyết ở đâu, và các trang truyền thông lại buông vài lời than thở về một mùa đông nóng nhất trong mấy chục năm qua. Câu chuyện thời tiết quả là thú vị và cái cách dự đoán của báo chí xứ này cũng mang lại nhiều nụ cười vui cho những người thích tán gẫu. Một mùa Giáng sinh không có tuyết thì cũng mất đi nhiều sự háo hức, và một mùa Giáng sinh với những đợt mưa dầm dề như trong cả tuần qua, dù không đến mức khóa chân người ta ở trong nhà thì cũng khiến cho nhiều người ngại bước ra đường. Trời sáng muộn và tối nhanh khiến cho ngày qua rất vội, vèo một cái đã hết một ngày, ngủ dậy chưa kịp làm gì thì đã lại chuẩn bị leo lên giường ngủ tiếp!
Mấy buổi chiều cuối năm chỉ đến 4 giờ là thành phố đã nhập nhoạng tối mù, mưa thì cứ lắc ra lắc rắc không ngừng hạt. Dù vậy đường phố vẫn đông người qua lại. Những chùm đèn bông tuyết sáng lấp lánh trong màn mưa lất phất. Chúng tôi đi qua một khu vườn nhỏ dưới gốc những cây cổ thụ khổng lồ cao vút tỏa bóng mát rượi, bỗng nghe rõ những giai điệu du dương mà lúc nãy do âm thanh hòa lẫn trong tiếng gió thổi và tiếng người xao xác nên đã không nghe thấy. Tiếng piano thánh thót trong tiếng gió mơn man dịu dàng. Tiếng piano gõ vang vang chậm rãi khiến cho mọi thứ chung quanh quá đỗi thanh bình. Mọi người ngồi ngẩn ngơ và đắm chìm trong bầu không khí đó, nhắm mắt hít hà cái mùi bánh mì nướng ngào ngạt ở đâu bay đến, hấp háy cánh mũi ngửi ngửi cái mùi cà phê thơm nức nồng nàn.
Ferrara, thành phố của các nhà buôn
Ngày hôm sau chúng tôi đi thăm thành phố Ferrara cách Bologna không xa. Đây là điểm du lịch nổi tiếng của Ý vì có lễ hội hóa trang Carnival rất quy mô vào cuối tháng Một hằng năm. Còn gần cả tháng nữa mới đến lễ hội, trời lại lạnh nên đường phố khá vắng vẻ nhưng trong các cửa hàng hai bên đường đã thấy bày bán trang phục hóa trang rực rỡ. Nhà cửa ở đây không cao, xây bằng gạch thô màu đỏ hoặc bằng đá. Ở quảng trường trung tâm có pháo đài Estense xây từ thế kỷ XIV bề thế với các tường thành, tháp canh vào hào nước quanh pháo đài nước lúc nào cũng đầy ắp, trong xanh. Bây giờ bên trong pháo đài là các văn phòng, công sở của chính quyền thành phố.
Ferrara còn giữ được rất nhiều công trình kiến trúc từ thời Trung cổ đặc biệt là các nhà thờ. Nhà thờ Chính tòa có mặt tiền bằng đá hoa cương trắng với nhiều tượng mô tả các nhân vật trong kinh thánh nhưng đặc biệt nhất là ở sân trước nhà thờ vẫn còn tượng hai con Griffon khá lớn (đầu đại bàng mình sư tử) và hai con sư tử nhỏ hơn bằng đá hoa cương đỏ mà du khách rất thích chụp hình. Từ quảng trường lớn có nhiều ngõ phố tỏa đi bốn phía. Những con phố ở đây nhỏ và yên tĩnh nối với nhau bằng hệ thống hành lang vòm cuốn tương tự Bologna. Kiến trúc này có từ thời Trung cổ khi khu vực là trung tâm buôn bán, nơi lái buôn từ các vùng đến trú ngụ và trao đổi hàng hóa.
Rời khu phố cổ, cả nhóm quay ra đại lộ chính, nơi có rất nhiều cửa hàng thời trang cao cấp và cửa hàng bán đặc sản của vùng là giăm bông, xúc xích. Hai món này chẳng xa lạ gì với các thành viên nhưng quả thực, chưa ai từng được thấy xúc xích có thể đa dạng về chủng loại và kích cỡ như ở đây. Xúc xích to hơn cổ chân người lớn, dài hơn một mét, giăm bông thì cái nào cũng cỡ từ năm, sáu cho đến chục ký lô. Nhìn vỏ ngoài có thể thấy ngay là cách chế biến khác nhau vì có cái hun khói đen thui, có cái lấm tấm mốc trắng, có cái được lăn qua hạt mùi và hạt ớt với những hạt gì gì nữa nên trông lốm đốm đủ màu rất vui mắt. Phô mai thì mỗi bánh có đường kính khoảng nửa mét, cao khoảng 30cm nên trông cứ như cái trống lớn.
Đại lộ chính được xây vào thế kỷ XVII-XVIII trở lại đây nên đường rất rộng, các dinh thự cũng đẹp cầu kỳ vì chủ nhân của chúng là những người rất giàu có nhờ kinh doanh buôn bán. Đoàn thử ghé vào một tòa nhà mở cửa trên phố vì thấy tòa nhà này có kiến trúc cửa sổ, cổng lớn và mặt tiền rất cầu kỳ và độc đáo, hóa ra bên trong là cả khuôn viên rộng với vườn cây, đài phun nước và tòa nhà hình chữ U với những hàng cột lớn, cửa vòm bao quanh khoảng sân lát đá và trồng hoa cây cảnh. Tiếc là mùa đông nên cây và hoa đã rụng hết lá rồi, không thì nơi này trông sẽ giống như trong chuyện cổ tích Ngàn lẻ một đêm!
Gần tòa nhà còn có một sân khấu nằm trên tầng 2 của quán bia lớn nhất khu chợ, nơi mà chủ xị là một cặp ca sĩ vẫn còn mặc trang phục của ông bà Noel. Cô ca sĩ trẻ sau một hồi biểu diễn thì đã rút lui nhường lại cho một bác lớn tuổi bụng phệ nhưng cực kỳ nhiệt tình. Bác hát đủ thứ nhạc với giọng hát ấm áp, khỏe khoắn, tưng bừng, làm dậy sóng đám đông đang đứng quanh những bục gỗ với ly bia trên tay, xua tan đi cái giá buốt và làn mưa rát mặt. Những giai điệu ngọt ngào của buổi chợ cuối cùng cứ vang vang hoài không dứt…